Những sai lầm thường mắc phải khi soạn thảo hợp đồng kinh tế
04/10/2019 09:42Hợp đồng kinh tế là tên gọi cũ của các loại hợp đồng trong lĩnh vực kinh doanh thương mại. Tuy nhiên, điều này không còn đúng hiện nay.
Nội dung bài viết
- 1 Những sai lầm thường mắc phải khi soạn thảo hợp đồng kinh tế
- 2 Sai lầm thứ nhất: Sai ngay từ cái tên hợp đồng kinh tế
- 3 Sai lầm thứ hai: Hợp đồng kinh tế dẫn căn cứ pháp lý hết hiệu lực hoặc không có ý nghĩa
- 4 Sai lầm thứ ba: Hợp đồng kinh tế bị nhầm lẫn hoặc sai thông tin về thẩm quyền của chủ thể ký kết
- 5 Sai lầm thứ tư: Sử dụng sai mẫu hợp đồng kinh tế
- 6 Sai lầm thứ năm: Hợp đồng không có đủ những điều khoản cần thiết
Những sai lầm thường mắc phải khi soạn thảo hợp đồng kinh tế
Chắc bạn và tôi đều thống nhất rằng, hợp đồng có thể coi là một văn bản luật riêng trong giao dịch giữa hai bên trong một quan hệ cụ thể nào đó (quan hệ mua bán, quan hệ hợp tác kinh doanh …), thế nên, soạn thảo Hợp đồng là một việc rất quan trọng và có ý nghĩa, đặc biệt là trong giao dịch kinh doanh thương mại. Thế nhưng, thực tế thì vẫn còn tồn tại rất nhiều sai lầm mắc phải trong quá trình soạn thảo hợp đồng.
Sai lầm thứ nhất: Sai ngay từ cái tên hợp đồng kinh tế
Trong bài viết này, chúng tôi cố tình giữ lại cái tên hợp đồng kinh tế, nhưng với một ý nghĩa khác, đó là chỉ loại hợp đồng trong lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, khi tham gia vào một giao dịch cụ thể, bạn đừng để tên chung chung là hợp đồng kinh tế nhé. Lý do đơn giản thôi, hợp đồng kinh tế là tên gọi hợp đồng trong lĩnh vực kinh tế được sử dụng từ năm 1989, theo Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế số 24-LCT/HĐNN8.
Pháp lệnh kinh tế hết hiệu lực kể từ ngày 01/01/200, kể từ ngày Bộ Luật dân sự 2005 có hiệu lực. Thế nên, bạn đừng sử dụng tên gọi Hợp đồng kinh tế nữa nhé. Tên gọi này đã lạc hậu rồi.
Không có văn bản này quy định phải ghi tên Hợp đồng như thế nào. Tôi nói, ghi tên Hợp đồng kinh tế là lạc hậu, nhưng không dám nói là sai luật đâu nhé. Thế nên, bạn ghi thế nào là quyền của bạn, nhưng đối tác sẽ là người đánh giá doanh nghiệp của bạn, sếp bạn sẽ đánh giá bạn về cái tên hợp đồng, rồi sẽ có những suy nghĩ không thực sự tốt trong quá trình đọc hợp đồng. Để hợp lý hơn, bạn nên thay tên gọi Hợp đồng kinh tế bằng chính tên của giao dịch chính trong hợp đồng.
Ví dụ: Hợp đồng gia công, hợp đồng mua bán hàng hóa, hợp đồng thuê nhà, hợp đồng hợp tác kinh doanh …..
Sai lầm thứ hai: Hợp đồng kinh tế dẫn căn cứ pháp lý hết hiệu lực hoặc không có ý nghĩa
Cũng như cái tên Hợp đồng, thì phần căn cứ hay cơ sở pháp lý không phải là nội dung bắt buộc nên bạn có thể đưa vào hoặc để trống. Tuy nhiên, nếu bạn đưa vào thì những văn bản đưa vào phần căn cứ trên đầu hợp đồng sẽ là văn bản điều chỉnh nội dung hợp đồng hoặc sử dụng để giải thích nội dung hợp đồng.
Trong một số trường hợp có quy định khác nhau giữa các văn bản luật, thì bạn có quyền giải thích rằng, quy định tại văn bản nêu trong phần căn cứ sẽ là quy định áp dụng.
Tuy nhiên, tôi đã đọc rất nhiều hợp đồng và thấy rằng, phần căn cứ này rất hay có các văn bản pháp luật hết hiệu lực hoặc văn bản chẳng liên quan gì tới hợp đồng đó cả.
Việc viện dẫn các văn bản hết hiệu lực không làm hợp đồng bạn soạn bị vô hiệu, nhưng sẽ làm cho phần căn cứ đó không còn tác dụng, và buộc phải áp dụng các văn bản luật chung để giải thích. Đôi khi, nó sẽ làm cho hợp đồng của bạn mất đi giá trị hoặc kế hoạch của bạn khi soạn thảo bị vô hiệu hóa.
Sai lầm thứ ba: Hợp đồng kinh tế bị nhầm lẫn hoặc sai thông tin về thẩm quyền của chủ thể ký kết
Thông tin về chủ thể ký kết được quy định trong phần đầu của hợp đồng. Tuy nhiên, nhiều trường hợp, thông tin vẫn bị sai, đặc biệt là thông tin về người đại diện của chủ thể đó. Hợp đồng có người ký là Phó Giám đốc nhưng không có giấy ủy quyền. Thậm chí, Giám đốc ký nhưng Giám đốc không phải là người đại diện theo pháp luật ….. tất cả điều đó, có khả năng làm cho Hợp đồng bị vô hiệu.
Một khía cạnh về thẩm quyền, đó là chủ thể ký kết hợp đồng có được tham gia giao dịch hay không. Ví dụ: Doanh nghiệp A ký hợp đồng cho Doanh nghiệp B thuê nhà xưởng, nhưng căn cứ hồ sơ pháp lý, thì Doanh nghiệp A không có quyền cho thuê, và nhà xưởng của A cũng chỉ là đi thuê lại từ bên khác …..
Sai lầm thứ tư: Sử dụng sai mẫu hợp đồng kinh tế
Chúng tôi không phản đối việc bạn sử dụng mẫu hợp đồng, nhưng mẫu hợp đồng chỉ có thể đúng cho cùng giao dịch và hoàn cảnh.
Ví dụ: Hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Anh A và Anh B để góp vốn mở nhà hàng tại Hà Nội thì có thể làm mẫu cho Chị C và Chị D để cung hợp tác kinh doanh mở nhà hàng khác tại Hà Nội. Hợp đồng sẽ khác nếu không phải là cá nhân mà là doanh nghiệp C và Doanh nghiệp D, bởi đơn giản, nếu là pháp nhân thì cơ chế hạch toán thu chi và đại diện tư cách pháp nhân sẽ khác, nguồn vốn sẽ khác….
Nhiều trường hợp nhầm lẫn mẫu giữa hợp đồng lao động của một nhân viên kế toán với nhân viên thiết kế phần mềm, hay nhầm lẫn giữa mẫu hợp đồng lao động của một doanh nghiệp sản xuất với một doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa……
Sử dụng mẫu hợp đồng sẽ dẫn tới sai về nội dung, sai về điều khoản, sai về quy định pháp luật áp dụng và đặc biệt là sai về thực tế trong lĩnh vực giao dịch đó. Hậu quả phổ biến nhất là không có khả năng áp dụng quy định của hợp đồng trên thực tế.
Sai lầm thứ năm: Hợp đồng không có đủ những điều khoản cần thiết
Với mỗi loại hợp đồng thì phải có những điều khoản bắt buộc theo quy định của pháp luật, và những điều khoản do hai bên thêm vào để phù hợp với hoàn cảnh riêng của hai bên. Sai lầm cơ bản hay mắc phải là người soạn thảo hợp đồng chỉ chăm chăm và các điều khoản bắt buộc do luật quy định nhưng quên đi điều khoản tạo bởi hoàn cảnh riêng của hai bên ký kết.
Ví dụ: Điều khoản về giá cả là bắt buộc trong hợp đồng mua bán hàng hóa, nhưng giá thanh toán một lần và giá thanh toán theo hình thức trả chậm lại khác nhau và do hai bên thỏa thuận với nhau, nên kế toán thì vẫn theo ba rem xử lý nghiệp vụ để chiết khấu, nhưng trong hợp đồng không hề có quy định về chiết khấu đó …..
Thậm chí, một số điều khoản bắt buộc theo quy định của luật cũng không đầy đủ trong hợp đồng. Chẳng hạn: Điều khoản về bảo hiểm xã hội trong hợp đồng lao động.
Còn rất nhiều vấn đề khác mà chúng tôi muốn đề cập và sẽ quay lại trong những bài viết sau. Mong bạn theo dõi website này thường xuyên để bổ cập thông tin mới.
Tin liên quan
Mẫu hợp đồng nguyên tắc và những điều nên lưu ý (05/04/2021)
Hợp đồng nguyên tắc và mẫu hợp đồng nguyên tắc (04/04/2021)
Soạn thảo hợp đồng kinh doanh thương mại (03/11/2020)
Kỹ năng soạn thảo hợp đồng thương mại (29/05/2020)
Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động (18/03/2020)
Tin tức khác
Thành lập công ty tại Singapore (02/09/2020)
Tư Vấn Đầu Tư Nước Ngoài Vào Việt Nam (25/12/2019)
Tư vấn thay đổi địa điểm thực hiện dự án đầu tư (13/12/2019)
Tuân thủ và dịch vụ tuân thủ (07/12/2019)