Việc chấm dứt hợp đồng lao động có thể là hành vi pháp lý đơn phương hoặc sự thỏa thuận giữa các bên tham gia ký kết hợp đồng, và có thể phát sinh các nghĩa vụ, trách nhiệm mới đối với bên chấm dứt và bên bị chấm dứt. Bài viết này phân tích một số vấn đề về các trường hợp chấm dứt HĐLĐ và hệ quả của nó. Việc kí kết và thực hiện hợp đồng lao động có tính tự nguyện, bình đẳng, trung thực và bảo vệ quyền lợi của người lao động. Tương tự như các loại hợp đồng dân sự khác, đòi hỏi tiên quyết nhất khi các bên tham gia ký kết hợp đồng lao động là sự tự nguyện.
Chấm dứt hợp đồng lao động do hết hạn
Hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Theo quy định tại Điều 22, Bộ Luật Lao động 2012, thì hợp đồng có các loại gồm:
(i) hợp đồng xác định thời hạn, là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng. Các bên có thể kí kết một hợp đồng có tổng thời gian lên tới 36 tháng hoặc 03 hợp đồng xác định thời hạn với mỗi kì thời hạn là 12 tháng.
(ii) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
(iii) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.
Như vậy, chấm dứt HĐLĐ do hết thời hạn chỉ xảy ra đối với trường hợp hợp đồng lao động xác định thời hạn và hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định.
Vậy, khi chấm dứt HĐLĐ do hết thời hạn thì có phải thông báo trước không?
Về vấn đề này, cần xét quy định pháp luật từ hai phía.
Trước hết, từ phía người sử dụng lao động: Theo quy định tại khoản 1, Điều 47, Bộ Luật Lao động 2013, “Ít nhất 15 ngày trước ngày hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho người lao động biết thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động”.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ, người sử dụng lao động và người lao động có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên. Trường hợp đặc biệt, thời hạn thanh toán có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày, kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ, thuộc một trong các trường hợp sau:
Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;
Người sử dụng lao động hoặc người lao động gặp thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm”.
Về phía người lao động: Chúng tôi không tìm thấy quy định pháp luật yêu cầu người lao động phải thông báo trước.
Một ngoại lệ khi hợp đồng lao động hết hạn mà vẫn không chấm dứt là trường hợp người lao động giữ vai trò cán bộ công đoàn không chuyên trách. Cụ thể quy định như sau: “Khi người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ công đoàn mà hết hạn hợp đồng lao động thì được gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến hết nhiệm kỳ”.
Chấm dứt hợp đồng lao động do công việc theo hợp đồng đã hoàn thành
Có thể nói, trường hợp chấm dứt HĐLĐ do công việc đã hoàn thành là thiếu rõ ràng nhất trên thực tế, bởi trong quan hệ lao động, công việc rất khó xác định điểm đầu và điểm cuối. Đặc biệt, trong quá trình soạn thảo hợp đồng lao động, rất khó để xác định phạm vi, khối lượng một công việc trọn vẹn trong một khuôn khổ nhất định để xác định giới hạn nào là kết thúc. Do đó, chỉ một số rất ít trường hợp chấm dứt HĐLĐ có thể vận dụng theo quy định này, chẳng hạn: chấm dứt HĐLĐ với một trưởng quản lý dự án ….
Khi chấm dứt HĐLĐ do công việc theo hợp đồng đã hoàn thành, không phụ thuộc vào thời hạn của hợp đồng. Nghĩa là công việc hoàn thành thì chấm dứt HĐLĐ mà không phụ thuộc vào việc hợp đồng lao động còn thời hạn hay không.
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến khác cho rằng, việc chấm dứt HĐLĐ do công việc hoàn thành phải đồng thời với thời điểm thời hạn của hợp đồng hết. Điều đó có ý nghĩa rằng, trong quá trình soạn thảo hợp đồng lao động, người soạn thảo phải để thời hạn hết hiệu lực của hợp đồng lao động là vào ngày công việc hoàn thành mà không để một mốc thời gian cụ thể.
Trong trường hợp này, việc vận dụng kỹ năng soạn thảo hợp đồng để đưa ra các điều kiện thuận lợi nhất cho người sử dụng lao động là cần thiết và người soạn thảo cần có những hiểu biết, kiến thức nền tảng nhất định về công việc phải làm, về nhu cầu và năng lực của người lao động.
Chấm dứt hợp đồng lao động do hai bên thoả thuận
Hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Việc kí kết và thực hiện hợp đồng lao động có tính tự nguyện, bình đẳng, trung thực và bảo vệ quyền lợi của người lao động. Tương tự như các loại hợp đồng dân sự khác, đòi hỏi tiên quyết nhất khi các bên tham gia ký kết hợp đồng lao động là sự tự nguyện.
Các bên được quyền tự do thỏa thuận về việc ký kết hợp đồng thì cũng có quyền thỏa thuận chấm dứt hiệu lực hợp đồng và việc chấm dứt HĐLĐ trong trường hợp này được Nhà nước tôn trọng.
Việc chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp này có thể tại thời điểm bất kỳ mà các bên thỏa thuận, không phụ thuộc vào điều kiện công việc đã hoàn thành hay chưa, hay thời hạn hiệu lực của hợp đồng đã hết hay chưa.
Trên thực tế, hình thức chấm dứt HĐLĐ do thỏa thuận diễn ra phổ biến và thuận lợi nhất cho các bên. Tuy nhiên, đây cũng là địa bàn diễn ra các hoạt động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, thậm chí sa thải trá hình. Khi mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động trở nên bất hòa và không thể tiếp tục, người sử dụng lao động thường yêu cầu người lao động viết đơn xin nghỉ việc và người sử dụng lao động ký vào đơn xin nghỉ việc là có thể lập thành một thỏa thuận về việc chấm dứt HĐLĐ.
Kinh nghiệm tư vấn quản trị nhân sự và pháp lý quan hệ lao động của chúng tôi cho thấy rằng, nhiều doanh nghiệp rất chủ quan với hình thức chấm dứt HĐLĐ theo thỏa thuận, nên hồ sơ thanh lý hợp đồng lao động khá sơ sài, thậm chí không có. Điều này có thể dẫn tới một số hệ quả như người lao động quay lại đòi quyền lợi hoặc người lao động từ chối thực hiện một số nghĩa vụ tồn đọng từ trong quá khứ, hoặc người lao động khởi kiện ra Tòa về hành vi cưỡng ép viết đơn xin nghỉ việc …. Do đó, trong kỹ thuật soạn thảo hợp đồng lao động, quản trị lao động và thanh lý hợp đồng, người sử dụng lao động cần vận dụng các kỹ thuật và biểu mẫu để cụ thể hóa và rõ ràng tối đa ý chí chấm dứt hợp đồng lao động từ hai phía, cũng như các thỏa thuận liên quan đến việc chấm dứt, bao gồm việc thanh lý các quyền, nghĩa vụ đã hình thành trong quá khứ nhưng vẫn tồn tại đến thời thời điểm thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.
Chấm dứt hợp đồng lao động do Người lao động đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội và tuổi hưởng lương hưu.
Theo quy định hiện hành, thì Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.
Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thuộc danh mục do Chính phủ quy định có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định.
Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 năm so với quy định tại khoản 1 Điều này.
Điểm b Khoản 1 Điều 54 của Luật BHXH năm 2014 về điều kiện hưởng lương hưu đối với người lao động khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên: Nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến 55 tuổi và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên.
Điều 55 Luật BHXH năm 2014 quy định về điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động, trong đó tại Khoản 1 có quy định lao động nữ khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Đến năm 2020 trở đi, nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên; Nữ đủ 45 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
Chấm dứt hợp đồng lao động trong các trường hợp khác
- Người lao động bị kết án tù giam, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án.
- Người lao động chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết.
- Người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết; người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.
- Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải.
- Người lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ.
- Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật lao động 2012; người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhập, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã.
Vui lòng xem thêm các bài viết khác của chúng tôi trên website này về Chấm dứt hợp đồng lao đồng với lý do: người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải; người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động ….