Đăng ký nhãn hiệu và tất tật về nhãn hiệu mà bạn cần biết!
28/03/2021 12:43Đăng ký nhãn hiệu là việc tổ chức, cá nhân đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ để đề nghị bảo hộ độc quyền với nhãn hiệu hàng hóa hoặc nhãn hiệu dịch vụ. Việc độc quyền có nghĩa là chỉ duy nhất chủ sở hữu nhãn hiệu mới được quyền sử dụng, và cho phép người khác sử dụng nhãn hiệu trên cơ sở cấp quyền, chuyển giao quyền sử dụng.
Trong cuộc sống hàng ngày và trong quản trị kinh doanh, thuật ngữ đăng ký nhãn hiệu thường bị gọi là đăng ký thương hiệu. Tuy nhiên, chúng tôi phải lưu ý rằng, thương hiệu không phải là thuật ngữ pháp lý mà là thuật ngữ sử dụng trong quản trị kinh doanh và trong sinh hoạt đời thường. Khái niệm nhãn hiệu được sử dụng chính thức trong pháp lý, và bạn nhớ sử dụng tên gọi nhãn hiệu khi xử lý các vấn đề về pháp lý nhé.
Dĩ nhiên, thương hiệu và nhãn hiệu không đồng nhất với nhau về mặt nội dung và ý nghĩa. Chúng tôi sẽ quay lại vấn đề này trong một bài viết khác.
Nội dung bài viết
- 1 Dịch vụ đăng ký nhãn hiệu tại Công ty Luật Inteco
- 2 Nhãn hiệu là gì?
- 3 Điều kiện bảo hộ nhãn hiệu là gì?
- 4 Những dấu hiệu nào không được sử dụng để đăng ký làm nhãn hiệu?
- 5 Các loại nhãn hiệu mà bạn cần biết khi tìm hiểu về thủ tục đăng ký nhãn hiệu
- 6 Các bước đăng ký nhãn hiệu
- 6.1 Bước thứ nhất: Tra cứu khả năng đăng ký của nhãn hiệu
- 6.2 Bước thứ hai: Chuẩn bị hồ sơ và nộp đơn đăng ký nhãn hiệu
- 6.3 Bước thứ ba: Thẩm định hình thức đơn
- 6.4 Bước thứ tư: Công bố đơn đăng ký
- 6.5 Bước thứ năm: Thẩm định nội dung
- 6.6 Bước thứ sáu: Thông báo
- 6.7 Hiệu lực đăng ký nhãn hiệu trong bao lâu?
Dịch vụ đăng ký nhãn hiệu tại Công ty Luật Inteco
- Tư vấn cụ thể và đầy đủ các quy định pháp luật về đăng ký nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, bản quyền tác giả …
- Tra cứu khả năng đăng ký của nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế ….
- Soạn thảo hồ sơ đăng ký
- Nộp đơn đăng ký và theo dõi đơn đăng ký trong suốt thời gian thẩm định đơn.
- Nhận kết quả đăng ký và các nội dung công việc khác.
Nhãn hiệu là gì?
Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Ví dụ: Cùng là dịch vụ viễn thông, bạn có thể tìm thấy nhãn hiệu Viettel hay Mobifone hay Vinaphone. Hoặc cùng sản phẩm xà phòng, bạn có thể tìm thấy nhãn hiệu Omo, Times.
Khi tìm hiểu về nhãn hiệu, bạn muốn tập trung vào một số thứ: thứ nhất là dấu hiệu, thứ hai là phân biệt, thứ ba là hàng hóa, dịch vụ, và thứ tư là tổ chức, cá nhân khác nhau.
Dấu hiệu đó có thể là các chữ cái, hình vẽ đồ họa. Ví dụ: nhãn hiệu của Tập đoàn Viettel có các chữ cái là Viettel, và phần hình là hình elip đặt ngang cách điệu vòng tròn âm dương. Đối với phần chữ, các chữ cái đó phải là các chữ cái latin, hoặc ký tự không thuộc hệ latin nhưng thuộc các ngôn ngữ thông dụng như Trung Quốc, Hàn Quốc ……. Phần hình thì có thể là các hình vẽ hoặc chữ cái cách điệu thành hình họa, nhưng không được là các nét vẽ hoặc hình học đơn giản bạn nhé. Nếu bạn muốn đăng ký một hình vuông đơn giản cho sản phẩm của bạn thì sẽ bị từ chối đấy.
Khi đăng ký nhãn hiệu, bạn cần chú ý đến điều kiện về khả năng phân biệt, tức là nhãn hiệu phải có khả năng giúp người tiêu dùng nhận ra sự khác nhau của các chủ thể sản xuất hoặc mua bán hàng hóa, dịch vụ. Phân biệt ở đây là phân biệt về mặt chủ thể, tức là phân biệt người sản xuất, mua bán hàng hóa hoặc dịch vụ. Ví dụ: khi bạn nhìn vào đống đĩa bắt trong cửa hàng đồ gồm, thì bạn có thể nhận ra chồng bát này là của làng nghề Bát Tràng, chứ không phải là Công ty Minh Long. Hoặc nhìn lên kệ giá trong siêu thị bạn có thể biết là lon nước ngọt này thuộc về Pepsi chứ không phải là Cocacola. Nhãn hiệu giúp tạo ra sự phân biệt bạn nhé, chứ chất lượng hay đặc điểm sản phẩm thì phải là khi bạn đã sử dụng rất nhiều và tinh tế mới có thể nhận ra. Ví dụ, tôi đưa cho bạn hail on nước đã che kín nhãn, thì bạn phải uống và thấy lon ngọt hơn là coca, còn lại là Pepsi chẳng hạn. Nhưng trong pháp luật, thì sự phân biệt phải là ngay từ cái nhìn đầu tiên, chứ không chờ đến khi dùng sản phẩm.
Bạn lưu ý rằng, khi phân tích về khả năng phân biệt, thì phải phân tích cả việc hai nhãn hiệu trùng nhau, và phân tích cả việc hai nhãn hiệu na ná nhau, mà trong luật gọi là tương tự gây nhầm lẫn. Ví dụ: Nhãn hiệu ABC của bánh kẹo do Công ty A sản xuất sẽ bị coi là trùng với nhãn hiệu ABC của bánh kẹo do Công ty B sản xuất. Nếu hãng B đổi nhãn hiệu thành ABD thì không còn trùng nữa, nhưng vẫn có thể bị coi là tương tự gây nhầm lẫn.
Trùng thì dễ nói rồi, nhưng thế nào là tương tự gây nhầm lẫn?. Chuyên viên thẩm định của cục Sở hữu trí tuệ sẽ đánh giá và nói với bạn điều đó trong quá trình xử lý đơn đăng ký nhãn hiệu. Bạn có thể hình dung đơn giản thế này, tương tự gây nhầm lẫn với nhau là khi (i) hai nhãn hiệu dùng cho cùng loại sản phẩm, dịch vụ giống hệt nhau, nhưng hai nhãn hiệu đó ná nhau cả về mặt đồ họa, về mặt ý nghĩa, về mặt phát âm, dịch nghĩa; và (ii) hai nhãn hiệu trùng nhau về mặt dấu hiệu nhận biết nhưng sử dụng cho các hàng hóa tương tự nhau, chẳng hạn nhãn hiệu ABC của Công ty A dùng cho sản phẩm bánh ngọt sẽ bị coi là tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu ABC của Công ty B dùng cho sản phẩm bánh khúc hay xôi gói …
Nhìn chung, việc đánh giá tính tương tự gây nhầm lẫn khá phức tạp và đòi hỏi rất có kinh nghiệm. Do đó, chúng tôi khuyên bạn nên tìm sự hỗ trợ của các Luật sư sở hữu trí tuệ chuyên nghiệp để đánh giá trước khi đăng ký nhãn hiệu.
Về hàng hóa, dịch vụ thì như mình đã nói ở trên, tức là hàng hóa cùng loại (giống hệt nhau) hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhau bạn nhé. Chẳng hạn, bạn không thể nói nhãn hiệu ABC của bánh mứt kẹo bị coi là trùng với nhãn hiệu ABC của phân bón được. Cho nên trên thực tế, tôi đã chứng kiến hiện tượng một Doanh nghiệp tìm cách mở cửa hàng phân bón ngay cạnh cửa hàng bánh ngọt, lấy tên gọi giống hệt nhau để chơi xỏ nhau, khiến chủ cửa hàng bánh ngọt ức gần chết mà không làm gì được nhau đấy.
Các sản phẩm được coi là tương tự gây nhầm lẫn nếu như có cùng công dụng, chức năng, đặc tính sản phẩm hay cùng kênh phân phối.
Xem thêm: Kỹ năng soạn thảo hợp đồng
Điều kiện bảo hộ nhãn hiệu là gì?
Điều 72, Luật Sở hữu trí tuệ quy định điều kiện bảo hộ gồm:
Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc;
Có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác.
Điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ quy định rõ hơn về khả năng phân biệt của nhãn hiệu như sau:
Nhãn hiệu được coi là có khả năng phân biệt nếu được tạo thành từ một hoặc một số yếu tố dễ nhận biết, dễ ghi nhớ hoặc từ nhiều yếu tố kết hợp thành một tổng thể dễ nhận biết, dễ ghi nhớ và không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
Nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt nếu nhãn hiệu đó là dấu hiệu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Hình và hình hình học đơn giản, chữ số, chữ cái, chữ thuộc các ngôn ngữ không thông dụng, trừ trường hợp các dấu hiệu này đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi với danh nghĩa một nhãn hiệu;
b) Dấu hiệu, biểu tượng quy ước, hình vẽ hoặc tên gọi thông thường của hàng hóa, dịch vụ bằng bất kỳ ngôn ngữ nào đã được sử dụng rộng rãi, thường xuyên, nhiều người biết đến;
c) Dấu hiệu chỉ thời gian, địa điểm, phương pháp sản xuất, chủng loại, số lượng, chất lượng, tính chất, thành phần, công dụng, giá trị hoặc các đặc tính khác mang tính mô tả hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp dấu hiệu đó đã đạt được khả năng phân biệt thông qua quá trình sử dụng trước thời điểm nộp đơn đăng ký nhãn hiệu;
d) Dấu hiệu mô tả hình thức pháp lý, lĩnh vực kinh doanh của chủ thể kinh doanh;
đ) Dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp dấu hiệu đó đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi với danh nghĩa một nhãn hiệu hoặc được đăng ký dưới dạng nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận quy định tại Luật này;
e) Dấu hiệu không phải là nhãn hiệu liên kết trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được đăng ký cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự trên cơ sở đơn đăng ký có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn trong trường hợp đơn đăng ký được hưởng quyền ưu tiên, kể cả đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
g) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự từ trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên;
h) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã đăng ký cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự mà đăng ký nhãn hiệu đó đã chấm dứt hiệu lực chưa quá năm năm, trừ trường hợp hiệu lực bị chấm dứt vì lý do nhãn hiệu không được sử dụng theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 95 của Luật này;
i) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được coi là nổi tiếng của người khác đăng ký cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự với hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng hoặc đăng ký cho hàng hóa, dịch vụ không tương tự, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm ảnh hưởng đến khả năng phân biệt của nhãn hiệu nổi tiếng hoặc việc đăng ký nhãn hiệu nhằm lợi dụng uy tín của nhãn hiệu nổi tiếng;
k) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự với tên thương mại đang được sử dụng của người khác, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ;
l) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm cho người tiêu dùng hiểu sai lệch về nguồn gốc địa lý của hàng hóa;
m) Dấu hiệu trùng với chỉ dẫn địa lý hoặc có chứa chỉ dẫn địa lý hoặc được dịch nghĩa, phiên âm từ chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ cho rượu vang, rượu mạnh nếu dấu hiệu được đăng ký để sử dụng cho rượu vang, rượu mạnh không có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý đó;
n) Dấu hiệu trùng hoặc không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp của người khác được bảo hộ trên cơ sở đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn so với ngày nộp đơn, ngày ưu tiên của đơn đăng ký nhãn hiệu.
Những dấu hiệu nào không được sử dụng để đăng ký làm nhãn hiệu?
Theo quy định tại Điều 73, Luật Sở hữu trí tuệ, thì các dấu hiệu sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu:
Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với hình quốc kỳ, quốc huy của các nước. Bạn đừng cố gắng đưa quốc kỳ của Lào hay Bangladesh vào đăng ký làm nhãn hiệu của bạn nhé.
Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với biểu tượng, cờ, huy hiệu, tên viết tắt, tên đầy đủ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp của Việt Nam và tổ chức quốc tế, nếu không được cơ quan, tổ chức đó cho phép. Bạn đừng lấy quốc huy của Việt Nam hay logo của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam để đăng ký nhãn hiệu nhé.
Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài. Chắc chắn là bạn không thể lấy tên Tố Như hay Quang Trung để đăng ký làm nhãn hiệu của mình rồi.
Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành của tổ chức quốc tế mà tổ chức đó có yêu cầu không được sử dụng, trừ trường hợp chính tổ chức này đăng ký các dấu đó làm nhãn hiệu chứng nhận. Nếu bạn cố tình sử dụng chữ ISO để đăng ký nhãn hiệu là bị từ chối ngay nhé.
Dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ. Bạn đừng cố gắng sử dụng các từ ngữ như “Tốt nhất”, “Giá rẻ nhất” để đăng ký cho các loại hàng hóa nói chung. Hoặc bạn cũng không thể sử dụng cụm từ như “Nghệ An” cho quán cháo lươn được.
Các loại nhãn hiệu mà bạn cần biết khi tìm hiểu về thủ tục đăng ký nhãn hiệu
Khi tìm hiểu về thủ tục đăng ký nhãn hiệu, bạn có thể bắt gặp các quy định về các loại nhãn hiệu khác nhau. Wow, lại còn có các loại nhãn hiệu khác nhau nữa ư?. Vâng!. Tôi xin liệt kê các loại nhãn hiệu sau đây nhé.
Nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hóa, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu. Chẳng hạn, nhãn hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao mà bạn thường nhìn thấy trên các loại hàng hóa do Việt nam sản xuất.
Nhãn hiệu liên kết là các nhãn hiệu do cùng một chủ thể đăng ký, trùng hoặc tương tự nhau dùng cho sản phẩm, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự nhau hoặc có liên quan với nhau. Bạn có thể thấy một nhóm nhãn hiệu của Tập đoàn Vingroup như Vingroup, Vinhome, Vinfast hay VinEco ở Việt Nam hiện nay. Đó là các nhãn hiệu liên kết bạn nhé.
Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Chẳng hạn như Cocacola, hay iPhone, hay Vingroup, hay Vietcombank …. Các nhãn hiệu này quá nổi tiếng phải không các bạn. Với các nhãn hiệu nổi tiếng này, thì không phân biệt hàng hóa dịch vụ nữa bạn nhé. Bạn cố gắng sử dụng bất kỳ nhãn hiệu nổi tiếng nào cho bất kì sản phẩm nào cũng sẽ bị từ chối, cho dù chủ sở hữu các nhãn hiệu đó không đăng ký cho các sản phẩm, dịch vụ mà bạn đang sản xuất, kinh doanh.
Tham khảo thêm:
Thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
Các bước đăng ký nhãn hiệu
Để đăng ký nhãn hiệu thành công, bạn cần trải qua một số bước như sau:
Bước thứ nhất: Tra cứu khả năng đăng ký của nhãn hiệu
Mặc dù không phải là thủ tục bắt buộc theo quy định của pháp luật, nhưng việc tra cứu được khuyến khích thực hiện nhằm kiểm tra trước khả năng được bảo hộ, tức là kiểm tra xem nhãn hiệu có vi phạm các điều cấm của luật hay không, có thỏa mãn điều kiện bảo hộ như nêu trên hay không và kiểm tra xem đã có tổ chức, cá nhân nào nộp đơn đăng ký cho một nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu của mình hay không. Trên cơ sở kết quả tra cứu, chủ đơn quyết định có nộp đơn đăng ký hay không.
Đội ngũ Luật sư của chúng tôi có thể hỗ trợ bạn rất hiệu quả trong việc tra cứu này, nhờ kinh nghiệm tích lũy nhiều năm làm việc trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ, cũng như có các phần mềm tra cứu chuyên nghiệp.
Theo nguyên tắc First to file (nộp đơn trước được trước), ngay sau khi có kết quả tra cứu, nếu cho thấy chưa có ai nộp đơn đăng ký thì doanh nghiệp cần nộp đơn ngay lập tức. Kể từ thời điểm doanh nghiệp nộp đơn, nếu có bất kỳ cá nhân/ tổ chức nào khác nộp một đơn đăng ký nhãn hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn, sẽ bị từ chối.
Bước thứ hai: Chuẩn bị hồ sơ và nộp đơn đăng ký nhãn hiệu
Nếu kết quả tra cứu cho thấy nhãn hiệu không vi phạm điều cấm của luật, và chưa có người nộp đơn đăng ký trước, chủ đơn sẽ thực hiện thủ tục nộp đơn đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ.
Tuy nhiên, trước khi nộp đơn, bạn cần chuẩn bị đơn đăng ký nhãn hiệu. Mẫu đơn đăng ký có sẵn trên website của Cục Sở hữu trí tuệ và bạn chỉ cần điền một vài thông tin cần thiết là có thể in ra được. Nếu bạn chưa biết cách ghi thông tin, có thể liên hệ với chúng tôi để được hướng dẫn.
Quan trọng nhất khi soạn đơn đăng ký, bạn cần biết cách phân loại hàng hóa, dịch vụ theo quy định của Thỏa ước Nice. Theo quy định, khi đăng ký nhãn hiệu, bạn cần nêu rõ là nhãn hiệu sẽ được sử dụng cho hàng hóa, dịch vụ nào. Bạn hình dung đơn giản, là tất cả hàng hóa và dịch vụ tồn tại trên đời sẽ được phân loại thành 45 nhóm và được quy định trong Bảng phân loại theo Thỏa ước Nice. Thỏa ước Nice này có giá trị áp dụng ở hơn 150 Quốc Gia trên thế giới, và bạn có thể tìm hiểu thêm về Thỏa ước này tại đây.
Thực tế thì có rất nhiều hàng hóa, dịch vụ không được liệt kê một cách cụ thể và chi tiết trong bảng phân loại nice nên nếu không có kinh nghiệm, bạn sẽ rất dễ bị sai.
Bước thứ ba: Thẩm định hình thức đơn
Đơn đăng ký nhãn hiệu được thẩm định hình thức để đánh giá tính hợp lệ của đơn. Đơn đăng ký nhãn hiệu bị coi là không hợp lệ trong các trường hợp sau đây:
Đơn không đáp ứng các yêu cầu về hình thức;
Đối tượng nêu trong đơn là đối tượng không được bảo hộ;
Người nộp đơn không có quyền đăng ký, kể cả trường hợp quyền đăng ký cùng thuộc nhiều tổ chức, cá nhân nhưng một hoặc một số người trong số đó không đồng ý thực hiện việc nộp đơn;
Đơn được nộp trái với quy định về cách thức nộp đơn quy định tại Điều 89 của Luật Sở hữu trí tuệ;
Người nộp đơn không nộp phí và lệ phí.
Thời gian thẩm định hình thức là 1 tháng kể từ ngày nộp đơn hợp lệ.
Bước thứ tư: Công bố đơn đăng ký
Đơn đăng ký NH đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận hợp lệ được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp theo quy định.
Đơn đăng ký nhãn hiệu được công bố trong thời hạn hai tháng kể từ ngày đơn được chấp nhận là đơn hợp lệ.
Bước thứ năm: Thẩm định nội dung
Đơn đăng ký nhãn hiệu phải được thẩm định nội dung đơn, với thời gian là không quá chín tháng, kể từ ngày công bố đơn.
Bước thứ sáu: Thông báo
Sau khi có kết quả thẩm định nội dung đơn đăng ký, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ gửi văn bản thông báo cho chủ đơn. Nếu kết quả thẩm định nội dung cho thấy đơn đăng ký nhãn hiệu đáp ứng điều kiện bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ yêu cầu bạn nộp phí cấp văn bằng, và sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ý nhãn hiệu sau khi bạn nộp phí theo quy định. Phí cấp văn bằng mang bản chất là phí duy trì hiệu lực của nhãn hiệu trong 10 năm đầu.
Nếu nhãn hiệu không đáp ứng điều kiện bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ thông báo cho bạn dự định từ chối và giành cho bạn thời gian là 02 tháng để có ý kiến phản đối bằng văn bản. Trong vòng 02 tháng đó, nếu Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận ý kiến phản đối của bạn, thì sẽ cấp văn bằng bảo hộ, và nếu Cục Sở hữu trí tuệ không chấp nhận ý kiến phản đối của bạn thì sẽ có văn bản từ chối bảo hộ nhãn hiệu.
Hiệu lực đăng ký nhãn hiệu trong bao lâu?
Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực trong vòng 10 năm kể từ ngày nộp đơn. Thời hạn hiệu lực này có thể gia hạn nhiều lần, mỗi lần 10 năm với điều kiện là bạn nộp phí duy trì theo đúng quy định của pháp luật.
Tin liên quan
Vốn huy động và các hình thức huy động vốn! (26/06/2021)
Nơi cư trú của cá nhân xác định như thế nào? (05/05/2021)
Thuế thu nhập doanh nghiệp (05/05/2021)
Hợp đồng thương mại và kinh nghiệm soạn thảo (05/05/2021)
Kinh doanh bất động sản và những điều cần biết! (04/05/2021)
Tin tức khác
Thành lập công ty tại Singapore (02/09/2020)
Tư Vấn Đầu Tư Nước Ngoài Vào Việt Nam (25/12/2019)
Tư vấn thay đổi địa điểm thực hiện dự án đầu tư (13/12/2019)
Tuân thủ và dịch vụ tuân thủ (07/12/2019)