Chất thải nguy hại là chất thải chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, lây nhiễm, dễ cháy, dễ nổ, gây ăn mòn, gây ngộ độc hoặc có đặc tính nguy hại khác.
Hiện nay, Chính phủ đang siết chặt các vấn đề về quản lý chất thải nói chung và các vấn đề về bảo vệ môi trường nói riêng, do đó, các
doanh nghiệp sẽ phải nhanh chóng tự quan trắc và kiểm tra các hoạt động của chính doanh nghiệp mình để phòng ngừa việc bị kiểm tra, xử phạt hành chính, hay xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
Đầu tư cho hệ thống bảo vệ môi trường luôn đắt đỏ và chiếm một phần khá lớn trong tỷ trọng
vốn đầu tư của bất kỳ dự án nào, doanh nghiệp nào, kể cả
doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện các hoạt động đầu tư ở Việt Nam. Tuy nhiên, không vì thế, mà doanh nghiệp được phép lơ là hoặc bỏ qua các vấn đề về môi trường.
Trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến một số vấn đề liên quan đến chất thải nguy hại (CTNH) để doanh nghiệp tham khảo.
Chất thải nguy hại là gì?
CTNH là chất thải chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, lây nhiễm, dễ cháy, dễ nổ, gây ăn mòn, gây ngộ độc hoặc có đặc tính nguy hại khác.
Trong một số trường hợp, chất thải thông thường có lẫn CTNH vượt ngưỡng quy định mà không thể phân loại được thì phải quản lý theo quy định của pháp luật về chất thải nguy hại.
Chất thải nguy hại được quản lý như thế nào?
Ở đây, chúng tôi đặc biệt lưu ý một số nội dung liên quan đến quản lý CTNH tại doanh nghiệp, bao gồm nội dung về lập hồ sơ CTNH, phân loại CTNH, điều kiện xử lý CTNH.
Chủ nguồn thải CTNH phải lập hồ sơ về chất thải nguy hại và đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cấp tỉnh. Chủ nguồn CTNH phải tổ chức phân loại, thu gom, lưu giữ và xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; trường hợp chủ nguồn thải CTNH không có khả năng xử lý chất thải nguy hại đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường phải chuyển giao cho cơ sở có giấy phép xử lý chất thải nguy hại.
Trên thực tế, các doanh nghiệp có phát thải chất thải nguy hiểm phải ký
hợp đồng thường xuyên với một đơn vị có đủ điều kiện và đã được cấp phép xử lý chất thải nguy hại, và đơn vị này sẽ chịu trách nhiệm vận chuyển CTNH tới một địa điểm cố định và đã đăng ký trước để thực hiện việc xử lý, mà không được phép xử lý tại địa điểm của chủ nguồn chất thải.
CTNH phải được lưu giữ trong phương tiện, thiết bị chuyên dụng bảo đảm không tác động xấu đến con người và môi trường.
Điều kiện để được cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại
Doanh nghiệp muốn cung cấp dịch vụ xử lý chất thải nguy hại phải đáp ứng các điều kiện như sau:
a) Văn bản hợp lệ về môi trường do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành đối với cơ sở xử lý CTNH đã đưa vào hoạt động trước ngày 01 tháng 7 năm 2006 bao gồm: Giấy xác nhận đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường; văn bản thẩm định bản kê khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh có tác động đến môi trường; phiếu thẩm định đánh giá tác động môi trường; hoặc giấy tờ tương đương với các văn bản này;
b) Đề án bảo vệ môi trường được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định đối với cơ sở xử lý CTNH đã đưa vào hoạt động.
Thứ hai: Địa điểm của cơ sở xử lý CTNH (trừ trường hợp cơ sở sản xuất có hoạt động đồng xử lý CTNH) thuộc các quy hoạch có nội dung về quản lý, xử lý chất thải do cơ quan có thẩm quyền từ cấp tỉnh trở lên phê duyệt theo quy định của pháp luật.
Thứ ba: Các hệ thống, thiết bị xử lý (kể cả sơ chế, tái chế, đồng xử lý, thu hồi năng lượng), bao bì, thiết bị lưu chứa, khu vực lưu giữ tạm thời hoặc trung chuyển, phương tiện vận chuyển (nếu có) phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định.
Thứ tư: Có các công trình bảo vệ môi trường tại cơ sở xử lý CTNH đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định.
Thứ năm: Có đội ngũ nhân sự đáp ứng yêu cầu như sau:
a) Một cơ sở xử lý CTNH phải có ít nhất 02 (hai) người đảm nhiệm việc quản lý, điều hành, hướng dẫn về chuyên môn, kỹ thuật có trình độ chuyên môn thuộc chuyên ngành liên quan đến môi trường hoặc hóa học và được cấp chứng chỉ quản lý CTNH theo quy định;
b) Một trạm trung chuyển CTNH phải có ít nhất 01 (một) người đảm nhiệm việc quản lý, điều hành, hướng dẫn về chuyên môn, kỹ thuật có trình độ chuyên môn thuộc chuyên ngành liên quan đến môi trường hoặc hóa học;
c) Nhân sự nêu trên phải được đóng bảo hiểm xã hội, y tế theo quy định của pháp luật; có
hợp đồng lao động dài hạn trong trường hợp không có tên trong Giấy chứng nhận
đăng ký kinh doanh (hoặc giấy tờ tương đương) hoặc không thuộc ban lãnh đạo hoặc biên chế của tổ chức, cá nhân đăng ký cấp phép xử lý CTNH;
d) Có đội ngũ vận hành và lái xe được đào tạo, tập huấn bảo đảm vận hành an toàn các phương tiện, hệ thống, thiết bị.
Thứ sáu: Có quy trình vận hành an toàn các phương tiện, hệ thống, thiết bị thu gom, vận chuyển (nếu có) và xử lý (kể cả sơ chế, tái chế, đồng xử lý, thu hồi năng lượng) CTNH.
Thứ bảy: Có phương án bảo vệ môi trường trong đó kèm theo các nội dung về: Kế hoạch kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường; kế hoạch an toàn lao động và bảo vệ sức khỏe; kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố; kế hoạch đào tạo, tập huấn định kỳ; chương trình quan trắc môi trường, giám sát vận hành xử lý và đánh giá hiệu quả xử lý CTNH.
Thứ tám: Có kế hoạch kiểm soát ô nhiễm và phục hồi môi trường khi chấm dứt hoạt động.