Điều kiện kinh doanh sản xuất, lắp ráp ô tô cập nhật mới nhất
25/09/2020 23:46Lắp ráp ô tô thì cần có những điều kiện gì theo quy định của pháp luật?
Theo quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16/07/2014 của Thủ tướng Chính Phủ về Phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, quan điểm của Nhà nước về mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ô tô là “xây dựng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trở thành ngành công nghiệp quan trọng, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa về các loại xe có lợi thế cạnh tranh, tham gia xuất khẩu, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp khác và nâng cap năng lực cạnh tranh để trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng trong chuỗi sản xuất công nghiệp ô tô thế giới”.
Với quan điểm, mục tiêu trên của Nhà nước, các nhà đầu tư dự định đầu tư vào sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam có cơ sở để tin tưởng vào tiềm năng, lợi nhuận tương lai vào ngành nghề kinh doanh này.
Khi đầu tư vào ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, nhà đầu tư cần chú ý rằng: sản xuất, lắp ráp ô tô là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và đòi hỏi phải đáp ứng một số điều kiện nhất định trước khi chính thức thực hiện.
Bài viết sau đây của chúng tôi sẽ cung cấp cho Độc giả cái nhìn tổng thể về những điều kiện cơ bản trong ngành nghề sản xuất, lắp ráp ô tô.
Nội dung bài viết
Sản xuất, lắp ráp ô tô là gì?
Về khái niệm “ô tô”
Trước khi tìm hiểu về sản xuất, lắp ráp ô tô, ta nên tìm hiểu sơ bộ khái niệm về ô tô theo quy định pháp luật. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 116/2017/NĐ-CP, ô tô là loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bao gồm các chủng loại ô tô con, ô tô khách, ô tô tải và ô tô chuyên dùng. Các loại ô tô này được định nghĩa chi tiết tại:
- Tiêu chuẩn Việt Nam số TCVN 6211:2003 (ISO 3833 : 1977) về phương tiện giao thông đường bộ – kiểu – thuật ngữ và định nghĩa; và
- Tiêu chuẩn Việt Nam số TCVN 7271 : 2003 về phương tiện giao thông đường bộ – ô tô – phân loại theo mục đích sử dụng và ô tô sát xi do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành.
Về sản xuất, lắp ráp ô tô
Đây là quá trình tạo ra sản phẩm ô tô hoàn chỉnh, ô tô sát xi có buồng lái, ô tô sát xi không có buồng lái (khung gầm có gắn động cơ) từ các chi tiết, cụm chi tiết, bộ phận, tổng thành, hệ thống; bên cạnh đó, sản xuất, lắp ráp ô tô còn là quá trình tạo ra ô tô hoàn chỉnh, ô tô sát xi có buông lái từ ô tô sát xi không có buồng lái.
Lưu ý: điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô được nêu tại bài viết này không áp dụng cho việc sản xuất, lắp ráp ô tô phục vụ mục đích phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh; sản xuất, lắp ráp ô tô từ ô tô sát xi có buồng lái hoặc từ ô tô hoàn chỉnh đã được chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; không áp dụng với ô tô không tham gia giao thông công cộng mà chỉ hoạt động trong phạm vi hẹp.
(Giải thích: ô tô sát xi là ô tô ở dạng bán thành phẩm, có thể tự di chuyển, có buồng lái hoặc không có buồng lái, không có thùng chở hàng, không có khoang chở khách và cũng không gắn thiết bị chuyên dùng)
Điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô
Để được sản xuất, lắp ráp ô tô, doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô. Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận này là Bộ Công Thương.
Các điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô sẽ được chuyên viên của Bộ Công Thương đánh giá qua quá trình xem xét, thẩm định hồ sơ (doanh nghiệp phải cung cấp rất nhiều tài liệu, ví dụ như: tài liệu về các thiết bị dây chuyền sản xuất; hồ sơ thuyết minh và thiết kế mặt bằng khu vực sản xuất; hồ sơ thuyết minh và thiết kế đường thử ô tô,….)
Không chỉ vậy, sau khi đánh giá hồ sơ và thấy hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương còn tiến hành một bước nữa, đó là tiến hành kiểm tra, đánh giá thực tế tại doanh nghiệp. Có thể nói, điều kiện để doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô là rất phức tạp, chi tiết và được thẩm định kỹ lưỡng trước khi cấp.
Các điều kiện cụ thể như sau:
Điều kiện về nhà xưởng
- Thứ nhất, nhà xưởng phải được xây dựng trên khu đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của doanh nghiệp.
- Thứ hai, nhà xưởng phải có đủ diện tích để bố trí các dây chuyền sản xuất, lắp ráp, kiểm tra phù hợp quy trình công nghệ sản xuất, lắp ráp ô tô theo Dự án đầu tư.
- Thứ ba, nền nhà xưởng phải được sơn chống trơn hoặc có biện pháp khác nhằm chống trơn trượt và có vạch chỉ giới phân biệt lối đi an toàn và khu vực lắp đặt, bố trí các dây chuyền sản xuất.
- Thứ tư, các sơ đồ quy trình công nghệ tổng thể và theo từng công đoạn sản xuất, lắp ráp phải được bố trí ở nơi thuận tiện thực hiện, theo dõi và kiểm soát quy trình.
Thứ năm, nhà xưởng phải được trang bị các hệ thống, trang thiết bị phụ trợ khác phục vụ sản xuất, lắp ráp như: Hệ thống điện công nghiệp – điện sinh hoạt; hệ thống cấp nước công nghiệp – sinh hoạt; hệ thống thông gió; hệ thống cung cấp và phân phối khí nén; máy phát điện dự phòng, bãi đậu xe, khu vực thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ.
Điều kiện về dây chuyền công nghệ và đường thử ô tô
Các dây chuyền, công nghệ và đường thử ô tô doanh nghiệp sử dụng để sản xuất, lắp ráp ô tô và chạy thử sản phẩm phải đáp ứng các yêu cầu nhất định.
Các dây chuyền công nghệ này bao gồm:
- Dây chuyền công nghệ lắp ráp;
- Dây chuyền hàn;
- Dây chuyền sơn;
- Dây chuyền kiểm tra chất lượng sản phẩm.
Điều kiện chi tiết mà các dây chuyền công nghệ, đường thử ô tô được quy định chi tiết tại Phụ lục I của Nghị định số 116/2017/NĐ-CP.
Điều kiện về cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô
Doanh nghiệp phải có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô thuộc sở hữu của doanh nghiệp hoặc do doanh nghiệp ký hợp đồng thuê, hoặc thuộc hệ thống đại lý ủy quyền của doanh nghiệp.
Một số lưu ý:
Bên cạnh các điều kiện nêu trên, doanh nghiệp còn phải lưu ý tới một số điều kiện về:
- An toàn, vệ sinh lao động (do doanh nghiệp là doanh nghiệp sản xuất và sử dụng nguồn lao động lớn để phục vụ quá trình sản xuất, lắp ráp auto);
- Điều kiện về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy;
- Điều kiện về bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
Trên đây chỉ là những thông tin cơ bản nhất để doanh nghiệp phần nào hiểu được các điều kiện để được kinh doanh sản xuất, lắp ráp theo đúng quy định pháp luật. Để có được tư vấn chi tiết, phù hợp nhất với trường hợp của doanh nghiệp mình, doanh nghiệp nên liên hệ với luật sư để được tư vấn một cách tốt nhất.
Tin liên quan
Điều kiện kinh doanh bán buôn, bán lẻ thuốc (11/12/2020)
Điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô (05/11/2020)
Xuất khẩu lao động: Điều kiện kinh doanh cần biết (04/11/2020)
Tin tức khác
Thành lập công ty tại Singapore (02/09/2020)
Tư Vấn Đầu Tư Nước Ngoài Vào Việt Nam (25/12/2019)
Tư vấn thay đổi địa điểm thực hiện dự án đầu tư (13/12/2019)
Tuân thủ và dịch vụ tuân thủ (07/12/2019)
Hướng dẫn Thủ Tục Đăng Ký Kinh Doanh (07/12/2019)