Hợp đồng thương mại và kinh nghiệm soạn thảo
05/05/2021 00:49Hợp đồng thương mại là một văn bản thỏa thuận giữa các bên có mục đích kinh doanh. Tuy nhiên, không có quy định pháp luật cụ thể nào quy định về loại hợp đồng này, mặc dù chúng ta thường trao đổi về nó khá nhiều trên thực tế. Cần hiểu rằng, đây là một tên gọi chung của nhóm hợp đồng mà các bên tham gia có mục đích thương mại.
Nếu lấy định nghĩa chung về hợp đồng “là sự thỏa thuận giữa các bên nhằm xác lập, thay đổi, chấm dứt các quyền và nghĩa vụ”, thì có thể định nghĩa HĐ thương mại “là sự thỏa thuận giữa các thương nhân nhằm xác lập, thay đổi, chấm dứt các quyền và nghĩa vụ”.
Nội dung bài viết
Chủ thể của hợp đồng thương mại
Chủ thể của HĐ thương mại chủ yếu là các thương nhân, tức là các “tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh”.
Theo đó, phần lớn các chủ thể tham gia ký kết và thực hiện HĐ thương mại là tổ chức kinh doanh được thành lập hợp pháp, hoặc là cá nhân hoạt động thương mại có đăng ký kinh doanh, mà trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp (doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài); hoặc cá nhân có đăng ký kinh doanh (cá thể kinh doanh).
Tuy nhiên, không phải mọi chủ thể của HĐ thương mại đều là tổ chức kinh tế hoặc cá nhân có đăng ký kinh doanh, mà có thể xảy ra các trường hợp khác, như một trong số các bên hoặc cả hai bên đều không phải tổ chức kinh tế hoặc cá nhân có đăng ký kinh doanh, mà là tổ chức phi thương mại hoặc cá nhân không có đăng ký kinh doanh.
Nói cách khác, dấu hiệu về chủ thể không phải là cơ sở duy nhất để xác định một bản hợp đồng có phải là hợp đồng thương mại hay không. Chúng tôi cho rằng, để xác định một văn bản hợp đồng có phải là HĐ thương mại hay không, cần căn cứ chủ yếu vào mục đích mà các bên tham gia vào hợp đồng, cụ thể là các bên ký kết và thực hiện hợp đồng để thực hiện hoạt động thương mại.
Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác. Sinh lợi ở đây, cần được hiểu là để sản sinh ra lợi nhuận.
Đối tượng của hợp đồng thương mại
Đối tượng của HĐ thương mại là tài sản cụ thể hoặc dịch vụ cụ thể. Ví dụ: Hợp đồng mua bán hàng hóa có đối tượng là hàng hóa; hoặc đối tượng của hợp đồng tư vấn thiết kế là dịch vụ thiết kế do đơn vị tư vấn thiết kế cung cấp cho bên sử dụng dịch vụ.
Khi tìm hiểu về đối tượng của HĐ thương mại, nhất thiết phải làm rõ loại hợp đồng và quan hệ hợp đồng và cần lưu ý một số quy định cụ thể sau đây của Bộ Luật dân sự 2015:
“Vật tiêu hao không thể là đối tượng của hợp đồng cho thuê hoặc hợp đồng cho mượn” (Đ112).
Hợp đồng chấm dứt trong trường hợp “Hợp đồng không thể thực hiện được do đối tượng của hợp đồng không còn” (Đ422).
Hủy bỏ hợp đồng trong trường hợp tài sản bị mất, bị hư hỏng. “Trường hợp một bên làm mất, làm hư hỏng tài sản là đối tượng của hợp đồng mà không thể hoàn trả, đền bù bằng tài sản khác hoặc không thể sửa chữa, thay thế bằng tài sản cùng loại thì bên kia có quyền hủy bỏ hợp đồng”. (Đ426).
Đối tượng của hợp đồng mua bán. “Tài sản được quy định tại Bộ luật này đều có thể là đối tượng của hợp đồng mua bán. Trường hợp theo quy định của luật, tài sản bị cấm hoặc bị hạn chế chuyển nhượng thì tài sản là đối tượng của hợp đồng mua bán phải phù hợp với các quy định đó”. Tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.
“Đối tượng của hợp đồng thuê khoán có thể là đất đai, rừng, mặt nước chưa khai thác, gia súc, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tư liệu sản xuất khác cùng trang thiết bị cần thiết để khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
Đối tượng của hợp đồng mượn tài sản: “Tất cả những tài sản không tiêu hao đều có thể là đối tượng của hợp đồng mượn tài sản”.
“Đối tượng của hợp đồng dịch vụ là công việc có thể thực hiện được, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội”.
“Đối tượng của hợp đồng gia công là vật được xác định trước theo mẫu, theo tiêu chuẩn mà các bên thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”.
Các loại hợp đồng thương mại cụ thể
Thực chất, HĐ mại là cách gọi chung của một dạng hợp đồng căn cứ vào mục đích của các bên khi tham gia vào quan hệ hợp đồng. Tuy nhiên, về mặt pháp lý và thực tiễn, tồn tại nhiều loại cụ thể của HĐ thương mại, như:
Hợp đồng mua bán hàng hóa;
Hợp đồng dịch vụ;
Hợp đồng ủy thác;
Hợp đồng tư vấn;
Hợp đồng xây dựng;
Hợp đồng mua bán nhà ở;
……………
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, bản thân các loại hợp đồng nêu trên có thể là hợp đồng dân sự thông thương hoặc là hợp đồng thương mại. Do đó, để xác định một bản hợp đồng có phải là HĐ thương mại hay không, không nên chỉ nhìn vào tên gọi mà còn cần căn cứ vào mục đích của các bên khi tham gia ký kết hợp đồng.
Việc xác định hợp đồng thương mại có ý nghĩa gì?
Trong kỹ năng soạn thảo hợp đồng, việc xác định một văn bản là HĐ thương mại hay không sẽ có ý nghĩa quyết định đến việc xác định nguồn luật điều chỉnh. Ví dụ: Nếu một bản hợp đồng mua bán hàng hóa giữa hai doanh nghiệp với nhau, nhưng đơn thuần là sự thanh lý tài sản dư thừa mà các bên không có ý định tìm kiếm lợi nhuận thì đó chỉ là một bản hợp đồng dân sự thông thương mà không phải là HĐ thương mại, và khi soạn thảo hợp đồng, không nên dẫn chiếu tới Luật thương mại mà chỉ dẫn chiếu tới Bộ Luật dân sự.
Hoặc một ý nghĩa khác, là khi thiết kế điều khoản về tranh chấp. Các bên chỉ có thể quy định về cơ quan giải quyết tranh chấp hợp đồng là trọng tài thương mại nếu bản hợp đồng đó là HĐ thương mại, chứ không phải là hợp đồng dân sự thông thường (trừ khi hợp đồng dân sự nhưng các bên vẫn mong muốn lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp là Trọng tài thương mại).
Một khía cạnh khác có tính nguyên tắc soạn thảo hợp đồng, là cần có các quy định hoặc phần mở đầu của văn bản nêu rõ mục đích của các bên khi tham gia vào quan hệ hợp đồng để làm rõ bản hợp đồng đó có phải là HĐ thương mại hay không.
Trên đây là một số luận giải của chúng tôi về HĐ thương mại. Nếu bạn cần tư vấn hoặc giải đáp thêm, vui lòng liên hệ với các Luật sư tư vấn của chúng tôi.
Tin liên quan
Vốn huy động và các hình thức huy động vốn! (26/06/2021)
Nơi cư trú của cá nhân xác định như thế nào? (05/05/2021)
Thuế thu nhập doanh nghiệp (05/05/2021)
Kinh doanh bất động sản và những điều cần biết! (04/05/2021)
Tin tức khác
Thành lập công ty tại Singapore (02/09/2020)
Tư Vấn Đầu Tư Nước Ngoài Vào Việt Nam (25/12/2019)
Tư vấn thay đổi địa điểm thực hiện dự án đầu tư (13/12/2019)
Tuân thủ và dịch vụ tuân thủ (07/12/2019)