Điều kiện thành lập và hoạt động của cơ sở giáo dục mầm non
05/11/2020 08:22Xã hội ngày càng phát triển, việc đầu tư cho giáo dục cũng ngày càng được chú ý, coi trọng hơn. Ngày nay, bên cạnh các cơ sở giáo dục công lập, các cơ sở giáo dục có vốn tư nhân xuất hiện ngày càng nhiều, được cải thiện về cả số lượng và chất lượng. Hoạt động của các cơ sở giáo dục cũng là một trong số các hình thức đầu tư kinh doanh, mang lại lợi nhuận và thu hút khá nhiều nhà đầu tư. Do tính chất đặc thù và tương đối nhạy cảm, hoạt động của các cơ sở giáo dục được xếp vào ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
Cơ sở giáo dục bao gồm rất nhiều hình thức, ví dụ như cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt,… Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp cho Quý Độc giả một số thông tin về điều kiện kinh doanh, hoạt động của cơ sở giáo dục mầm non – một trong số các hình thức hoạt động của cơ sở giáo dục được đầu tư nhiều nhất hiện nay.

Nội dung bài viết
1. Cơ sở giáo dục mầm non
Cơ sở giáo dục mầm non bao gồm:
– Nhà trẻ, nhóm trẻ nhận trẻ em từ ba tháng tuổi đến ba tuổi;
– Trường, lớp mẫu giáo nhận trẻ em từ ba tuổi đến sáu tuối;
– Trường mầm non (là cơ sở giáo dục kết hợp nhà trẻ bà mẫu giáo, nhận trẻ em từ ba tháng tuổi đến sáu tuổi).
Các loại hình trên được phân loại dựa trên quy mô, đối tượng trẻ tiếp nhận. Do có sự khác biệt này nên tùy từng loại hình mà điều kiện thành lập, hoạt động sẽ được quy định khác nhau.
2. Điều kiện thành lập và hoạt động của cơ sở giáo dục mầm non là nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập
Điều kiện thành lập và hoạt động của nhóm trẻ và lớp mẫu giáo độc lập được quy định trong: Luật Giáo dục năm 2005; Luật Giáo dục sửa đổi năm 2009; Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014; Nghị định số 46/2017/NĐ-CP, Nghị định 135/2018/NĐ-CP và một số văn bản có liên quan khác.
2.1. Điều kiện thành lập:
(i) Điều kiện chung
– Có giáo viên đạt trình độ chuẩn theo quy định;
– Có phòng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em an toàn; diện tích phòng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em bảo đảm ít nhất 1,5 m2 cho một trẻ em; có chỗ chơi, có hàng rào và cổng bảo vệ an toàn cho trẻ em;
– Những nơi có tổ chức ăn cho trẻ em phải có bếp riêng, an toàn; bảo đảm phòng chống cháy nổ và vệ sinh an toàn thực phẩm. Có đủ nước sạch dùng cho sinh hoạt và đủ nước uống hàng ngày cho trẻ em;
(ii) Điều kiện riêng đối với một nhóm trẻ độc lập:
– Nhóm trẻ độc lập cần có một số trang thiết bị tối thiểu, bao gồm: Chiếu hoặc thảm ngồi chơi, giường nằm, chăn, gối, màn để ngủ, dụng cụ đựng nước uống, đồ dùng, đồ chơi và giá để, giá để khăn và ca, cốc, có đủ bô đi vệ sinh và tài liệu phục vụ hoạt động chơi và chơi – tập có chủ đích.
– Về tài liệu giảng dạy: tài liệu cho người nuôi dạy trẻ em, gồm: Bộ tài liệu hướng dẫn thực hiện hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ em; sổ theo dõi trẻ; sổ theo dõi tài sản của nhóm trẻ; tài liệu dùng để phổ biến kiến thức nuôi dạy con cho cha mẹ.
(iii) Điều kiện riêng đối với một lớp mẫu giáo độc lập:
– Lớp mẫu giáo độc lập cần có một số trang thiết bị tối thiểu, bao gồm: Bàn, ghế đúng quy cách cho trẻ em ngồi (đặc biệt đối với trẻ em 05 tuổi): một bàn và hai ghế cho hai trẻ em; một bàn, một ghế và một bảng cho giáo viên; đồ dùng, đồ chơi và giá để; bình đựng nước uống, nước sinh hoạt; tài liệu cho hoạt động chơi và học có chủ đích.
– Đối với lớp bán trú: có chiếu hoặc giường nằm, chăn, gối, màn, quạt.
– Tài liệu giảng dạy: Tài liệu cho giáo viên mẫu giáo gồm: Bộ tài liệu hướng dẫn thực hiện hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ em; sổ theo dõi trẻ em; sổ ghi chép tổ chức các hoạt động giáo dục của trẻ em trong ngày; tài liệu dùng để phổ biến kiến thức nuôi dạy con cho cha mẹ.
(iv) Lưu ý:
Ở những nơi mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non chưa đáp ứng đủ nhu cầu đưa trẻ tới trường, lớp, các cá nhân có thể tổ chức nhóm trẻ nhằm đáp ứng nhu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em và phải đăng ký hoạt động với UBND cấp xa và đảm bảo các điều kiện sau:
– Số lượng trẻ em trong nhóm tối đa là 07 trẻ em;
– Người chăm sóc trẻ: có đỉ sức khỏe, đủ năng lực chịu trách nhiệm dân sự và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định;
– Về cơ sở vật chất:
+ Có phòng nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em có diện tích tối thiểu là 15 m2; bảo đảm an toàn, thoáng, mát; có đồ chơi an toàn, phù hợp lứa tuổi của trẻ em;
+ Có đủ đồ dùng và các thiết bị phục vụ nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em;
+ Có đủ nước uống và nước sinh hoạt cho trẻ em hằng ngày; có phòng vệ sinh và thiết bị vệ sinh phù hợp với trẻ em; có tài liệu hướng dẫn thực hiện chăm sóc, giáo dục trẻ em.
3. Điều kiện thành lập, cho phép thành lập và điều kiện hoạt động của cơ sở giáo dục mầm non là trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ
3.1. Điều kiện thành lập:
– Về thẩm quyền thành lập: Chủ tịch UBND huyện quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập.
– Có đề án thành lập phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
– Đề án thành lập xác định rõ các nội dung về: mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung giáo dục; đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm của trường; tổ chức bộ máy, nguồn lực và tài chính; kế hoạch phát triển.
3.2. Điều kiện hoạt động của trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ
Sau khi có quyết định thành lập hoặc quyết định cho phép thành lập của Chủ tịch UBND cấp huyện, trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ cần đáp ứng các điều kiện để được cấp phép hoạt động hợp pháp.
Trước khi được cấp phép, bên cạnh việc xem xét hồ sơ nhà đầu tư đã nộp, các chuyên viên tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành kiểm tra, thẩm định cơ sở giáo dục mầm non trên thực tế để xác nhận các điều kiện đã được đảm bảo.
Điều kiện về cơ sở hạ tầng:
– Trường mầm non, trường mầm non, nhà trẻ được đặt tại khi dân cư đảm bảo các quy định về an toàn và vệ sinh môi trường.
– Diện tích khu đất xây dựng bao gồm: diện tích xây dựng, diện tích sân chơi, diện tích cây xanh, đường đi.
Diện tích khu đất xây dựng (đối với nơi khó khan về đất đai, có thể thay thế diện tích xây dựng bằng diện tích sàn xây dựng): tối thiểu 12m2 cho một trẻ em đối với khu vực đồng bằng, trung du (trừ thành phố thị xã); 8m2 cho một trẻ em đối với khu vực thành phố, thị xã, núi cao và hải đảo.
– Khuôn viên phải có tường ngăn cách với bên ngoài.
Về cơ cấu khối công trình:
Cơ cấu khối công trình bao gồm:
– Khối phòng nhóm trẻ, lớp mẫu giáo: có phòng ngủ phòng vệ sinh, phòng sinh hoạt chung, hiên chơi đảm bảo theo đúng quy chuẩn;
– Khối phòng phục vụ học tập: có phòng giáo dục thể chất, phòng giáo dục nghệ thuật hoặc phòng đa chức năng;
– Khối phòng tổ chức ăn: có khu vực nhà bếp và kho;
– Khối phòng hành chính quản trị: có văn phòng trường, phòng hiệu trưởng, phòng phó hiệu trưởng, phòng hành chính quản trị, phòng y tế, phòng bảo vệ, phòng dành cho nhân viên, khu vệ sinh, khu để xe.
– Sân chơi: có sân chơi của nhóm, lớp; sân chơi chung.
Về cơ sở vật chất:
Có thiết bị, đồ chơi, đồ dùng, tài liệu chăm sóc, giáo dục trẻ em theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Về nhân sự:
Có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu và đạt tiêu chuẩn đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục mần non và tổ chức hoạt động giáo dục.
Về tài chính và quy chế hoạt động:
– Có đủ nguồn lực tài chính để đảm bảo duy trì và phát triển hoạt động giáo dục (khi nộp hồ sơ xin cấp phép hoạt động, nhà đầu tư sẽ phải nộp các văn bản pháp lý xác nhận về số tiền hiện có cho hoạt động của cơ sở giáo dục như sao kê tài khoản ngân hàng).
– Có quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế chi tiêu nội bộ.
Tin liên quan
Điều kiện kinh doanh bán buôn, bán lẻ thuốc (11/12/2020)
Điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô (05/11/2020)
Xuất khẩu lao động: Điều kiện kinh doanh cần biết (04/11/2020)
Tin tức khác
Thành lập công ty tại Singapore (02/09/2020)
Tư Vấn Đầu Tư Nước Ngoài Vào Việt Nam (25/12/2019)
Tư vấn thay đổi địa điểm thực hiện dự án đầu tư (13/12/2019)
Tuân thủ và dịch vụ tuân thủ (07/12/2019)