Bảo hiểm thất nghiệp và toàn bộ nội dung trợ cấp thất nghiệp người lao động cần biết
22/04/2020 19:12Bảo hiểm thất nghiệp là sự bù đắp một phần thu nhập bị mất mà người lao động được hưởng. Trong giai đoạn dịch bệnh Covid19 ảnh hưởng nặng nề như hiện tại thì rất nhiều người lao động bị mất việc làm, mất thu nhập nên rất quan tâm và mong muốn tìm hiểu để có thể thực hiện các thủ tục một cách nhanh chóng.
Do đó, Công ty Luật TNHH Inteco xin gửi tới người lao động một số hướng dẫn và tư vấn pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp. Chúng tôi hy vọng rằng, đây sẽ là một nỗ lực của đội ngũ Luật sư tư vấn chúng tôi để hỗ trợ cộng đồng và người lao động trong giao đoạn khó khăn hiện nay.
Mọi ý kiến thắc mắc, góp ý, xin gửi về email: hanoi@intecovietnam.vn. Chúng tôi sẽ cố gắng hồi đáp và trả lời những câu hỏi phù hợp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của quý vị.
Nội dung bài viết
- 1 Biểu mẫu hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp
- 2 Bảo hiểm thất nghiệp là gì?
- 3 Đối tượng hưởng bảo hiểm thất nghiệp
- 4 Điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp
- 5 Mức hưởng hưởng bảo hiểm thất nghiệp
- 6 Cách tính bảo hiểm thất nghiệp 2020
- 7 Thủ tục làm bảo hiểm thất nghiệp
- 8 Hồ sơ làm bảo hiểm thất nghiệp
- 9 Nhận bảo hiểm thất nghiệp 1 lần
- 10 Bảo hiểm thất nghiệp được lấy mấy lần?
- 11 Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp
- 12 Chuyển nơi hưởng bảo hiểm thất nghiệp
- 13 Tạm dừng, tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp
- 14 Chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp (thuộc bảo hiểm thất nghiệp)
Biểu mẫu hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp
Đơn đề nghị hưởng trợp cấp thất nghiệp
Mẫu Thông báo tìm kiếm việc làm
Mẫu Thông báo đề nghị không thực hiện thông báo tìm kiếm việc làm hàng tháng
Mẫu đơn đề nghị không hưởng trợ cấp thất nghiệp
Mẫu đơn đề nghị chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp
Mẫu thông báo chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp
Mẫu phiếu tư vấn, giới thiệu việc làm
Mẫu đơn đề nghị hỗ trợ học nghề
Bảo hiểm thất nghiệp là gì?
Từ viết tắt:
NLĐ = Người lao động
NSDLĐ = Người sử dụng lao động (doanh nghiệp)
TCTN = Trợ cấp thất nghiệp
Khoản 4 Điều 3 Luật Việc làm năm 2013 quy định: “Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp”.
Từ quy định trên, có thể hiểu bảo hiểm thất nghiệp là một hình thức bảo hiểm dựa trên sự đóng góp của Nhà nước, NLĐ và người sử dụng lao động nhằm bù đắp một phần thu nhập cho NLĐ khi mất việc làm, tạo điều kiện cho NLĐ tìm được việc làm thông qua tư vấn và giới thiệu việc làm hoặc đào tạo lại.
Căn cứ Điều 42 Luật Việc làm năm 2013, BHTN bao gồm các chế độ hỗ trợ dành cho người lao động và dành cho người sử dụng lao động. Đối với NLĐ, các chế độ BHTN bao gồm: Trợ cấp thất nghiệp; Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; Hỗ trợ học nghề. Trong đó:
TCTN là chế độ cơ quan bảo hiểm trả cho NLĐ một khoản tiền hỗ trợ trong thời gian bị thất nghiệp.
Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm là chế độ Trung tâm dịch vụ việc làm của Nhà nước tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí cho NLĐ.
Hỗ trợ học nghề là chế độ các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phối hợp để cho NLĐ được học nghề tại một cơ sở dạy nghề với một phần kinh phí do cơ quan bảo hiểm chi trả.
Điều kiện hưởng, mức hưởng, thời gian hưởng, hồ sơ, thủ tục, địa điểm đề nghị hưởng và địa điểm hưởng BHTN được quy định riêng cho từng chế độ bảo hiểm thất nghiệp nêu trên.
Đối tượng hưởng bảo hiểm thất nghiệp
Đối tượng hưởng bảo hiểm thất nghiệp là NLĐ thuộc đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp và đang đóng bảo hiểm thất nghiệp. NLĐ thuộc đối tượng hưởng bảo hiểm thất nghiệp sẽ được hưởng bảo hiểm thất nghiệp nếu đáp ứng các điều kiện và thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật.
Căn cứ Điều 43 Luật Việc làm năm 2013, người lao động thuộc đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp nếu làm việc theo một trong các loại hợp đồng sau:
Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn.
Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn (thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng).
Hợp đồng theo mua vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
Lưu ý, các thời hạn nêu trên được xác định theo thời hạn được ghi trên hợp đồng, không phải là thời gian làm việc thực tế.
Nếu người lao động cùng lúc làm việc cho nhiều NSDLĐ thì NSDLĐ của hợp đồng lao động đầu tiên có trách nhiệm cho NLĐ tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Căn cứ Điều 12 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP, NLĐ được coi là đang đóng BHTN nếu trong tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động thuộc một trong các trường hợp sau:
NLĐ đã đóng BHTN và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận.
Ví dụ: Tháng 03/2020, NLĐ đóng BHTN và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận. Tháng 04/2020, người lao động nghỉ việc.
NLĐ nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận.
Ví dụ: Tháng 02/2020, người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp. Tháng 03/2020, người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ ngày 05/03/2020 và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận. Tháng 04/2020, người lao động nghỉ việc.
Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận.
Ví dụ: Tháng 02/2020, người lao động đóng BHTN. Tháng 03/2020, người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ ngày 05/03/2020 đến ngày 30/03/2020 và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận. Tháng 04/2020, người lao động nghỉ việc.
NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã giao kết theo quy định của pháp luật không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận.
Ví dụ: Tháng 02/2020, người lao động đóng BHTN. Tháng 03/2020, người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động trong từ 01/03/2020 đến 31/03/2020 nên không hưởng lương tại công ty và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận. Tháng 04/2020, người lao động nghỉ việc.
Xem thêm: Các trường hợp chấm dứt Hợp đồng lao động
Làm bảo hiểm thất nghiệp ở đâu?
Khoản 2 Điều 38 Luật Việc làm năm 2013 quy định: “Điều 38. Nhiệm vụ của trung tâm dịch vụ việc làm: …2. Trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại khoản 1 Điều này và thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp để trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định”.
Căn cứ quy định nêu trên và quy định của Nghị định số 196/2013/NĐ-CP quy định thành lập và hoạt động của Trung tâm dịch vụ việc làm, nơi người lao động cần làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp là Trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước thành lập. Tên của các Trung tâm này được đặt theo quy tắc: “Trung tâm dịch vụ việc làm” + tên địa phương hoặc tên cơ quan quản lý Trung tâm.
Ví dụ: Tại Hà Nội, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội có địa chỉ trụ sở chính tại số 215 Trung Kính, Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội (điện thoại: 024.37822806) và 14 điểm tiếp nhận và trả kết quả khác.
Người lao động có thể xem Danh sách 15 điểm tiếp nhận và trả kết quả giải quyết BHTN tại Hà Nội tại website của Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội: http://vieclamhanoi.net/news/danh-sach-cac-diem-tiep-nhan-va-tra-ket-qua-giai-quyet-bhtn-thuoc-trung-tam-dich-vu-viec-lam-ha-noi
Điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp
Điều kiện hưởng BHTN được quy định riêng cho từng chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
Điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp
Căn cứ Điều 43, Điều 49 Luật Việc làm năm 2013, để được hưởng TCTN, NLĐ phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
- NLĐ thuộc đối tượng hưởng BHTN.
- NLĐ không thuộc các trường hợp sau:
- Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an.
- Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên.
- Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
- Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù.
- Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng.
- Chết.
Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc bị chấm dứt, trừ các trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật hoặc người lao động hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
NLĐ đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo loại hợp đồng không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn; đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
Ví dụ:
Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn (từ đủ 12 tháng đến 36 tháng). Ngày 05/04/2020, người lao động nghỉ việc. Để được hưởng TCTN, người lao động phải đã đóng BHTN ít nhất 12 tháng trong thời gian từ 04/04/2018 đến 04/04/2020. Thời gian đóng BHTN có thể không liên tục.
NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ 03 tháng đến dưới 12 tháng. Ngày 05/04/2020, người lao động nghỉ việc. Để được hưởng trợ cấp thất nghiệp, NLĐ phải đã đóng BHTN ít nhất 12 tháng trong thời gian từ 04/04/2017 đến 04/04/2020. Thời gian đóng BHTN có thể không liên tục.
NLĐ đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định.
NLĐ chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng BHTN.
Có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Điều kiện hưởng chế độ hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm
Căn cứ Điều 43, Điều 54 Luật Việc làm năm 2013, Điều 12 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP, để được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm, người lao động phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
NLĐ thuộc đối tượng hưởng BHTN.
NLĐ đã nộp phiếu tư vấn, giới thiệu việc làm tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định.
NLĐ có nhu cầu tìm kiếm việc làm.
Điều kiện hưởng chế độ hỗ trợ học nghề
Căn cứ Điều 43, Điều 49, Điều 55 Luật Việc làm năm 2013, Điều 12 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP, để được hỗ trợ học nghề, người lao động phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
Người lao động thuộc đối tượng hưởng BHTN.
- NLĐ không thuộc các trường hợp sau:
- Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an.
- Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên.
- Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
- Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù.
- Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng.
- Chết.
Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc bị chấm dứt, trừ các trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật hoặc người lao động hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
NLĐ đã nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định.
NLĐ chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng BHTN.
NLĐ đã đóng BHTN từ đủ 09 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật (không phân biệt loại hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc).
Ví dụ: Ngày 05/04/2020, người lao động nghỉ việc. Để được hỗ trợ học nghề, người lao động phải đã đóng BHTN ít nhất 09 tháng trong thời gian từ 04/04/2018 đến 04/04/2020. Thời gian đóng BHTN có thể không liên tục.
NLĐ có nhu cầu học nghề.
Mức hưởng hưởng bảo hiểm thất nghiệp
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp
Căn cứ Điều 50 Luật Việc làm năm 2013, mức hưởng TCTN hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Mức hưởng TCTN hằng tháng của người lao động tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động đối với người lao động đóng BHTN theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.
Ngoài ra, căn cứ Điều 51 Luật Việc làm năm 2013, người đang hưởng TCTN còn được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế. Tổ chức bảo hiểm xã hội cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người lao động. Tổ chức bảo hiểm xã hội có trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp từ quỹ BHTN.
Căn cứ Điều 50 Luật Việc làm năm 2013, Điều 18 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP, thời gian hưởng TCTN được tính theo số tháng đóng BHTN, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng TCTN, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng TCTN nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Ví dụ:
Người lao động đã đóng BHTN 12 tháng trong thời gian từ 04/04/2018 đến 04/04/2020. Ngày 05/04/2020, người lao động nghỉ việc. Người lao động được hưởng 03 tháng TCTN.
NLĐ đã đóng BHTN 24 tháng, trong đó, trong đó có ít nhất 12 tháng đóng BHTN nằm trong thời gian từ 04/04/2018 đến 04/04/2020. Ngày 05/04/2020, người lao động nghỉ việc. Người lao động được hưởng 03 tháng TCTN.
NLĐ đã đóng BHTN 40 tháng, trong đó có ít nhất 12 tháng đóng BHTN nằm trong trong thời gian từ 04/04/2018 đến 04/04/2020. Ngày 05/04/2020, người lao động nghỉ việc. Người lao động được hưởng 03 tháng TCTN.
NLĐ đã đóng BHTN 48 tháng, trong đó có ít nhất 12 tháng đóng BHTN nằm trong trong thời gian từ 04/04/2018 đến 04/04/2020. Ngày 05/04/2020, người lao động nghỉ việc. Người lao động được hưởng 04 tháng TCTN.
NLĐ đã đóng BHTN 60 tháng, trong đó có ít nhất 12 tháng đóng BHTN nằm trong trong thời gian từ 04/04/2018 đến 04/04/2020. Ngày 05/04/2020, người lao động nghỉ việc. Người lao động được hưởng 05 tháng TCTN.
NLĐ đã đóng BHTN 144 tháng, trong đó có ít nhất 12 tháng đóng BHTN nằm trong trong thời gian từ 04/04/2018 đến 04/04/2020. Ngày 05/04/2020, người lao động nghỉ việc. Người lao động được hưởng 12 tháng TCTN.
NLĐ đã đóng BHTN 156 tháng, trong đó có ít nhất 12 tháng đóng BHTN nằm trong trong thời gian từ 04/04/2018 đến 04/04/2020. Ngày 05/04/2020, người lao động nghỉ việc. NLĐ được hưởng 12 tháng TCTN.
Thời điểm hưởng TCTN của người lao động được tính từ ngày thứ 16 theo ngày làm việc kể từ ngày nộp đủ hồ sơ đề nghị hưởng TCTN theo quy định.
Tháng hưởng TCTN được tính theo tháng dương lịch. Mỗi tháng hưởng TCTN được tính từ ngày người lao động bắt đầu hưởng trợ cấp thất nghiệp đến ngày đó của tháng sau trừ 01 ngày.
Ví dụ: NLĐ được hưởng TCTN 03 tháng, thời gian hưởng tính từ ngày 11/04/2020 đến ngày 10/07/2020. Như vậy, tháng hưởng TCTN được xác định như sau:
Tháng hưởng TCTN thứ nhất từ ngày 11/04/2020 đến hết ngày 10/05/2020;
Tháng hưởng TCTN thứ hai từ ngày 11/05/2020 đến hết ngày 10/06/2020;
Tháng hưởng TCTN thứ ba từ ngày 11/06/2020 đến hết ngày 10/07/2020.
Mức hưởng chế độ hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm
Căn cứ Điều 54 Luật Việc làm năm 2013, NLĐ đáp ứng điều kiện được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí trên cơ sở nhu cầu, khả năng của người lao động và nhu cầu của thị trường lao động thông qua trung tâm dịch vụ việc làm.
Pháp luật không quy định thời gian hưởng hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm. Do đó, nếu NLĐ đáp ứng đủ điều kiện và thực hiện thủ tục theo đúng quy định của pháp luật thì sẽ được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí mà không bị giới hạn thời gian.
Mức hưởng chế độ hỗ trợ học nghề
Căn cứ Điều 56 Luật Việc làm năm 2013, Điều 25 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP, người lao động đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ 01 lần để học 01 nghề tại cơ sở đào tạo theo quy định của pháp luật về dạy nghề.
Căn cứ Điều 3 Quyết định số 77/2014/QĐ-TTg, mức hỗ trợ học nghề cho người lao động tham gia BHTN tối đa 01 (một) triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, tùy theo từng nghề, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế theo quy định của cơ sở dạy nghề. Tiền hỗ trợ được chuyển trực tiếp cho cơ sở dạy nghề.
Trường hợp người lao động tham gia khóa học nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở dạy nghề thì số ngày lẻ đó được tính tròn là 01 (một) tháng để xác định mức hỗ trợ học nghề.
Đối với người lao động tham gia BHTN tham gia khóa học nghề có mức chi phí học nghề cao hơn mức hỗ trợ học nghề nêu trên thì phần vượt quá mức hỗ trợ học nghề do người lao động tự chi trả.
Căn cứ Điều 56 Luật Việc làm năm 2013, thời gian hỗ trợ học nghề theo thời gian học nghề thực tế nhưng không quá 06 tháng.
Cách tính bảo hiểm thất nghiệp 2020
Cách tính trợ cấp thất nghiệp
Căn cứ Điều 8 Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH, trợ cấp thất nghiệp được tính theo công thức sau:
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng = Mức lương bình quân của 06 tháng liền kề có đóng BHTN trước khi thất nghiệp x 60%
Ví dụ:
Từ tháng 10/2019 đến tháng 03/2020, người lao động có đóng BHTN. Năm 2019, tiền lương tháng của người lao động là 6.000.000đ/tháng. Năm 2020, tiền lương tháng của người lao động là 8.000.000đ/tháng.
Tháng 04/2020, người lao động nghỉ việc. Như vậy:
06 tháng liền kề có đóng BHTN là tháng 10-12/2019, tháng 01-03/2020.
Mức lương bình quân của 06 tháng liền kề có đóng BHTN trước khi thất nghiệp bằng: (6.000.000đ/tháng x 3 tháng + 8.000.000đ/tháng x 3 tháng)/6 = 7.000.000đ
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng: 7.000.000đ x 60% = 4.200.000đ.
Từ tháng 08/2019 đến tháng 10/2019, người lao động có đóng BHTN. Từ tháng 11/2019 đến tháng 12/2019, người lao động bị ốm đau, nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau của bảo hiểm xã hội nên không đóng BHTN. Từ tháng 01/2020 đến tháng 03/2020, người lao động đi làm trở lại, có đóng BHTN. Tháng 08, tháng 09/2019, tiền lương tháng của người lao động là 4.500.000đ/tháng. Tháng 10/2019, tiền lương tháng của người lao động là 6.000.000đ/tháng. Năm 2020, tiền lương tháng của người lao động là 7.000.000đ/tháng.
Tháng 04/2020, người lao động nghỉ việc. Như vậy:
06 tháng liền kề có đóng BHTN là tháng 08-10/2019, tháng 01-03/2020.
Mức lương bình quân của 06 tháng liền kề có đóng BHTN trước khi thất nghiệp bằng: (4.500.000đ/tháng x 2 tháng + 6.000.000đ/tháng x 1 tháng + 7.000.000đ/tháng x 3 tháng)/6 = 6.000.000đ
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng: 6.000.000đ x 60% = 3.600.000đ.
Cách tính mức hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm
Với công việc hỗ trợ là giới thiệu việc làm miễn phí cho người lao động, pháp luật không quy định cách tính mức hỗ trợ cho chế độ này.
Cách tính mức hỗ trợ học nghề
Căn cứ Điều 3 Quyết định số 77/2014/QĐ-TTg, hỗ trợ học nghề cụ thể được tính theo tháng, tùy theo từng nghề, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế theo quy định của cơ sở dạy nghề. Mức hỗ trợ học nghề tối đa 01 (một) triệu đồng/người/tháng.
Thủ tục làm bảo hiểm thất nghiệp
Thủ tục đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp
Căn cứ Điều 46, Điều 52 Luật Việc làm năm 2013, Điều 17, Điều 18 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP, Điều 10 Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH, thủ tục đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau:
Trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động phải trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.
Người lao động được ủy quyền cho người khác nộp hồ sơ hoặc gửi hồ sơ theo đường bưu điện nếu thuộc một trong các trường hợp sau: i) Ốm đau, thai sản có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền; ii) Bị tai nạn có xác nhận của cảnh sát giao thông hoặc cơ sở y tế có thẩm quyền; iii) Hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
Ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trong các trường hợp nêu trên là ngày người được ủy quyền trực tiếp nộp hồ sơ hoặc ngày ghi trên dấu bưu điện đối với trường hợp gửi theo đường bưu điện.
Khi nộp hồ sơ, người nộp hồ sơ được nhận phiếu hẹn trả kết quả.
Trong thời gian 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm xem xét, trình Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động.
Đến ngày hẹn trả kết quả ghi trong phiếu hẹn trả kết quả, người lao động đến trung tâm dịch vụ việc làm để nhận kết quả.
Kết quả có thể là Quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp do Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành hoặc văn bản thông báo của trung tâm dịch vụ việc làm về việc người lao động không được hưởng trợ cấp thất nghiệp (trong văn bản sẽ có nêu rõ lý do không được hưởng).
Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn nhận Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp ghi trong phiếu hẹn trả kết quả, người lao động vẫn được nhận hoặc ủy quyền cho người khác nhận Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu thuộc một trong các trường hợp sau: i) Ốm đau, thai sản có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền; ii) Bị tai nạn có xác nhận của cảnh sát giao thông hoặc cơ sở y tế có thẩm quyền; iii) Hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
Trong trường hợp được nhận Quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động phải nộp ngay cho trung tâm dịch vụ việc làm văn bản thông báo về việc tìm kiếm việc làm, trừ một số trường hợp không phải thực hiện thông báo hằng tháng hoặc không phải thông báo trực tiếp. Văn bản thông báo được thực hiện theo mẫu đính kèm.
Trong trường hợp người lao động được trợ cấp thất nghiệp, hằng tháng người lao động đến cơ quan bảo hiểm xã hội nhận tiền trợ cấp thất nghiệp.
Trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, hằng tháng người lao động phải trực tiếp thông báo về việc tìm kiếm việc làm với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, trừ một số trường hợp không phải thực hiện thông báo hằng tháng hoặc không phải thông báo trực tiếp. Văn bản thông báo được thực hiện theo mẫu đính kèm.
Lưu ý: Trong thời hạn 15 ngày tính theo ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu người lao động không có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp nữa thì người lao động phải trực tiếp nộp đề nghị không hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu đính kèm cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm gửi lại hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động vào ngày trả kết quả theo phiếu hẹn trả kết quả.
Thủ tục đề nghị hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm
Căn cứ Điều 5 Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH, thủ tục đề nghị hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm như sau:
Người lao động ghi đầy đủ các thông tin cá nhân, nhu cầu tư vấn, nhu cầu giới thiệu việc làm vào phiếu tư vấn, giới thiệu việc làm theo mẫu đính kèm.
Người lao động phải nộp trực tiếp cho trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội bất kỳ.
Trung tâm dịch vụ việc làm tiếp nhận phiếu tư vấn, giới thiệu việc làm và căn cứ vào nhu cầu, khả năng của người lao động, nhu cầu tuyển lao động của người sử dụng lao động để kết nối việc làm phù hợp với người lao động. Trung tâm dịch vụ việc làm gửi cho người lao động Phiếu giới thiệu việc làm để người lao động tham gia dự tuyển lao động.
Thủ tục đề nghị hỗ trợ học nghề
Căn cứ Điều 25 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP, Điều 11, Điều 12 Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH, thủ tục đề nghị hỗ trợ học nghề được quy định như sau:
Người lao động nộp trực tiếp 01 bộ hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề cho trung tâm dịch vụ việc làm.
Đối với người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động nộp hồ sơ tại trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Ví dụ: Bà Mai Thị K đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tại tỉnh Hải Dương. Trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp bà K có nhu cầu học nghề. Như vậy, bà K phải nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề cho Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hải Dương để Trung tâm xem xét, tư vấn học nghề, trình Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương quyết định việc hỗ trợ học nghề cho bà K.
Đối với người lao động có thời gian đóng BHTN từ đủ 09 tháng trở lên nhưng không thuộc diện đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề cùng với hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm ở địa phương nơi người lao động có nhu cầu học nghề.
Ví dụ: Ông Nguyễn Văn M làm việc tại tỉnh Bình Dương, có thời gian đóng BHTN liên tục là 11 tháng. Khi chấm dứt hợp đồng lao động, ông M có nhu cầu học nghề tại thành phố Hồ Chí Minh thì ông M nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề cùng với hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Hồ Chí Minh.
Khi nộp hồ sơ, người lao động được nhận phiếu hẹn trả kết quả.
Trong thời gian 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm xem xét, trình Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định về việc hỗ trợ học nghề cho người lao động.
Đến ngày hẹn trả kết quả ghi trong phiếu hẹn trả kết quả, người lao động đến trung tâm dịch vụ việc làm để nhận kết quả.
Kết quả có thể là Quyết định về việc hỗ trợ học nghề do Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành hoặc văn bản thông báo của trung tâm dịch vụ việc làm về việc người lao động không được hỗ trợ học nghề (trong văn bản sẽ có nêu rõ lý do không được hỗ trợ).
Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày hẹn trả kết quả ghi trong phiếu hẹn trả kết quả, người lao động vẫn được nhận hoặc ủy quyền cho người khác nhận Quyết định hỗ trợ học nghề nếu thuộc một trong các trường hợp sau: i) Ốm đau, thai sản có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền; ii) Bị tai nạn có xác nhận của cảnh sát giao thông hoặc cơ sở y tế có thẩm quyền; iii) Hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
Trong trường hợp người lao động được hỗ trợ học nghề, người lao động tới học nghề tại cơ sở dạy nghề theo nội dung của Quyết định về việc hỗ trợ học nghề.
Trong thời gian học nghề, hằng tháng người lao động phải ký vào danh sách do cơ sở dạy nghề lập để chuyển cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
Hồ sơ làm bảo hiểm thất nghiệp
Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp
Căn cứ Điều 16 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP, hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp bao gồm:
Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu đính kèm.
Bản chính hoặc bản sao chứng thực của một trong các giấy tờ sau đây xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc: i) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động; ii) Quyết định thôi việc; iii) Quyết định sa thải; iv) Quyết định kỷ luật buộc thôi việc; v) Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Trường hợp người lao động tham gia BHTN theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng thì giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng là bản chính hoặc bản sao có chứng thực của hợp đồng đó.
Sổ bảo hiểm xã hội. Tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện xác nhận về việc đóng BHTN và trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của người sử dụng lao động.
Hồ sơ đề nghị hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm
Hồ sơ đề nghị hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm chỉ bao gồm Phiếu tư vấn, giới thiệu việc làm theo mẫu.
Hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề
Căn cứ Điều 24 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP, hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề bao gồm:
Hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề đối với người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp: Đề nghị hỗ trợ học nghề theo mẫu đính kèm.
Hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề đối với người thất nghiệp có thời gian đóng BHTN từ đủ 09 tháng trở lên nhưng không thuộc diện hưởng trợ cấp thất nghiệp:
Đề nghị hỗ trợ học nghề theo mẫu đính kèm.
Bản chính hoặc bản sao chứng thực của một trong các giấy tờ sau đây xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc: i) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động; ii) Quyết định thôi việc; iii) Quyết định sa thải; iv) Quyết định kỷ luật buộc thôi việc; v) Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Trường hợp người lao động tham gia BHTN theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng thì giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng là bản chính hoặc bản sao có chứng thực của hợp đồng đó.
Sổ bảo hiểm xã hội.
Nhận bảo hiểm thất nghiệp 1 lần
Vấn đề nhận bảo hiểm thất nghiệp một lần thường được quan tâm thực chất là “nhận tiền bảo hiểm thất nghiệp một lần”, hay nói cách khác là chỉ xem xét trong phạm vi chế độ trợ cấp thất nghiệp.
Căn cứ Điều 18 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP, trợ cấp thất nghiệp của người lao động được chi trả hàng tháng.
Cụ thể là khoản trợ cấp thất nghiệp tháng đầu tiên được chi trả thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan bảo hiểm nhận được Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Khoản trợ cấp thất nghiệp từ tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ 2 trở đi được chi trả trong thời hạn 05 ngày làm việc, tính từ thời điểm ngày thứ 07 của tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp đó nếu không nhận được Quyết định tạm dừng hoặc chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp đối với người lao động. Trường hợp thời điểm ngày thứ 07 nêu trên là ngày nghỉ thì thời hạn chi trả trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày làm việc tiếp theo.
Căn cứ Điều 52 Luật Việc làm năm 2013, Điều 10 Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH, trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, hằng tháng người lao động phải trực tiếp thông báo về việc tìm kiếm việc làm với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, trừ một số trường hợp không phải thực hiện thông báo hằng tháng hoặc không phải thông báo trực tiếp.
Cụ thể là lần thông báo thứ nhất, văn bản thông báo được nộp ngay cho trung tâm dịch vụ việc khi người lao động nhận Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp theo phiếu hẹn trả kết quả. Từ tháng thứ hai trở đi, người lao động nộp văn bản thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày đầu tiên của tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Theo Điều 53 Luật Việc làm năm 2013, trường hợp người lao động không đến thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng theo quy định, người lao động sẽ bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Như vậy, người lao động động không được hưởng trợ cấp thất nghiệp một lần mà chỉ có thể được nhận hằng tháng. Việc chi trả trợ cấp thất nghiệp hằng tháng được thực hiện sau khi người lao động nộp văn bản thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm. Quy định này nhằm đảm bảo rằng trợ cấp thất nghiệp chỉ được chi trả cho những người thực sự cần được trợ cấp.
Bảo hiểm thất nghiệp được lấy mấy lần?
Khoản 2 Điều 45 Luật Việc làm năm 2013 quy định:
“Điều 45. Thời gian đóng BHTN
…2. Sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, thời gian đóng BHTN trước đó của người lao động không được tính để hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo. Thời gian đóng BHTN cho lần hưởng BHTN tiếp theo được tính lại từ đầu, trừ trường hợp chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại các điểm b, c, h, l, m và n khoản 3 Điều 53 của Luật này”.
Theo quy định trên, sau khi chấm dứt hưởng BHTN lần đầu thì người lao động còn có thể được hưởng BHTN lần tiếp theo nếu đáp ứng các điều kiện để được hưởng BHTN.
Căn cứ Điều 9 Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được tính để hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo là thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp mới sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp và thời gian đóng BHTN được bảo lưu.
Như vậy, người lao động có thể hưởng BHTN nhiều lần, số lần được hưởng BHTN phụ thuộc vào thời gian đóng BHTN và thời gian đóng BHTN đã hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp
Căn cứ khoản 2 Điều 45, các điểm b, c, h, l, m và n khoản 3 Điều 53 Luật Việc làm năm 2013, Điều 18, Điều 21 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP, Điều 9 Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH, thời gian đóng BHTN được bảo lưu bao gồm các trường hợp sau:
Bảo lưu thời gian đóng BHTN khi người lao động không đến nhận Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Sau thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày ghi trong phiếu hẹn trả kết quả, nếu người lao động không đến nhận hoặc ủy quyền cho người khác đến nhận (trong trường hợp được phép ủy quyền) quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp thì được coi là không có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trên cơ sở đó, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ xem xét, ban hành Quyết định về việc hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động. Người lao động sẽ nhận được một bản Quyết định về việc hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Thời gian đóng BHTN được bảo lưu cho lần tính hưởng BHTN tiếp theo.
Ví dụ: Người lao động có thời gian đóng BHTN là 36 tháng, được hưởng trợ cấp thất nghiệp với thời gian là 03 tháng (tương ứng với 36 tháng đóng BHTN). Ngày trả kết quả ghi trong phiếu hẹn trả kết quả hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp là ngày 06/11/2019. Tuy nhiên đến hết ngày 08/11/2019, người lao động không đến nhận Quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày 06/11/2019, trung tâm dịch vụ việc làm trình Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định về việc hủy Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Do đó, thời gian đóng BHTN được bảo lưu là 36 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Bảo lưu thời gian đóng BHTN khi người lao động không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp.
Sau thời hạn 03 tháng kể từ ngày người lao động hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp theo Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng người lao động không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp và không thông báo bằng văn bản với tổ chức bảo hiểm xã hội nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động đó được xác định là không có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trên cơ sở đó, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ xem xét, ban hành Quyết định về việc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Người lao động sẽ nhận được một bản Quyết định về việc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp tương ứng với số tiền trợ cấp thất nghiệp mà người lao động không đến nhận được bảo lưu cho lần tính hưởng bảo hiểm thất nghiệp tiếp theo.
Ví dụ:
Người lao động có thời gian đóng BHTN là 36 tháng, được hưởng trợ cấp thất nghiệp với thời gian là 03 tháng. Người lao động đến nhận Quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày 20/10/2019 đến ngày 19/01/2020. Người lao động đã nhận tiền trợ cấp thất nghiệp tháng thứ nhất và tháng thứ hai. Tuy nhiên, đến ngày 19/04/2020 (tức là sau 03 tháng kể từ ngày hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp), người lao động vẫn không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp của tháng thứ ba. Do đó, thời gian đóng BHTN được bảo lưu là 12 tháng đóng BHTN (tương ứng với 01 tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp).
Người lao động có thời gian đóng BHTN là 12 tháng, được hưởng trợ cấp thất nghiệp với thời gian là 03 tháng. Người lao động đến nhận Quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày 20/10/2019 đến ngày 19/01/2020. Người lao động đã nhận tiền trợ cấp thất nghiệp tháng thứ nhất. Tuy nhiên, đến ngày 19/04/2020 (tức là sau 03 tháng kể từ ngày hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp), người lao động vẫn không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp của tháng thứ hai và tháng thứ ba. Như vậy, người lao động đã nhận 01 tháng tiền trợ cấp thất nghiệp tương ứng với 12 tháng đóng BHTN. Do đó, người lao động không còn thời gian đóng BHTN để bảo lưu.
Bảo lưu thời gian đóng BHTN khi người lao động có những tháng lẻ chưa giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Người lao động có thời gian đóng BHTN trên 36 tháng thì những tháng lẻ chưa giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp được bảo lưu làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp theo khi đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.
Ví dụ: Người lao động có thời gian đóng BHTN là 47 tháng, được hưởng trợ cấp thất nghiệp với thời gian là 03 tháng (tương ứng với 36 tháng đóng BHTN). Do đó, thời gian đóng BHTN được bảo lưu là 11 tháng đóng BHTN.
Bảo lưu thời gian đóng BHTN trong các trường hợp người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp sau:
Có việc làm
Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an
Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên
Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc
Bị tòa án tuyên bố mất tích
Bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù
Trong trường hợp này, người lao động sẽ nhận được một bản quyết định về việc chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp từ trung tâm dịch vụ việc làm do Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành.
Thời gian đóng BHTN tương ứng với thời gian còn lại mà người lao động chưa nhận trợ cấp thất nghiệp được bảo lưu cho lần tính hưởng BHTN tiếp theo.
Ví dụ: Người lao động có thời gian đóng BHTN là 36 tháng, được hưởng trợ cấp thất nghiệp với thời gian là 03 tháng. Người lao động đến nhận Quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày 20/10/2019 đến ngày 19/01/2020. Người lao động đã nhận tiền trợ cấp thất nghiệp tháng thứ nhất và tháng thứ hai. Ngày 05/12/2019, người lao động ký hợp đồng lao động mới có thời hạn 12 tháng với công ty mới, hợp đồng có hiệu lực kể từ ngày ký. Người lao động thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm về việc đã tìm được việc làm theo quy định. Do đó, người lao động không được nhận 01 tháng trợ cấp thất nghiệp cuối cùng. Thời gian đóng BHTN được bảo lưu là 12 tháng đóng BHTN (tương ứng với 01 tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp không nhận tiền trợ cấp thất nghiệp).
Căn cứ Điều 9 Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH, Công văn 4424/BHXH-ST năm 2015 hướng dẫn bảo lưu thời gian đóng BHTN do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành, người lao động được bảo lưu thời gian đóng BHTN theo quy định có trách nhiệm thực hiện thủ tục bảo lưu thời gian đóng BHTN theo hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Cụ thể:
Người lao động phải nộp sổ bảo hiểm xã hội cùng với Quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp/ Quyết định về việc hủy Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp/ Quyết định về việc chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp/ Quyết định về việc bảo lưu thời gian đóng BHTN (nếu có) tới cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi chi trả trợ cấp thất nghiệp.
Cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện để cấp cho người lao động Giấy xác nhận thời gian đóng BHTN (trên đó, cơ quan bảo hiểm xác nhận thời gian đóng BHTN bảo lưu).
Khi người lao động tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp thì nộp Giấy xác nhận thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
Chuyển nơi hưởng bảo hiểm thất nghiệp
Việc chuyển nơi hưởng bảo hiểm thất nghiệp chỉ áp dụng với chế độ trợ cấp thất nghiệp
Căn cứ Điều 22 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP, người lao động đã hưởng ít nhất 01 tháng trợ cấp thất nghiệp theo quy định thì có thể chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp đến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác nếu có nhu cầu.
Hồ sơ, thủ tục, địa điểm đề nghị chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp:
Người lao động nộp đề nghị chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu đính kèm tới trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày trung tâm dịch vụ việc làm nhận được đề nghị của người lao động, người lao động nhận hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp từ trung tâm dịch vụ việc làm.
Hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp nhận từ trung tâm dịch vụ việc làm phải bao gồm các tài liệu sau:
Đề nghị chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động;
Giấy giới thiệu chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp;
Bản chụp Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp;
Bản chụp các Quyết định hỗ trợ học nghề, Quyết định tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp, Quyết định tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp (nếu có);
Bản chụp thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng (nếu có), các giấy tờ khác có trong hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Người lao động trả lại thẻ bảo hiểm y tế cho tổ chức bảo hiểm xã hội nơi đang chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày người lao động nhận được hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động nộp hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi chuyển đến.
Trong trường hợp quá thời hạn, hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp vẫn được trung tâm dịch vụ việc làm nơi chuyển đến chấp nhận nếu thời gian chậm không quá 07 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp và thuộc một trong các trường hợp sau:
Ốm đau, thai sản có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền;
Bị tai nạn có xác nhận của cảnh sát giao thông hoặc cơ sở y tế có thẩm quyền;
Hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp do người lao động chuyển đến, trung tâm dịch vụ việc làm gửi văn bản đề nghị Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh nơi chuyển đến để tiếp tục thực hiện việc chi trả trợ cấp thất nghiệp và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người lao động..
Tạm dừng, tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp
Căn cứ Điều 53 Luật Việc làm năm 2013, Điều 19 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP, người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp khi không thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng theo quy định.
Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày người lao động không đến thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng theo quy định, trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp trình Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Quyết định về việc tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động.
Căn cứ Điều 53 Luật Việc làm năm 2013, Điều 20 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP, người lao động bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu vẫn còn thời gian được hưởng theo Quyết định thì tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp khi thực hiện thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng theo quy định.
Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày người lao động đến thông báo về việc tìm kiếm việc làm, trung tâm dịch vụ việc làm trình Giám đốc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội quyết định về việc tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động.
Lưu ý rằng, thời gian tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp (ngay cả trong trường hợp sau đó tiếp tục được hưởng), người lao động không được hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp và cũng không được bảo lưu để tính cho lần tính hưởng BHTN tiếp theo.
Chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp (thuộc bảo hiểm thất nghiệp)
Căn cứ Điều 53 Luật Việc làm năm 2013, Điều 21, Điều 23 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP, Điều 6 Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH, người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp trong các trường hợp sau đây:
a) Hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp theo Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động.
b) Có việc làm. Người lao động được xác định là có việc làm thuộc một trong các trường hợp sau:
Đã giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc từ đủ 03 tháng trở lên. Ngày mà người lao động được xác định có việc làm là ngày hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc có hiệu lực theo quy định của pháp luật;
Có quyết định tuyển dụng đối với những trường hợp không thuộc đối tượng giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. Ngày có việc làm trong trường hợp này được xác định là ngày bắt đầu làm việc của người đó ghi trong quyết định tuyển dụng;
Người lao động thông báo đã có việc làm cho trung tâm dịch vụ việc làm. Ngày mà người lao động được xác định có việc làm là ngày ghi trong thông báo có việc làm của người lao động.
c) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an. Ngày mà người lao động được xác định thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an là ngày người lao động nhập ngũ.
d) Hưởng lương hưu hằng tháng. Ngày mà người lao động được xác định nghỉ hưu là ngày đầu tiên tính hưởng lương hưu được ghi trong quyết định hưởng lương hưu hằng tháng của cơ quan có thẩm quyền.
e) Sau 02 lần người lao động từ chối việc làm do trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp giới thiệu mà không có lý do chính đáng. Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được xác định là từ chối nhận việc làm mà không có lý do chính đáng khi thuộc một trong các trường hợp sau:
Người lao động được trung tâm dịch vụ việc làm giới thiệu việc làm phù hợp với ngành nghề, trình độ được đào tạo mà người lao động đã ghi trong phiếu nhưng không đến tham gia dự tuyển lao động.
Người lao động được trung tâm dịch vụ việc làm giới thiệu việc làm mà người lao động đó đã từng làm nhưng không đến tham gia dự tuyển lao động.
Người lao động đã tham gia dự tuyển lao động theo giới thiệu của trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp và có thông báo trúng tuyển của người sử dụng lao động nhưng không nhận việc làm đã trúng tuyển, trừ trường hợp việc làm đó không đúng như thông báo tuyển lao động của người sử dụng lao động.
f) Trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, 03 tháng liên tục không thực hiện thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm với trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định.
g) Ra nước ngoài để định cư, đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Ngày mà người lao động được xác định ra nước ngoài định cư, đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng là ngày người lao động xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất, nhập cảnh.
h) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên. Ngày mà người lao động được xác định đi học tập có thời hạn 12 tháng trở lên là ngày nhập học được ghi trong giấy báo nhập học đối với học tập trong nước. Trường hợp học tập ở nước ngoài thì ngày người lao động được xác định đi học tập có thời hạn 12 tháng trở lên là ngày xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất, nhập cảnh.
i) Bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật BHTN. Ngày mà người lao động được xác định bị xử phạt vi phạm hành chính nêu trên là ngày người lao động bị xử phạt theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
k) Chết. Ngày xác định người lao động chết là ngày ghi trong giấy chứng tử.
l) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc. Ngày mà người lao động được xác định chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc là ngày bắt đầu thực hiện biện pháp xử lý hành chính được ghi trong quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
m) Bị tòa án tuyên bố mất tích. Ngày mà người lao động mất tích được xác định trong quyết định của tòa án.
n) Bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù. Ngày mà người lao động được xác định bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù là ngày bắt đầu thực hiện quyết định tạm giam, chấp hành hình phạt tù của cơ quan có thẩm quyền.
Lưu ý:
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại các mục b, c, d, g, h nêu trên, người lao động phải thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu đính kèm và kèm theo giấy tờ có liên quan đến việc chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp (bản chụp), trường hợp gửi theo đường bưu điện thì tính theo ngày ghi trên dấu bưu điện.
Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp trong các trường hợp quy định tại các mục b, c, d, e, f, g, h, i, k, l, m, n nêu trên thì trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp trình Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định về việc chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động. Người lao động sẽ nhận được một bản Quyết định về việc chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp từ trung tâm dịch vụ việc làm.
Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp vào những ngày của tháng đang hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp của cả tháng đó.
Thời gian đóng BHTN tương ứng với thời gian còn lại mà người lao động chưa nhận trợ cấp thất nghiệp được bảo lưu cho lần tính hưởng BHTN tiếp theo nếu việc bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp thuộc một trong các trường hợp quy định tại các mục b, c, h, l, m, n.
Đối với các trường hợp còn lại, người lao động không được hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp còn lại và cũng không được bảo lưu số tháng đóng BHTN nhưng chưa nhận tiền trợ cấp để tính cho lần tính hưởng bảo hiểm thất nghiệp tiếp theo.
Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động không được hưởng bảo hiểm y tế và phải trả lại thẻ bảo hiểm y tế cho tổ chức bảo hiểm xã hội.
Trường hợp người lao động không phải thực hiện thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp
Các trường hợp người lao động không phải thực hiện thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm:
Nam từ đủ 60 tuổi trở lên, nữ từ đủ 55 tuổi trở lên;
Người lao động được xác định thuộc danh mục bệnh phải điều trị dài ngày có giấy xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền;
Nghỉ hưởng chế độ thai sản có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền. Riêng đối với trường hợp nam giới có vợ chết sau khi sinh con mà phải trực tiếp nuôi dưỡng con thì giấy tờ xác nhận là giấy khai sinh của con và giấy chứng tử của mẹ;
Đang tham gia khóa học nghề theo quyết định của Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và có xác nhận của cơ sở dạy nghề;
Thực hiện hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 03 tháng.
Sau khi hết thời hạn của một trong các trường hợp nêu trên, người lao động phải tiếp tục thực hiện thông báo về việc tìm kiếm việc làm theo quy định.
Tuy nhiên, để được ghi nhận là thuộc trường hợp không phải thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm, người lao động phải gửi thư bảo đảm hoặc ủy quyền cho người khác nộp Giấy đề nghị không thực hiện thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm theo mẫu đính kèm đến trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Giấy đề nghị không thực hiện thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm phải được gửi trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày người lao động thuộc trường hợp không phải thực hiện thông báo hằng tháng. Kèm theo Giấy đề nghị, người lao động phải nộp kèm theo bản chính hoặc bản sao có chứng thực một trong các giấy tờ xác nhận. Riêng đối với trường hợp người lao động nam từ đủ 60 tuổi trở lên, nữ từ đủ 55 tuổi trở lên thì không phải nộp Giấy đề nghị không thực hiện thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm.
Trường hợp người lao động không phải thông báo trực tiếp về việc tìm kiếm việc làm trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp
Các trường hợp người lao động phải thực hiện thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm nhưng không phải thông báo trực tiếp mà có thể gửi thư bảo đảm hoặc ủy quyền cho người khác thông báo:
Ốm đau nhưng không thuộc trường hợp được xác định thuộc danh mục bệnh phải điều trị dài ngày có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền;
Bị tai nạn có xác nhận của cảnh sát giao thông hoặc cơ sở y tế có thẩm quyền;
Bị hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn;
Cha, mẹ, vợ/chồng, con của người lao động chết; người lao động hoặc con của người lao động kết hôn có giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày cuối cùng của thời hạn thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm theo quy định, người lao động phải gửi thư bảo đảm hoặc ủy quyền cho người khác nộp bản chính hoặc bản sao có chứng thực một trong các giấy tờ xác nhận đến trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Tài nguyên văn thư tư vấn về bảo hiểm thất nghiệp về máy tính đọc
Tin liên quan
Dịch vụ tư vấn pháp luật (07/01/2021)
Soạn thảo hợp đồng kinh doanh thương mại (03/11/2020)
Thành lập công ty 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam (24/06/2020)
Tin tức khác
Thành lập công ty tại Singapore (02/09/2020)
Tư Vấn Đầu Tư Nước Ngoài Vào Việt Nam (25/12/2019)
Tư vấn thay đổi địa điểm thực hiện dự án đầu tư (13/12/2019)
Tuân thủ và dịch vụ tuân thủ (07/12/2019)
Hướng dẫn Thủ Tục Đăng Ký Kinh Doanh (07/12/2019)