Điều kiện kinh doanh khách sạn cập nhật mới nhất
18/04/2020 10:32Trong những năm gần đây, ngành du lịch Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc đón khách du lịch trong nước mà còn thu hút rất nhiều du khách nước ngoài. Du lịch có thể xem như một ngành công nghiệp không khói, là mảnh đất màu mỡ cho rất nhiều nhà đầu tư. Một trong những nhánh nhỏ rất phát triển của ngành du lịch đó là kinh doanh khách sạn.
Kinh doanh khách sạn thuộc dịch vụ lưu trú ngắn ngày (mã ngành cấp 4: 5510) và là ngành nghề kinh doanh có điều kiện được ghi nhận tại Luật số 03/2016/QH14 về sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp cho Độc giả thông tin về các điều kiện cơ bản, cần thiết để nhà đầu tư có thể kinh doanh khách sạn một cách hợp pháp theo quy định pháp luật Việt Nam.
Nội dung bài viết
Kinh doanh khách sạn là gì?
Kinh doanh khách sạn, hay gọi chính xác hơn là kinh doanh dịch vụ cung cấp cơ sở lưu trú là khách sạn (theo mô tả chi tiết mã ngành 55101 tại Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg) là việc nhà đầu tư cung cấp dịch vụ lưu trú là khách sạn từ hạng 1 đến 5 sao, có các trang thiết bị, tiện nghi và dịch vụ cần thiết cho khách du lịch, bao gồm:
– Khách sạn được xây dựng thành khối (hotel);
– Khách sạn nổi (floating hotel);
– Khách sạn thương mại (commercial hotel);
– Khách sạn nghỉ dưỡng (resort hotel).
Tại luật chuyên ngành, tức Luật Du lịch năm 2017, các loại hình cơ sở lưu trú du lịch là khách sạn được phân chia thành:
– Khách sạn nghỉ dưỡng: được xây dựng thành khối hoặc thành quần thể biệt thự, nhà thấp tầng, căn hộ ở khu vực có cảnh quan thiên nhiên đẹp;
– Khách sạn bên đường: gần đường giao thông, có bãi đỗ xe nhằm phục vụ nhu cầu lưu trú của khách sử dụng phương tiện giao thông đường bộ(xe máy, ô tô) đi du lịch hoặc nghỉ ngơi giữa những chặng đường dài;
– Khách sạn nổi: neo đậu trên mặt nước và có thể di chuyển khi cần thiết;
– Khách sạn thành phố: được xây dựng tại các đô thị phục vụ khách du lịch.
Dịch vụ cung cấp cơ sở lưu trú là khách sạn có thể đi kèm với các dịch vụ khác như ăn uống, chỗ đỗ xe, dịch vụ giặt là, bể bơi, phòng tập, dịch vụ giải trí, phòng họp và thiết bị phòng họp.
Quy định về điều kiện kinh doanh khách sạn
Để kinh doanh khách sạn, nhà đầu tư cần chú ý đáp ứng các điều kiện sau đây:
– Có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật:
Về mô hình, loại hình kinh doanh để kinh doanh khách sạn, nhà đầu tư có thể lựa chọn mô hình kinh doanh bao gồm: Hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân, Công ty TNHH, Công ty cổ phần, Công ty hợp danh tùy thuộc vào nhu cầu, lựa chọn của nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý rằng: nếu như số lượng lao động từ 10 người trở lên thì không được thành lập loại hình hộ kinh doanh (do hộ kinh doanh chỉ sử dụng dưới 10 người lao động).
– Đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự; an toàn về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.
– Đáp ứng các điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ.
Điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đối với khách sạn
– Có tối thiểu 10 buồng ngủ; có quầy lễ tân, phòng vệ sinh chung;
– Có nơi để xe cho khách đối với khách sạn nghỉ dưỡng và khách sạn bên đường;
– Có bếp, phòng ăn và dịch vụ phục vụ ăn uống đối với khách sạn nghỉ dưỡng, khách sạn nổi, khách sạn bên đường;
– Có giường, đệm, chăn, gối, khăn mặt, khăn tắm; thay bọc đệm, bọc chăn, bọc gối, khăn mặt, khăn tắm khi có khách mới;
– Có nhân viên trực 24h mỗi ngày.
Một số lưu ý khi kinh doanh khách sạn
Khi kinh doanh khách sạn, nhà đầu tư cần chú ý tới việc đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục để được cấp một số loại giấy phép sau:
Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự
Cơ sở kinh doanh khách sạn (một trong những loại hình của cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú) phải có phương án đảm bảo an ninh, trật tự; đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định số 96/2016/NĐ-CP và thực hiện thủ tục để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.
Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm
Nếu khách sạn có cung cấp cả dịch vụ ăn uống thì chủ cơ sở kinh doanh khách sạn còn phải đáp ứng các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm khi cung ứng dịch vụ này. Bên cạnh đó, cơ sở kinh doanh khách sạn gắn với dịch vụ ăn uống còn phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (Theo Luật An toàn thực phẩm 2010 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành)
Về xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường
Theo quy định tại Nghị định số 18/2015/NĐ-CP, nếu khách sạn có quy mô nhỏ hơn 500m2 sàn thì không phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, nếu khách sạn có quy mô từ 500m2 trở lên thì chủ cơ sở kinh doanh khách sạn phải xin xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường trước khi thực hiện hoạt động kinh doanh trên thực tế.
Về xếp hạng cơ sở kinh doanh khách sạn
Theo quy định tại Luật Du lịch năm 2017, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch (trong đó có kinh doanh khách sạn) được tự nguyện đăng ký xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Khách sạn được xếp hạng theo tiêu chuẩn quốc gia về xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch. Hạng cơ sở lưu trú du lịch bao gồm: 01 sao, 02 sao, 03 sao, 04 sao và 05 sao.
Mặc dù đây là hoạt động tự nguyện, nhưng để khẳng định chất lượng dịch vụ và tăng uy tín, thu hút khách hàng, rất nhiều cơ sở kinh doanh khách sạn đã thực hiện thủ tục đăng ký xếp hạng cho khách sạn mình đang kinh doanh.
Lưu ý
Trong phạm vi bài viết, chúng tôi không thể trình bày các điều kiện một cách cụ thể, chi tiết nhất do các điều kiện này còn phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh thực tế, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Do vậy, để có được ý kiến tư vấn một cách chính xác, phù hợp với hoạt động kinh doanh của mình nhất, nhà đầu tư có thể tham khảo tư vấn từ phía Luật sư hoặc các nhân viên tư vấn pháp lý của chúng tôi.
Tin liên quan
Điều kiện kinh doanh bán buôn, bán lẻ thuốc (11/12/2020)
Điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô (05/11/2020)
Xuất khẩu lao động: Điều kiện kinh doanh cần biết (04/11/2020)
Tin tức khác
Thành lập công ty tại Singapore (02/09/2020)
Tư Vấn Đầu Tư Nước Ngoài Vào Việt Nam (25/12/2019)
Tư vấn thay đổi địa điểm thực hiện dự án đầu tư (13/12/2019)
Tuân thủ và dịch vụ tuân thủ (07/12/2019)
Hướng dẫn Thủ Tục Đăng Ký Kinh Doanh (07/12/2019)