BOT là gì và những vấn đề cần lưu tâm khi soạn thảo hợp đồng BOT
06/02/2021 14:51BOT là gì và hợp đồng BOT cần lưu ý những nội dung nào?. Mời các bạn cùng tham khảo bài viết dưới đây của chúng tôi để có thêm các thông tin hữu ích!
BOT là từ viết tắt của các từ Tiếng Anh gồm Build – Operate – Transfer, tức là Xây dựng – Vận hành – Chuyển giao, là một loại hình đầu tư kinh doanh đặc biệt mà theo đó, nhà đầu tư sẽ xây dựng một công trình (thường là hạ tầng) rồi kinh doanh trong một thời gian nhất định và sau đó chuyển giao cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Để tạo hành lang pháp lý và cơ sở để thực hiện giao diện kinh doanh đặc biệt này, Nhà đầu tư và Nhà nước sẽ ký kết một Hợp đồng BOT.
Điểm đặc thù của BOT là gì?
BOT là một loại hình đầu tư kinh doanh đặc biệt, mà trong đó có sự tham gia góp vốn giữa cơ quan Nhà nước và vốn tư nhân. Do đó, kinh doanh thức đầu tư kinh doanh này còn được gọi là hình thức đối tác công tư. Trong lịch sử pháp lý của loại hình này, văn bản pháp lý đầu tiên và có giá trị cao nhất quy định cụ thể là Nghị định 15/2015/NĐ-CP, sau đó là Nghị định 63/2018, và hiện tại là Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư số 64/2020/QH14.
Mặc dù có sự tham gia góp vốn của Nhà nước, chủ yếu là sử dụng vốn ngân sách Nhà nước hoặc vốn có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước, nhưng Nhà nước không được coi là một cổ đông hay một đối tác kinh doanh của doanh nghiệp dự án. Việc đầu tư vốn của Nhà nước chỉ được coi là một giải pháp hỗ trợ từ phía Nhà nước với các Nhà đầu tư để đảm bảo tính hiệu quả của phương án tài chính, nhằm khuyến khích nhà đầu tư tham gia đầu tư vào các lĩnh vực đòi hỏi vốn lớn, hiệu quả thấp. Thu lợi của Nhà nước thông qua việc thực hiện dự án không phải là kết quả kinh doanh trực tiếp từ dự án mà từ tác động của dự án đối với xã hội và nền kinh tế.
Đóng góp cụ thể của các Dự án BOT là gì?
Các dự án BOT có sự đóng góp rất lớn vào sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước, bởi tạo nên các điều kiện có tính hạ tầng, cơ sở vật chất cho các hoạt động sản xuất và lưu thông. Các dự án BOT chủ yếu tập trung trong lĩnh vực đường bộ, góp phần tăng cường khả năng lưu thông, giảm chi phí logistics, thuận lợi hóa cho các hoạt động vận tải, sản xuất. Lịch sử phát triển kinh tế đã chỉ ra rằng, đường đi tới đâu, kinh tế sẽ phát triển tới đó. Trong bối cảnh ngân sách công eo hẹp, thì việc tham gia của các nhà đầu tư tư nhân thông qua các dự án BOT sẽ góp phần thúc đẩy khả năng tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế.
Mặt khác, với sự tham gia của khối tư nhân trong các dự án BOT, Chính phủ có thể điều chuyển ngân sách của mình để tài trợ và chi tiêu vào các hoạt động khác của nền kinh tế và đời sống dân sinh. Nói cách khác, các dự án BOT là một cách chia sẻ của khối tư nhân với Nhà nước trong các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội.
Thêm vào đó, các dự án BOT do nhà đầu tư tư nhân tham gia sẽ huy động được tính năng động, khả năng chịu rủi ro và kỹ năng quản trị của khối tư nhân để đảm bảo hiệu quả kinh tế của dự án. Do những đặc thù của mình, Nhà nước khó có đầy đủ điều kiện để có thể trực tiếp thực hiện một cách hiệu quả.
Các lưu ý khi tham gia soạn thảo và đàm phán hợp đồng BOT là gì?
Với kinh nghiệm tham gia soạn thảo, đàm phán hợp đồng BOT trong thời gian qua, chúng tôi nhận thấy một số vấn dế sau đây mà các nhà đầu tư cần quan tâm.
Thứ nhất: Cần làm rõ phần đóng góp và đầu tư của vốn ngân sách Nhà nước. Về mặt nguyên tắc, tài sản tạo lập từ vốn Ngân sách nhà nước sẽ được coi là tài sản công và quản lý theo Luật đầu tư công và Luật quản lý, sử dụng tài sản công. Nếu Nhà đầu tư không đàm phán với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phân tách thì rất dễ rơi vào tình trạng là toàn bộ tài sản của dự án sẽ bị đối xử như là tài sản công, và doanh nghiệp sẽ mất quyền chủ động trong việc quản lý tài sản của dự án. Mọi hoạt động gần như phụ thuộc vào cơ quan nhà nước.
Thứ hai: Các dự án BOT thường phụ thuộc rất nhiều vào công tác giải phóng mặt bằng từ phía Nhà nước nên rất dễ gây thiệt hại cho nhà đầu tư. Thực tiễn đã chỉ ra rằng, công tác giải phóng mặt bằng là một điểm yếu về mặt quản lý, thường xuyên chậm trễ trong thời gian dài nên dẫn đến làm đảo lộn kế hoạch thi công của dự án, dẫn đến gây thiệt hại cho nhà đầu tư trên nhiều phương diện. Chúng tôi sẽ quay lại vấn đề này trong một bài viết khác.
Thứ ba: Đảm bảo làm việc chặt chẽ với tổ chức tín dụng trong các cam kết tài trợ cho dự án. Hợp đồng tín dụng được coi là điều kiện tiên quyết để Nhà nước cho phép nhà đầu tư thực hiện dự án BOT và khởi công xây dựng công trình. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng là tổ chức kinh tế tư doanh nên có nhiều quy định khác biệt với cơ quan Nhà nước. Do đó, nếu doanh nghiệp không cẩn trọng, có thể tạo nên những độ vênh nhất định khi ký kết và thực hiện hợp đồng tín dụng, dẫn tới sai cam kết với Nhà nước trong hợp đồng BOT.
Các bạn đang xem bài BOT là gì?
Thứ tư: Thời gian hoàn vốn. Về khía cạnh kinh tế, điểm đặc biệt là của hình thức BOT là gì? Đó là việc nhà đầu tư được phép thu phí sử dụng công trình trong một thời gian nhất định trước khi chuyển giao cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Thời gian hoàn vốn được đưa ra trong báo cáo khả thi của dự án khi phê duyệt chủ trương đầu tư, và doanh nghiệp buộc phải chấp nhận khi tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Do đó, nhà đầu tư cần xem xét kĩ các khía cạnh có thể ảnh hưởng đến thời gian hoàn vốn, như các quãng thời gian gián đoạn do trung tu hoặc đại tu công trình, trong các sự kiện mà Nhà nước yêu cầu doanh nghiệp không được thu phí …. Trong hợp đồng BOT nên có các quy định cụ thể về khả năng mà doanh nghiệp được kéo dài thời gian thu phí để đảm bảo phương án tài chính … Để đảm bảo hợp đồng BOT cân bằng được quyền lợi của nhà đầu tư, các bên nên yêu cầu sự tham gia và hỗ trợ của các Luật sư và chuyên gia có kinh nghiệm và kỹ năng soạn thảo hợp đồng trong lĩnh vực tương ứng.
Trên đây chỉ là một số vấn đề cơ bản liên quan đến hình thức đầu tư BOT và hợp đồng BOT. Quý doanh nghiệp và nhà đầu tư có quan tâm, vui lòng liên hệ trực tiếp với các Luật sư của chúng tôi để được tư vấn cụ thể hơn.
Tin liên quan
Vốn huy động và các hình thức huy động vốn! (26/06/2021)
Nơi cư trú của cá nhân xác định như thế nào? (05/05/2021)
Thuế thu nhập doanh nghiệp (05/05/2021)
Hợp đồng thương mại và kinh nghiệm soạn thảo (05/05/2021)
Kinh doanh bất động sản và những điều cần biết! (04/05/2021)
Tin tức khác
Thành lập công ty tại Singapore (02/09/2020)
Tư Vấn Đầu Tư Nước Ngoài Vào Việt Nam (25/12/2019)
Tư vấn thay đổi địa điểm thực hiện dự án đầu tư (13/12/2019)
Tuân thủ và dịch vụ tuân thủ (07/12/2019)