Giấy phép đăng ký kinh doanh và những điều cần biết
11/12/2020 08:13Giấy phép đăng ký kinh doanh, về mặt nội dung, là tài liệu xác nhận chính thức từ cơ quan Nhà nước cho phép doanh nghiệp được tham gia thị trường và/ hoặc thực hiện các hoạt động kinh doanh theo nội dung đã đăng ký.
Giấy phép đăng ký kinh doanh là gì?
Tên gọi “Giấy phép đăng ký kinh doanh” có thể gây nhầm lẫn cho nhiều người. Chúng tôi xin lý giải điều này như sau:
Thứ nhất: Giấy phép đăng ký kinh doanh được hiểu là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hay Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
[Tìm hiểu thêm về Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tại đây]
Theo cách hiểu này, thì “Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là văn bản hoặc bản điện tử mà Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp cho doanh nghiệp ghi lại những thông tin về đăng ký doanh nghiệp” (K12, Đ4, Luật Doanh nghiệp 2014). Nói cách khác, nó chính là Giấy khai sinh của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp bắt buộc phải có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới có thể hoạt động. Nếu doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì phải chấm dứt mọi hoạt động. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là sự xác nhận bằng văn bản của cơ quan Nhà nước để một tổ chức kinh tế được gia nhập vào thị trường.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, nếu có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì doanh nghiệp mới có khả năng hoạt động trong những ngành nghề, lĩnh vực không đòi hỏi có giấy phép con.
Thứ hai: Giấy phép ĐKKKD được hiểu là một loại giấy phép con, được cấp cho doanh nghiệp để kinh doanh một số lĩnh vực, ngành nghề kinh có có điều kiện.
Tên gọi của “Giấy phép đăng ký kinh doanh” theo cách hiểu này có thể có những biến thể khác nhau, như Giấy chứng nhận hay giấy phép kinh doanh.
Trong trường hợp này, bản chất của Giấy phép kinh doanh là sự xác nhận bằng văn bản của cơ quan Nhà nước rằng, doanh nghiệp đã thỏa mãn những điều kiện nhất định mà pháp luật yêu cầu, và được quyền tiến hành các hoạt động kinh doanh sau khi được cấp phép.
Một số loại giấy phép kinh doanh điển hình như:
Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm
Giấy phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Giấy chứng nhận lập cơ sở bán lẻ
Giấy phép kinh doanh (cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và hoạt động có liên quan)
Giấy phép vận chuyển chất thải nguy hại
Giấy phép thu gom vận chuyển chất thải nguy hại
Không có giấy phép đăng ký kinh doanh thì bị xử lý như thế nào?
Nếu theo cách hiểu Giấy phép ĐKKD là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, thì doanh nghiệp bắt buộc phải có giấy phép kinh doanh thì mới có thể tiến hành các hoạt động kinh doanh. Trong trường hợp không có giấy phép đăng ký kinh doanh, thì tùy mức độ vi phạm, tính chất vi phạm và thiệt hại xảy ra mà chịu các chế tài xử lý khác nhau.
Theo quy định tại Điều 28, Nghị định 50/2016/NĐ-CP thì hành vi hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký thành lập doanh nghiệp, có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Nếu hiểu theo nghĩa, giấy phép ĐKKD là Giấy phép kinh doanh, thì chế tài xử phạt, mức độ xử phạt được quy định ở nhiều văn bản chuyên ngành khác nhau, phụ thuộc vào hành vi vi phạm và lĩnh vực vi phạm cụ thể.
Ví dụ: Điều 28, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định “Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 14.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- a) Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mà không có Giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định”.
Ở một ví dụ khác, Điều 18 của Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm quy định “Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh dịch vụ ăn uống mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, trừ trường hợp không thuộc diện phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật và vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.
Thủ tục xin cấp Giấy phép đăng ký kinh doanh
Mời bạn tham khảo các bài viết hướng dẫn của chúng tôi về vấn đề này trong các bài viết dưới đây:
- Hướng dẫn Thủ Tục Đăng Ký Kinh Doanh
- Phòng đăng ký kinh doanh Hà Nội
- Đăng ký thêm ngành nghề kinh doanh
Tin liên quan
Thành lập Chi nhánh và Văn phòng đại diện (06/04/2021)
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (11/12/2020)
Thay đổi đăng ký kinh doanh và những điều nên biết (24/11/2020)
Phòng đăng ký kinh doanh Hà Nội (14/11/2020)
Tin tức khác
Thành lập công ty tại Singapore (02/09/2020)
Tư Vấn Đầu Tư Nước Ngoài Vào Việt Nam (25/12/2019)
Tư vấn thay đổi địa điểm thực hiện dự án đầu tư (13/12/2019)
Tuân thủ và dịch vụ tuân thủ (07/12/2019)