Đầu tư nước ngoài tại Việt nam được thực hiện qua những hình thức nào?
23/11/2019 19:45Để thu hút đầu tư nước ngoài, Luật Đầu tư đưa ra một số hình thức đầu tư để nhà đầu tư lựa chọn. Các hình thức này làm tăng tính đa dạng và khả năng, cơ hội cho Nhà đầu tư nước ngoài khi gia nhập thị trường Việt Nam.
Hai nhóm hình thức đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
Một cách khái quát, thì có hai nhóm hình thức đầu tư chính mà nhà đầu tư nước ngoài có thể xem xét lựa chọn là hình thức đầu tư trực tiếp và hình thức đầu tư gián tiếp. Trong đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam là việc nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn đầu tư và tham gia quản lý hoạt động đầu tư tại Việt Nam; đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam là việc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thông qua việc mua, bán chứng khoán, các giấy tờ có giá khác, góp vốn, mua cổ phần và thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác theo quy định của pháp luật mà không trực tiếp tham gia quản lý hoạt động đầu tư.
Một cách tóm lược, thì đầu tư trực tiếp là hình thức đầu tư để thành lập, vận hành doanh nghiệp tại Việt Nam mà trong đó, nhà đầu tư sẽ trực tiếp tham gia vận hành, quản lý doanh nghiệp mà mình đầu tư. Còn đầu tư gián tiếp, nhà đầu tư nước ngoài sẽ không tham gia vào vận hành, quản lý doanh nghiệp mà mình đầu tư vốn.
Các hình thức đầu tư nước ngoài tại Việt nam cụ thể
Theo quy định tại Luật đầu tư, thì nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có thể lựa chọn các hình thức đầu tư cụ thể như sau:
Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế: theo hình thức này, một cá nhân hoặc một số cá nhân, hoặc pháp nhân nước ngoài đầu tư vốn vào Việt nam, xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư, thành lập doanh nghiệp và vận hành, quản lý doanh nghiệp đó. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thể thành lập dưới hình thức Công ty TNHH Một thành viên, Công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc Công ty cổ phần.
Nhà đầu tư nước ngoài tại Việt nam không được thành lập doanh nghiệp tư nhân hay đăng ký kinh doanh dưới hình thức kinh doanh cá thể.
Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế: theo hình thức này, nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cần tìm kiếm một doanh nghiệp đã có sẵn, tức là đã thành lập và hoạt động tại Việt Nam để mua phần vốn góp/ cổ phần. Doanh nghiệp mà nhà đầu tư muốn mua có thể là doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Doanh nghiệp mà nhà đầu tư nước ngoài muốn mua có thể là doanh nghiệp chưa niêm yết hoặc doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán.
Thủ tục mua phần vốn góp/ cổ phần trong doanh nghiệp chưa niêm yết và doanh nghiệp đã niêm yết là hoàn toàn khác nhau. Nếu Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn cụ thể, có thể liên hệ với Luật sư của Công ty Luật TNHH Inteco để được cung cấp thông tin cụ thể và chính xác về trình tự, điều kiện, thủ tục. Hình thức đầu tư gián tiếp chính là cơ sở pháp lý để thực hiện các hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A) phổ biến ở Việt nam hiện nay.
Đầu tư theo hình thức hợp đồng PPP: đầu tư theo hình thức đối tác công tư (sau đây gọi tắt là PPP) là hình thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng dự án giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng, cải tạo, vận hành, kinh doanh, quản lý công trình hạ tầng, cung cấp dịch vụ công. Hợp đồng giữa nhà đầu tư nước ngoài và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có thể thực hiện dưới hình thức hợp đồng BOT, hợp đồng BTO, hợp đồng BT, Hợp đồng BOO, Hợp đồng BLT, Hợp đồng O&M. Xét về phân loại, thì đầu tư theo hình thức hợp đồng PPP nên được xếp vào nhóm hình thức đầu tư trực tiếp, bởi sau khi ký kết hợp đồng dự án, nhà đầu tư vẫn phải thành lập doanh nghiệp để quản lý dự án.
Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC: là hình thức liên doanh giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước mà không thành lập pháp nhân mới. Mọi hoạt động góp vốn, phân chia lợi nhuận, phân công quản trị và vận hành đều được các bên thoả thuận trong hợp đồng BCC. Bên Việt Nam sẽ sử dụng tư cách pháp nhân của mình để nhân danh cả hai bên trong hợp đồng BCC để tiến hành các hoạt động kinh doanh.
Hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt nam được kỳ vọng không chỉ là kênh thu hút vốn nước ngoài mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam trưởng thành, phát triển hơn. Tuy nhiên, việc các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam tiến hành các hoạt động của mình cũng có khả năng tạo những ảnh hưởng nhất định đến an ninh kinh tế nên bị giám sát và quản lý chặt chẽ hơn. Bạn có thể tham khảo thêm về các điều kiện đầu tư áp dụng đối với các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt nam trong website này.
Tin liên quan
Dịch vụ tư vấn pháp luật (07/01/2021)
Soạn thảo hợp đồng kinh doanh thương mại (03/11/2020)
Tìm hiểu về Pháp chế doanh nghiệp (18/04/2020)
Công ty luật phù hợp với doanh nghiệp Việt Nam (17/04/2020)
Dịch vụ Tư vấn luật (16/04/2020)
Tin tức khác
Thành lập công ty tại Singapore (02/09/2020)
Tư Vấn Đầu Tư Nước Ngoài Vào Việt Nam (25/12/2019)
Tư vấn thay đổi địa điểm thực hiện dự án đầu tư (13/12/2019)
Tuân thủ và dịch vụ tuân thủ (07/12/2019)
Hướng dẫn Thủ Tục Đăng Ký Kinh Doanh (07/12/2019)