Hợp đồng thi công xây dựng
04/10/2019 19:49Tìm hiểu về hợp đồng thi công xây dựng
Theo diễn giải tại Nghị định 37/2015/NĐ-CP thì Hợp đồng thi công xây dựng công trình (viết tắt là hợp đồng thi công xây dựng) là hợp đồng để thực hiện việc thi công xây dựng công trình, hạng mục công trình hoặc phần việc xây dựng theo thiết kế xây dựng công trình; hợp đồng tổng thầu thi công xây dựng công trình là hợp đồng thi công xây dựng để thực hiện tất cả các công trình của một dự án đầu tư.
Tìm hiểu thêm: Mẫu hợp đồng thi công xây dựng
Phạm vi của hợp đồng thi công xây dựng đến đâu?
Mặc dù không có quy định trực tiếp của pháp luật, nhưng qua phần giải thích nêu trên đây thì chúng ta có thể thấy rằng, Hợp đồng thi công xây dựng có thể áp dụng đối với một phần công trình, toàn bộ công trình hoặc tất cả các công trình của một dự án đầu tư. Việc thi công xây dựng được thực hiện theo thiết kế sẵn có do chủ đầu tư cung cấp. Trong trường hợp nhà thầu kiêm việc thiết kế và phần xây dựng thì hợp đồng sẽ được chuyển thành hợp đồng thiết kế thi công, với phạm vi mở rộng hơn khá nhiều.
Trên thực tế, chúng tôi vẫn gặp nhiều nhầm lẫn về phạm vi hợp đồng, cụ thể là trong tiêu đề thì chỉ ghi là hợp đồng thi công xây dựng nhưng nội dung lại có cả thiết kế. Nhầm lẫn này thường gặp đối với các dự án nhỏ, và xảy ra tại các doanh nghiệp xây dựng mới, quy mô nhỏ, cung cấp dịch vụ cho các công trình dân dụng, nhà dân là chủ yếu.
Những nội dung nào cần phải có trong hợp đồng thi công xây dựng?
Đối với những công trình xây dựng nhỏ, đơn giản thì các bên có thể sử dụng mẫu hợp đồng thi công xây dựng dưới đây, nhưng đối với những dự án lớn, phức tạp và kéo dài thì các bên nên có sự tùy biến hợp đồng để đảm bảo tính chặt chẽ, chính xác và sát thực tế hơn.
Dù là hợp đồng mẫu hay hợp đồng tự soạn, thì các bạn cần lưu ý một số vấn đề như sau trong hợp đồng thi công xây dựng công trình:
Thứ nhất: Về mặt bằng xây dựng
Bạn không thể xây dựng nếu không có mặt bằng hoặc mặt bằng không đảm bảo đủ điều kiện để thi công. Việc bàn giao mặt bằng chậm cũng có thể dẫn đến việc thi công chậm hoặc không đảm bảo chất lượng. Do đó, trong hợp đồng nên quy định chặt chẽ, với các kịch bản và dự trù khác nhau về mặt bằng, về bàn giao và tiếp nhận, quản lý mặt bằng xây dựng, tiếp nhận và bảo quản tim, cốt, mốc giới công trình.
Thứ hai: Về thiết bị và vật liệu
Một số công trình, nhà thầu sẽ chủ động cung cấp thiết bị và cung cấp cả vật liệu xây dựng. Như vậy, nhà thầu sẽ chính là người bán vật liệu xây dựng cho chủ đầu tư. Khả năng này chỉ xảy ra đối với dự án công trình nhỏ, đơn lẻ, còn đối với công trình lớn thì chủ đầu tư sẽ lựa chọn nhà thầu cung cấp vật liệu riêng. Trong hợp đồng nên quy định cụ thể và rõ ràng điều này, bởi nó còn liên quan đến chất lượng, bảo hành, an toàn của công trình.
Bên cạnh đó, hợp đồng cần quy định chi tiết về nghĩa vụ liên quan đến máy móc, thiết bị và nhân công bởi đây là những yếu tố không chỉ ảnh hưởng đến giá của hợp đồng thi công xây dựng mà còn ảnh hưởng đến an toàn, rủi ro và các vấn đề khác. Đã có nhiều bài học tranh chấp xảy ra do quy định không rõ ràng. Ví dụ: công nhân bị tai nạn chết trong công trường, nhà thầu đổ lỗi cho Chủ đầu tư, nhưng chủ đầu tư lại đổ lỗi cho nhà thầu.
Thứ ba: Về nghĩa vụ thi công theo đúng hồ sơ thiết kế được phê duyệt và quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng mà Nhà nước ban hành.
Tranh chấp liên quan đến việc tuân thủ thiết kế xảy ra khá phổ biến, bởi không phải mọi công trình đều giữ nguyên thiết kế từ khi khởi công cho đến khi hoàn công, mà thường có sự điều chỉnh giữa chừng. Do đó, trong hợp đồng nên lưu ý đến khả năng điều chỉnh thiết kế và nghĩa vụ của mỗi bên khi điều chỉnh thiết kế.
Thứ tư: Quy định nghĩa vụ cụ thể của Chủ đầu tư, nhà thầu và bên thứ ba thực hiện trắc đạc, quan trắc công trình theo yêu cầu thiết kế. Thực hiện thí nghiệm, kiểm, tra chạy thử đơn động và chạy thử liên động theo kế hoạch trước khi đề nghị nghiệm thu. Thông thường, việc này sẽ được thực hiện bởi bên thứ ba hoặc cần có sự phối hợp của hai bên, ba bên nên cần có quy định cụ thể và chặt chẽ về quy trình, thời gian, kết quả, không chấp nhận kết quả, thực hiện lại ……
Thứ năm: Quy định về việc kiểm soát chất lượng công việc xây dựng và lắp đặt thiết bị; giám sát thi công xây dựng công trình đối với công việc xây dựng do nhà thầu phụ thực hiện trong trường hợp là nhà thầu chính hoặc tổng thầu.
Trong lĩnh vực xây dựng thì việc sử dụng nhà thầu phụ là phổ biến, nên việc kiểm soát chất lượng và rủi ro trong quá trình nhà thầu phụ thực hiện công việc là quan trọng nhằm đảm bảo việc thi công đảm bảo đúng kế hoạch, chất lượng và an toàn.
Thứ sáu: Các vấn đề khác như:
Xử lý, khắc phục các sai sót, khiếm khuyết về chất lượng trong quá trình thi công xây dựng (nếu có).
Thí nghiệm kiểm tra chất lượng vật liệu xây dựng, cấu kiện xây dựng.
Thực hiện nghiệm thu công việc chuyển bước thi công, nghiệm thu giai đoạn thi công xây dựng hoặc bộ phận công trình xây dựng, nghiệm thu hoàn thành hạng Mục công trình, công trình xây dựng.
Thực hiện các công tác bảo đảm an toàn, bảo vệ và vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ;
Bảo vệ công trường, mặt bằng thi công trong phạm vi hợp đồng thi công;
Thực hiện các công tác bảo đảm an ninh trật tự cho khu vực công trường;
Hợp tác với các nhà thầu khác trên công trường (nếu có);
Thu dọn công trường và bàn giao sản phẩm xây dựng sau khi hoàn thành.
Các công việc khác trong quá trình thực hiện hợp đồng theo thỏa thuận của hợp đồng, các tài liệu kèm theo hợp đồng và quy định của pháp luật.
Tin liên quan
Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động (18/03/2020)
Kỹ năng soạn thảo hợp đồng (02/12/2019)
Chủ thể thương lượng tập thể (14/10/2019)
Tin tức khác
Thành lập công ty tại Singapore (02/09/2020)
Tư Vấn Đầu Tư Nước Ngoài Vào Việt Nam (25/12/2019)
Tư vấn thay đổi địa điểm thực hiện dự án đầu tư (13/12/2019)
Tuân thủ và dịch vụ tuân thủ (07/12/2019)