Điều kiện kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật cập nhật mới nhất 2020
21/04/2020 14:20Hiện nay, mặc dù đang trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhưng Việt Nam vẫn là một nước nông nghiệp. Nông nghiệp là ngành kinh tế có vị trí quan trọng, đem lại nguồn lợi kinh tế lớn cho đất nước. Nền nông nghiệp được cải tiến, nuôi trồng nông sản phát triển dẫn đến việc một số ngành nghề hỗ trợ nông nghiệp phát triển theo, một trong số đó là ngành nghề kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật.
Kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, được ghi nhận tại Luật số 03/2016/QH14 về việc sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư. Vậy các điều kiện cụ thể ấy là gì? Mời Độc giả theo dõi phần bài viết dưới đây của chúng tôi.
Nội dung bài viết
- 1 Thuốc bảo vệ thực vật là gì?
- 2 Hình thức kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật
- 3 Các quy định về điều kiện kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật
Thuốc bảo vệ thực vật là gì?
Theo quy định tại Khoản 16 Điều 3 Luật Bảo vệ kiểm dịch thực vật năm 2013, thuốc bảo vệ thực vật được định nghĩa là: chất hoặc hỗn hợp các chất hoặc chế phẩm vi sinh vật có tách dụng phòng ngừa, ngăn chặn, xua đuổi, dẫn dụ, tiêu diệt hoặc kiểm soát sinh vật gây hại thực vật; điều hòa sinh trưởng thực vật hoặc côn trùng; bảo quản thực vật; làm tăng độ an toàn, hiệu quả khi sử dụng thuốc.
Thuốc bảo vệ thực vật là loại hàng hóa kinh doanh có điều kiện và phải được quản lý theo danh mục.
Thuốc bảo vệ thực vật là nhân tố đóng vai trò khá quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Thuốc bảo vệ thực vật giúp phòng chống sâu bệnh, dịch hại, bảo vệ cây trồng. Khi nhắc đến thuốc bảo vệ thực vật, đôi khi người tiêu dùng cảm thấy e ngại, không an toàn. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết là nó phải được sử dụng đúng, tức là: đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng cách; tuân thủ thời gian cách ly; bảo đảm hiệu quả, an toàn cho người, an toàn thực phẩm và hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái.
Hình thức kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật
Nhà đầu tư có thể kinh doanh thuốc bảo vệ theo các hình thức sau:
– Sản xuất thuốc bảo vệ thực vật.
Sản xuất thuốc bảo vệ thực vật bao gồm hoạt động sản xuất hoạt chất, thuốc kỹ thuật, thuốc thành phẩm, đóng gói thuốc bảo vệ thực vật.
– Buôn bán thuốc bảo vệ thực vật.
Các quy định về điều kiện kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật
Điều kiện kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật được quy định khá cụ thể, chi tiết tại Luật Bảo vệ kiểm dịch thực vật năm 2013; Nghị định số 116/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Thông tư số 21/2015/TT-BNNPTNT về quản lý thuốc bảo vệ thực vật và một số Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật khác
Điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật
Điều kiện về cơ sở vật chất – kỹ thuật
1. Về nhà xưởng:
1.1. Về địa điểm nhà xưởng
– Nhà xưởng được bố trí trong khu công nghiệp phải tuân thủ các quy định của khu công nghiệp;
– Nhà xưởng sản xuất thuốc bảo vệ thực vật không nằm trong khu công nghiệp phải được bố trí tại địa điểm đảm bảo: vị trí cách xa trường học, bệnh viện, chợ tối thiểu 500 mét; đảm bảo yêu cầu về cung cấp điện, nước, thoát nước, xử lý ô nhiễm môi trường và giao thông; có tường bao ngăn cách với bên ngoài; hệ thống giao thông nội bộ được bố trí đảm bảo an toàn cho vận chuyển và phòng cháy chữa cháy.
1.2. Về bố trí mặt bằng, kết cấu và bố trí kiến trúc công trình nhà xưởng:
– khu nhà xưởng và kho chứa phải tách rời nhau; mặt bằng nhà xưởng phải được bố trí các hạng mục công trình hợp lý và có công năng rõ ràng;
– Đảm bảo các tiêu chuẩn thiết kế sau: TCVN 4604/2012: Xí nghiệp công nghiệp, nhà sản xuất – Tiêu chuẩn thiết kế; TCVN: 2622/1995: Phòng cháy, chống cháy cho nhà và công trình – Yêu cầu thiết kế;
– Vật liệu xây dựng nhà xưởng là vật liệu không bắt lửa, khó cháy; khung nhà được xây bằng gạch, làm bằng bê tông hoặc thép. Sàn được làm bằng vật liệu không thấm chất lỏng, bằng phẳng, không trơn trượt, không có khe nứt và phải có các gờ hay lề bao quanh;
– Nhà xưởng phải có lối thoát hiểm, được chỉ dẫn rõ ràng bằng bảng hiệu, sơ đồ và dễ thoát hiểm khi xảy ra sự cố.
2. Về trang thiết bị:
2.1. Trang thiết bị sản xuất
– Có dây chuyến, công nghệ sản xuất phù hợp chủng loại và đảm bảo chất lượng thuốc bảo vệ thực vật sản xuất ra;
– Thiết bị được bố trí, lắp đặt phù hợp với từng công đoạn sản xuất và đảm bảo các tiêu chuẩn: Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 2290-1978 Thiết bị sản xuất – Yêu cầu chung về an toàn
– Thiết bị có hướng dẫn vận hành, được kiểm tra các thông số kỹ thuật, được kiểm định, bảo trì bảo dưỡng, có quy trình vệ sinh công nghiệp;
– Phương tiện chiếu sáng và thiết bị điện khác được lắp đặt tại vị trí cần thiết, không được lắp tạm thời, phải có bộ ngắt mạch khi rò điện, chống quá tải;
– Phương tiện bốc dỡ, vận chuyển: đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật về loại hàng nghuy hiểm cần vận chuyển; được thiết kế phòng ngưad rò rỉ, phát tán thuốc bảo vệ thực vật vào môi trường; có hình đồ cảnh báo, báo hiệu nguy hiểm trên phương tiện vận chuyển.
2.2. Trang thiết bị, phương tiện an toàn:
– Trang bị và sử dụng bảo hộ khi vào xưởng sản xuất;
– Có dụng cụ, thuốc y tế, thiết bị cấp cứu;
– Có đầy đủ thiết bị, dụng cụ ứng cứu sự cố tại cơ sở, hệ thống phòng cháy, chữa cháy được lắp đặt tại vị trí thích hợp, được kiểm tra thường xuyên.
2.3. Về hệ thống xử lý chất thải:
– Hệ thống xử lý khí thải đạt: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 19:2009/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp đối với bụi và các chất vô cơ và QCVN 20:2009/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp đối với một số chất hữu cơ;
– Hệ thống xử lý nước thải đạt: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 07:2009/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng chất thải nguy hại và QCVN 40:2011/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp;
– Việc xử lý các chất thải rắn đảm bảo tuân thủ quy định tại Nghị định số 59/2007/NĐ-CP. Nơi thug om chất thải rắn phải được che chắn cẩn thận, có dụng cụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn.
3. Điều kiện về chất lượng sản phẩm:
– Trường hợp cơ sở sản xuất mới hoạt động phải xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 hoặc tương đương;
– Trường hợp cơ sở đã hoạt động từ 02 năm trở lên, phải có hệ thống quản lý chất lượng được công nhận phù hợp ISO 9001:2008 hoặc tương đương;
– Có quy trình sản xuất thuốc bảo vệ thực vật ghi rõ các thông tin: tên thương phẩm, mã số quy trình, mục đích, định mức sản xuất (nguyên liệu, phụ gia, định lượng, lượng thành phẩm dự kiến, giới hạn), địa điểm, thiết bị, các bước tiến hành, kiểm tra chất lượng, nhập kho, bảo quản, bao bì, nhãn, các điểm lưu ý;
– Có phòng thử nghiệm kiểm tra chất lượng sản phẩm đã được công nhận phù hợp ISO 17025:2005 hoặc tương đương để kiểm tra chất lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với mỗi lô sản phẩm xuất xưởng;
– Trường hợp không có phòng thử nghiệm quy định tại khoản 3 Điều này phải có hợp đồng với phòng thử nghiệm đã được công nhận ISO 17025:2005 hoặc tương đương để kiểm tra chất lượng đối với mỗi lô sản phẩm xuất xưởng;
– Trường hợp cơ sở đã hoạt động, phải có hồ sơ lưu kết quả kiểm tra chất lượng đối với mỗi lô sản phẩm xuất xưởng, công bố hợp quy và hợp chuẩn theo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật;
– Phải lưu mẫu kiểm tra chất lượng đối với mỗi lô sản phẩm xuất xưởng tối thiểu 03 tháng.
4. Điều kiện về nhân lực:
– Người trực tiếp quản lý, điều hành sản xuất phải có trình độ đại học trở lên thuộc chuyên ngành hóa học, bảo vệ thực vật, sinh học;
– Người trực tiếp quản lý, điều hành; người trực tiếp sản xuất; thủ kho phải được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về thuốc bảo vệ thực vật; kỹ thuật an toàn hóa chất.
Điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật
Điều kiện về địa điểm:
– Địa điểm cửa hàng buôn bán thuốc bảo vệ thực vật phải có địa chỉ rõ ràng, ổn định, thuộc sở hữu của chủ cơ sở hoặc có hợp đồng thuê địa điểm đặt cửa hàng hợp pháp tối thiểu là 01 năm;
– Có diện tích phù hợp với quy mô kinh doanh (tối thiểu 10m2); phải là nhà kiên cố, vị trí ở nơi cao ráo, thoáng gió;
– Không được bán thuốc bảo vệ thực vật chung với các loại hàng hóa là lương thực, thực phẩm, hàng giải khát, thức ăn chăn nuôi, thuốc y tế, thuốc thú y;
– Cửa hàng buôn bán thuốc bảo vệ thực vật không được nằm trong khu vực dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí, trường học, bệnh viện;
– Cửa hàng phải cách xa nguồn nước (sông, hồ, kênh, rạch, giếng nước) tối thiểu 20 mét (m); có nền cao ráo, chống thấm, không ngập nước; tường và mái phải xây dựng bằng vật liệu không bén lửa.
Lưu ý: Trường hợp cơ sở buôn bán không có cửa hàng phải có đăng ký doanh nghiệp; có địa điểm giao dịch cố định, hợp pháp, địa chỉ rõ ràng; có sổ ghi chép việc mua bán, xuất, nhập thuốc bảo vệ thực vật.
Điều kiện về trang thiết bị:
– Có tủ trưng bày, quầy, kệ hoặc giá đựng thuốc bảo vệ thực vật;
– Đảm bảo đủ độ sáng để nhận diện thuốc. Thiết bị chiếu sáng phải đảm bảo an toàn về phòng chống cháy nổ;
– Có nội quy và phương tiện phòng cháy và chữa cháy theo yêu cầu của cơ quan phòng cháy, chữa cháy để ở nơi thuận tiện, sẵn sàng sử dụng khi cần thiết;
– Có bảo hộ lao động bảo vệ cá nhân như găng tay, khẩu trang, nước sạch, xà phòng;
– Có vật liệu, dụng cụ để xử lý kịp thời sự cố theo yêu cầu của cơ quan quản lý về môi trường.
Điều kiện về nhân sự:
Chủ cơ sở buôn bán thuốc và người trực tiếp bán thuốc bảo vệ thực vật phải có trình độ trung cấp trở lên thuộc chuyên ngành bảo vệ thực vật, trồng trọt, sinh học, hóa học hoặc có giấy chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn về thuốc bảo vệ thực vật.
Tin liên quan
Điều kiện kinh doanh bán buôn, bán lẻ thuốc (11/12/2020)
Điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô (05/11/2020)
Xuất khẩu lao động: Điều kiện kinh doanh cần biết (04/11/2020)
Tin tức khác
Thành lập công ty tại Singapore (02/09/2020)
Tư Vấn Đầu Tư Nước Ngoài Vào Việt Nam (25/12/2019)
Tư vấn thay đổi địa điểm thực hiện dự án đầu tư (13/12/2019)
Tuân thủ và dịch vụ tuân thủ (07/12/2019)