Điều kiện kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa bằng xe ô tô
03/04/2020 10:23“Kinh doanh vận tải đường bộ” là ngành nghề kinh doanh có điều kiện được ghi nhận trong Phụ lục 4 của Luật số 03/2016/QH14. Đây là ngành nghề mang lại nhiều lợi nhuận và tiềm năng phát triển lớn. Kinh doanh vận tải đường bộ được phân thành nhiều hình thức khác nhau. Bên cạnh hình thức “kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô” (như chúng tôi đã đề cập ở bài viết: “Điều kiện kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách bằng xe ô tô”), hình thức “Kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô” cũng ngày càng mở rộng, thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia.
Vậy, để việc kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô được thực hiện một cách hợp pháp, những điều kiện nào cần phải được đáp ứng? Để trả lời câu hỏi này, mời Quý Độc giả theo một số nội dung tư vấn pháp luật sau đây của chúng tôi.
Nội dung bài viết
- 1 1. Kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô là gì?
- 2 2. Các hình thức kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô
- 3 3. Điều kiện để kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô
1. Kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô là gì?
Hiểu một cách đơn giản, kinh doanh VTHH bằng xe ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải để vận chuyển hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi).
2. Các hình thức kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô
Theo Điều 9 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP, có thể nói, kinh doanh VTHH bằng xe ô tô bao gồm các hình thức:
– Kinh doanh VTHH bằng xe taxi tải (là việc sử dụng xe ô tô có trọng tải từ 1.500 kg trở xuống để vận chuyển hàng hóa và người thuê xe vận tải trả tiền cho lái xe theo đồng hồ tính tiến hoặc theo phần mềm tính tiền trên xe).
– Kinh doanh VTHH siêu trường, siêu trọng (là việc sử dụng xe ô tô phù hợp để vận chuyển loại hàng hóa có kích thước hoặc trọng lượng vượt quá giới hạn quy định nhưng không thể tháo rời).
– Kinh doanh vận tải hàng nguy hiểm (là việc sử dụng xe ô tô để vận chuyển hàng hóa có chứa các chất nguy hiểm có khả năng gây nguy hại tới tính mạng, sức khỏe con người, môi trường an toàn và an ninh quốc gia).
– Kinh doanh VTHH bằng công-ten-nơ.
– Kinh doanh VTHH thông thường.
Để được kinh doanh VTHH bằng xe ô tô một cách hợp pháp, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thực hiện kinh doanh cần có Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
3. Điều kiện để kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô
Cơ sở pháp lý:
– Luật Giao thông vận tải số 23/2008/QH12;
– Nghị định số 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
3.1. Điều kiện chung
Điều kiện thứ nhất:
Điều kiện về người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải: phải có trình độ chuyên môn về vận tải thể hiện qua văn bẳng, chứng chỉ phù hợp.
Điều kiện thứ hai:
– Xe ô tô kinh doanh VTHH phải thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp theo hợp đồng thuê phương tiện bằng văn bản của đơn vị kinh doanh VTHH với tổ chức, cá nhân hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật.
– Trường hợp xe đăng ký thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã phải có hợp đồng dịch vụ giữa thành viên với hợp tác xã, trong đó quy định hợp tác xã có quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ quản lý, sử dụng, điều hành xe ô tô thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã.
Điều kiện thứ ba:
Về thiết bị giám sát hành trình của xe: xe ô tô kinh doanh VTHH phải lắp thiết bị giám sát hành trình (thiết bị này đảm bảo tuân thủ quy chuẩn Quốc gia và đảm bảo tình trạng kỹ thuật tốt, hoạt động liên tục trong thời gian xe tham gia giao thông.
Thiết bị giám sát hành trình phải đảm bảo tối thiểu các yêu cầu sau:
– Lưu trữ và truyền dẫn các thông tin gồm: Hành trình, tốc độ vận hành, thời gian lái xe liên tục về hệ thống dữ liệu giám sát hành trình của Bộ Giao thông vận tải (Tổng cục Đường bộ Việt Nam). Thời gian lưu giữ hình ảnh trên xe đảm bảo như sau:
+ Tối thiểu 24 giờ gần nhất với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500 km;
+ Tối thiểu 72 giờ gần nhất đối vói xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500 km.
– Không được sử dụng các biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi, các biện pháp khác để can thiệp vào quá trình hoạt động, phá (hoặc làm nhiễu) sóng GPS, GSM hoặc làm sai lệch dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô. Trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, lái xe phải sử dụng thẻ nhận dạng lái xe của mình để đăng nhập thông tin qua đầu đọc thẻ của thiết bị giám sát hành trình của xe và đăng xuất khi kết thúc lái xe để làm cơ sở xác định thời gian lái xe liên tục và thời gian làm việc trong ngày
3.2. Điều kiện kinh doanh vận tải hàng hóa đối với từng hình thức
Kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe taxi:
– Có đồng hồ tính tiền hoặc phần mềm tính tiền trên xe;
– Mặc ngoài hai bên thành xe hoặc cánh cửa xe niêm yết chữ “TAXI TẢI”, số điện thoại liên lạc, tên đơn vị kinh doanh.
Kinh doanh vận tải hàng hóa siêu trường, siêu trọng:
Khi vận chuyển hàng hóa siêu trường, siêu trọng, lái xe phải mang theo Giấy phép lưu hành (Giấy phép sử dụng đường bộ) còn hiệu lực do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Kinh doanh vận tải hàng nguy hiểm:
Xe ô tô kinh doanh vận tải hàng nguy hiểm phải có Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ:
– Xe ô tô kinh doanh VTHH bằng công-ten-nơ phải có phù hiệu “XE CÔNG-TEN-NƠ”, xe ô tô đầu kéo kéo rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc kinh doanh vận tải hàng hóa phải có phù hiệu “XE ĐẦU KÉO”, xe ô tô tải kinh doanh VTHH thông thường phải có phù hiệu “XE TẢI” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe; phải được niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
3.3. Một số điều kiện khác:
– Đơn vị kinh doanh VTHH phải chịu trách nhiệm việc xếp hàng hóa lên xe ô tô theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;
– Đơn vị kinh doanh VTHH phải cấp cho lái xe Giấy vận tải (Giấy vận chuyển) trong quá trình vận chuyển hàng hóa trên đường. Giấy vận tải (Giấy vận chuyển) phải có xác nhận (ký, ghi rõ họ và tên) khối lượng hàng hóa đã xếp lên phương tiện của chủ hàng (hoặc người được chủ hàng ủy quyền) hoặc đại diện đơn vị, cá nhân thực hiện việc xếp hàng;
– Khi vận chuyển hàng hóa, lái xe phải mang theo Giấy vận tải (Giấy vận chuyển) bằng văn bản giấy hoặc phải có thiết bị để truy cập vào phần mềm thể hiện nội dung của Giấy vận tải (Giấy vận chuyển) và các giấy tờ của lái xe và phương tiện theo quy định của pháp luật. Đơn vị kinh doanh vận tải và lái xe không được chở hàng vượt quá khối lượng cho phép tham gia giao thông;
3.4. Lưu ý về Giấy vận tải (Giấy vận chuyển)
Giấy vận tải (Giấy vận chuyển) bằng văn bản giấy hoặc điện tử do đơn vị kinh doanh VTHH tự phát hành và có các thông tin tối thiểu gồm: Tên đơn vị vận tải; biển kiểm soát xe; tên đơn vị hoặc người thuê vận tải; hành trình (điểm đầu, điểm cuối); số hợp đồng, ngày tháng năm ký hợp đồng (nếu có); loại hàng và khối lượng hàng vận chuyển trên xe. Từ ngày 01 tháng 7 năm 2022, trước khi thực hiện vận chuyển, đơn vị kinh doanh VTHH phải thực hiện cung cấp đầy đủ các nội dung tối thiểu của Giấy vận tải (Giấy vận chuyển) qua phần mềm của Bộ Giao thông vận tải.
Lưu ý: trên đây chỉ là những điều kiện cơ bản, khi tiến hàng hoạt động kinh doanh trên thực tế, doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh cung ứng dịch vụ VTHH bằng xe ô tô còn phải chú ý rất nhiều đến các điều kiện khác được quy định trong Luật Giao thông đường bộ, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP, Thông tư số 46/2015/TT-BGTVT và một số văn bản liên quan khác.
Để nhận được ý kiến tư vấn chính xác và phù hợp nhất với doanh nghiệp của mình, Quý độc giả nên tham khảo tư vấn từ luật sư hoặc các chuyên viên tư vấn pháp luật có kinh nghiệm.
Tin liên quan
Điều kiện kinh doanh bán buôn, bán lẻ thuốc (11/12/2020)
Điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô (05/11/2020)
Xuất khẩu lao động: Điều kiện kinh doanh cần biết (04/11/2020)
Tin tức khác
Thành lập công ty tại Singapore (02/09/2020)
Tư Vấn Đầu Tư Nước Ngoài Vào Việt Nam (25/12/2019)
Tư vấn thay đổi địa điểm thực hiện dự án đầu tư (13/12/2019)
Tuân thủ và dịch vụ tuân thủ (07/12/2019)