Hợp đồng và các loại hợp đồng theo pháp luật Việt Nam
15/11/2020 16:40Hợp đồng là văn bản pháp lý tồn tại phổ biến trong xã hội chúng ta và đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính cam kết giữa các bên trong một giao dịch, thỏa thuận. Từ những giao dịch đơn giản nhất, như mua bán một ly cà phê, chai nước hay mua vài lạng thịt ở quán cóc ven đường, tới những giao dịch thuê mua máy bay ….. tất cả đều có sự có mặt của HĐ.
Bài viết này, giúp chúng ta có cái nhìn một cách tổng thể và đầy đủ nhất về HĐ. Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm các khía cạnh khác nhau về HĐ và các hình thức HĐ cụ thể trong các bài viết đăng trên website này.
Lưu ý: Bài viết này cung cấp một số thông tin tham khảo. Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi, vui lòng tham khảo các bài viết sau:
- Dịch vụ tư vấn pháp luật
- Kỹ năng soạn thảo hợp đồng
- Thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
- Thủ tục đăng ký kinh doanh
- Điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư
- Soạn thảo hợp đồng
- Tư vấn mua bán sáp nhập doanh nghiệp
Nội dung bài viết
Một số Hợp đồng cụ thể trong Bộ Luật Dân sự 2015 và định nghĩa
Bộ Luật Dân sự 2015 là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất hiện hành, quy định các nguyên tắc chung về giao dịch dân sự. Các loại HĐ đưa ra trong đạo luật này, có thể coi là khái quát hóa hầu hết các giao dịch dân sự diễn ra trong đời sống hàng ngày.
Theo chúng tôi, có thể coi các loại HĐ trong Bộ Luật Dân sự 2015 như những nhóm HĐ, bởi thực tế tồn tại hàng nghìn loại HĐ với tên gọi khác nhau, hình thức khác nhau, nhưng phụ thuộc vào bản chất và tính chất, chủ thể giao dịch mà có thể quy về những nhóm nhất định.
“HĐ là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự” (Đ385).
“HĐ mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán” (Đ430).
Hợp đồng trao đổi tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó các bên giao tài sản và chuyển quyền sở hữu đối với tài sản cho nhau”. (Đ455).
“HĐ tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận”. (Đ457).
“HĐ vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”. (Đ463).
“HĐ thuê tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, bên thuê phải trả tiền thuê”. (Đ472).
“HĐ thuê khoán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê khoán giao tài sản cho bên thuê khoán để khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản thuê khoán và bên thuê khoán có nghĩa vụ trả tiền thuê”. (Đ483).
“HĐ mượn tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền, bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được”. (Đ494).
“HĐ về quyền sử dụng đất là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó người sử dụng đất chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất hoặc thực hiện quyền khác theo quy định của Luật đất đai cho bên kia; bên kia thực hiện quyền, nghĩa vụ theo HĐ với người sử dụng đất”. (Đ500).
“Hợp đồng hợp tác là sự thỏa thuận giữa các cá nhân, pháp nhân về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm”. (Đ504)
“HĐ dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ” (Đ513).
“Hợp đồng vận chuyển hành khách là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển chuyên chở hành khách, hành lý đến địa điểm đã định theo thỏa thuận, hành khách phải thanh toán cước phí vận chuyển”. (Đ522).
“HĐ vận chuyển tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển có nghĩa vụ chuyển tài sản đến địa điểm đã định theo thỏa thuận và giao tài sản đó cho người có quyền nhận, bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ trả cước phí vận chuyển”. (Đ530).
“HĐ gia công là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên nhận gia công thực hiện công việc để tạo ra sản phẩm theo yêu cầu của bên đặt gia công, bên đặt gia công nhận sản phẩm và trả tiền công”. (Đ542).
“HĐ gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn HĐ, bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công” (Đ554).
“HĐ ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”. (Đ562).
Một số Hợp đồng theo luật chuyên ngành
“HĐ hợp tác kinh doanh (sau đây gọi là HĐ BCC) là HĐ được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế”. (K9, Đ3, Luật Đầu tư 2014).
“HĐ đầu tư theo hình thức đối tác công tư (sau đây gọi là HĐ PPP) là HĐ được ký kết giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Điều 27 của Luật này”. (K8, Đ3, Luật Đầu tư 2014).
“HĐ Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (sau đây gọi tắt là HĐ BOT) là HĐ được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được quyền kinh doanh công trình trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. (K3, Đ3, Nghị định 63/2018).
“HĐ Xây dựng – Chuyển giao – Kinh doanh (sau đây gọi tắt là HĐ BTO) là HĐ được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chuyển giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được quyền kinh doanh công trình đó trong một thời hạn nhất định”. (K4, Đ3, Nghị định 63/2018).
“HĐ Xây dựng – Chuyển giao (sau đây gọi tắt là Hợp đồng BT) là HĐ được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án (nếu có) để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được thanh toán bằng quỹ đất, trụ sở làm việc, tài sản kết cấu hạ tầng hoặc quyền kinh doanh, khai thác công trình, dịch vụ để thực hiện Dự án khác”. (K5, Đ3, Nghị định 63/2018).
“HĐ Xây dựng – Sở hữu – Kinh doanh (sau đây gọi tắt là HĐ BOO) là HĐ được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án sở hữu và được quyền kinh doanh công trình trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư”. (K6, Đ3, Nghị định 63/2018).
“HĐ Xây dựng – Chuyển giao – Thuê dịch vụ (sau đây gọi tắt là HĐ BTL) là HĐ được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chuyển giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được quyền cung cấp dịch vụ trên cơ sở vận hành, khai thác công trình đó trong một thời hạn nhất định; cơ quan nhà nước có thẩm quyền thuê dịch vụ và thanh toán cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án”. (K7, Đ3, Nghị định 63/2018).
“HĐ Xây dựng – Thuê dịch vụ – Chuyển giao (sau đây gọi tắt là HĐ BLT) là HĐ được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được quyền cung cấp dịch vụ trên cơ sở vận hành, khai thác công trình đó trong một thời hạn nhất định; cơ quan nhà nước có thẩm quyền thuê dịch vụ và thanh toán cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án; hết thời hạn cung cấp dịch vụ, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. (K8, Đ3, Nghị định 63/2018).
“HĐ Kinh doanh – Quản lý (sau đây gọi tắt là HĐ O&M) là HĐ được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để kinh doanh một phần hoặc toàn bộ công trình trong một thời hạn nhất định”. (K9, Đ3, Nghị định 63/2018).
“HĐ xây dựng là HĐ dân sự được thỏa thuận bằng văn bản giữa bên giao thầu và bên nhận thầu để thực hiện một phần hay toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng”. (K1, Đ2, NĐ37/2015).
“HĐ tư vấn xây dựng là HĐ để thực hiện một, một số hay toàn bộ công việc tư vấn trong hoạt động đầu tư xây dựng”. (Điểm a, K1, Đ3, Nghị định 37/2015).
“HĐ thi công xây dựng công trình là HĐ để thực hiện việc thi công xây dựng công trình, hạng mục công trình hoặc phần việc xây dựng theo thiết kế xây dựng công trình; HĐ tổng thầu thi công xây dựng công trình là HĐ thi công xây dựng để thực hiện tất cả các công trình của một dự án đầu tư”. (Điểm b, K1, Đ3, Nghị định 37/2015).
“HĐ cung cấp thiết bị công nghệ là HĐ thực hiện việc cung cấp thiết bị để lắp đặt vào công trình xây dựng theo thiết kế công nghệ; HĐ tổng thầu cung cấp thiết bị công nghệ là HĐ cung cấp thiết bị cho tất cả các công trình của một dự án đầu tư xây dựng”. (Điểm c, K1, Đ3, Nghị định 37/2015).
“HĐ thiết kế và thi công xây dựng công trình (tiếng Anh là Engineering – Construction viết tắt là EC) là HĐ để thực hiện việc thiết kế và thi công xây dựng công trình, hạng mục công trình; HĐ tổng thầu thiết kế và thi công xây dựng công trình là HĐ thiết kế và thi công xây dựng tất cả các công trình của một dự án đầu tư xây dựng”. (Điểm d, K1, Đ3, Nghị định 37/2015).
“HĐ thiết kế và cung cấp thiết bị công nghệ (tiếng Anh là Engineering – Procurement viết tắt là EP) là HĐ để thực hiện việc thiết kế và cung cấp thiết bị để lắp đặt vào công trình xây dựng theo thiết kế công nghệ; Hợp đồng tổng thầu thiết kế và cung cấp thiết bị công nghệ là HĐ thiết kế và cung cấp thiết bị công nghệ cho tất cả các công trình của một dự án đầu tư xây dựng”. (Điểm đ, K1, Đ3, Nghị định 37/2015).
“Hợp đồng cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình (tiếng Anh là Procurement – Construction viết tắt là PC) là HĐ để thực hiện việc cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình, hạng mục công trình; HĐ tổng thầu cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình là HĐ cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng tất cả các công trình của một dự án đầu tư xây dựng”. (Điểm e, K1, Đ3, Nghị định 37/2015).
“HĐ thiết kế – cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình (tiếng Anh là Engineering – Procurement – Construction viết tắt là EPC) là HĐ để thực hiện các công việc từ thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ đến thi công xây dựng công trình, hạng mục công trình; HĐ tổng thầu EPC là HĐ thiết kế – cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng tất cả các công trình của một dự án đầu tư xây dựng”. (Điểm g, K1, Đ3, Nghị định 37/2015).
“HĐ chìa khóa trao tay là HĐ xây dựng để thực hiện toàn bộ các công việc lập dự án, thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình của một dự án đầu tư xây dựng”. (Điểm h, K1, Đ3, Nghị định 37/2015).
“HĐ cung cấp nhân lực, máy và thiết bị thi công là HĐ xây dựng để cung cấp kỹ sư, công nhân (gọi chung là nhân lực), máy, thiết bị thi công và các phương tiện cần thiết khác để phục vụ cho việc thi công công trình, hạng mục công trình, gói thầu hoặc công việc xây dựng theo thiết kế xây dựng”. (Điểm i, K1, Đ3, Nghị định 37/2015).
Các nguyên tắc cơ bản của Hợp đồng
Nguyên tắc tự do ý chí hay tự do Hợp đồng
Nguyên tắc tự do ý chí trong pháp luật HĐ được hiểu là các bên được tự do giao kết HĐ hay thỏa thuận về việc xác lập quyền và nghĩa vụ dân sự theo ý chí của mình miễn là nó không trái với trật tự công cộng.
Xuất phát từ nguyên tắc này, mọi sự ép buộc hay lừa dối trong việc xác lập HĐ đều có thể bị coi là lý do để yêu cầu tuyên bố HĐ vô hiệu. Trong kỹ thuật soạn thảo HĐ, người soạn thảo cần có các kỹ năng cần thiết để xác định được ý chí của các bên, cũng như đưa ra các điều khoản để đảm bảo rằng, các bên đã đạt tới trạng thái tự do khi tham gia vào quá trình ký kết và thực hiện HĐ. Đây là một vấn đề có ý nghĩa trong kỹ năng soạn thảo Hợp đồng mà các Luật sư, Luật gia phải rèn luyện trong nhiều năm để có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.
Khi các bên tự do tham gia vào ký kết HĐ thì cần có nghĩa vụ thực hiện các cam kết của mình một cách đầy đủ, thiện chí. Không có lý do nào để thoái thác hoặc từ chối thực hiện các cam kết bởi không có ai ép buộc hoặc lừa dối anh ta tham gia vào bản HĐ đó.
Nguyên tắc thiện chí trong ký kết và thực hiện hợp đồng
K3, Điều 3, BLDS năm 2015 quy định “Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực”.
“Thiện chí” bắt nguồn từ thuật ngữ Latin “bona fide”, trong tiếng Anh là “good faith”, là thuật ngữ trừu tượng và chỉ được làm rõ nghĩa khi gắn chặt với hoàn cảnh cụ thể của một ứng xử cụ thể. Thiện chí không được định nghĩa bởi luật, mang nghĩa về mặt luân lý nhiều hơn với liên hệ gần gũi về sự trung thực, không có sự ác ý hay tư lợi bất chính.
Chúng tôi cho rằng, sự thiện chí được thể hiện trong trạng thái tâm lý của mỗi bên chủ thể, nên nó khó có thể kiểm soát và đo lường bằng các công cụ. Tuy nhiên, tính thiện chí có đạt được hay không, sẽ được bộc lộ ra bên ngoài qua những hành động cụ thể, như sự chủ động của mỗi bên, hay nỗ lực của mỗi bên khi có những sự cố phát sinh ….
Nguyên tắc áp dụng tập quán trong ký kết và thực hiện hợp đồng
Nguyên tắc này trong khoa học pháp lý được một số học giả đề cập như là một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Hợp đồng nói riêng và pháp luật dân sự nói chung[42]. Một nền pháp luật theo hệ thống dân luật thường có hai nguồn cơ bản là luật thành văn và tập quán pháp. BLDS Việt Nam đặt thứ tự ưu tiên áp dụng của tập quán chỉ sau thỏa thuận của các bên và luật thành văn. Tập quán đóng vai trò quan trọng trong việc bổ khuyết những khoảng trống hay giải thích những vấn đề chưa rõ ràng của Hợp đồng, nếu pháp luật thực định cũng không có giải pháp cho vấn đề đó.
Định nghĩa về tập quán trong BLDS 2015 (Điều 5 khoản 1) nêu ra ba đặc điểm chính yếu của tập quán, đó là có nội dung rõ ràng đủ để xác định quyền và nghĩa vụ của chủ thể, được hình thành và lặp đi lặp lại nhiều lần trong thời gian dài và được mọi người cùng thừa nhận như là những quy tắc ràng buộc. Hai điều kiện để áp dụng tập quán (Điều 5 khoản 2) là: (1) thiếu vắng giải pháp cho vấn đề pháp lý từ các nguồn gốc nghĩa vụ có tính ưu tiên cao hơn là sự thỏa thuận và quy định pháp luật; (2) tập quán không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự. Có lẽ chính vì yếu tố (2) nên nhà làm luật Việt Nam đã không xếp quy định áp dụng tập quán vào những nguyên tắc cơ bản của Bộ luật hay của pháp luật dân sự nói chung.
Quy định chung về áp dụng tập quán tuy đã được công nhận từ lâu nhưng vấn đề chính yếu của nguyên tắc này là cụ thể hóa nó. Sự áp dụng tập quán có đặc điểm khác biệt đặc thù với các áp dụng các nguồn pháp luật khác như luật và án lệ, bởi lẽ nó không “thành văn” cả về nghĩa pháp lý và nghĩa thông dụng. Tập quán có khi không được ghi nhận trong một văn bản nào cả mà chỉ là một quy tắc được nhiều người ngầm định tuân thủ. Trong một tranh chấp cần viện đến tập quán tất yếu sẽ xuất hiện vấn đề chứng minh tập quán. Như vậy cần có những quy định chi tiết để hướng dẫn các tòa án trong việc đánh giá tính xác thực của những quy phạm được các bên viện dẫn xem chúng có đáp ứng đủ điều kiện của một tập quán hay không, bên nào có nghĩa vụ chứng minh tập quán, v.v..
Tin liên quan
Vốn huy động và các hình thức huy động vốn! (26/06/2021)
Nơi cư trú của cá nhân xác định như thế nào? (05/05/2021)
Thuế thu nhập doanh nghiệp (05/05/2021)
Hợp đồng thương mại và kinh nghiệm soạn thảo (05/05/2021)
Kinh doanh bất động sản và những điều cần biết! (04/05/2021)
Tin tức khác
Thành lập công ty tại Singapore (02/09/2020)
Tư Vấn Đầu Tư Nước Ngoài Vào Việt Nam (25/12/2019)
Tư vấn thay đổi địa điểm thực hiện dự án đầu tư (13/12/2019)
Tuân thủ và dịch vụ tuân thủ (07/12/2019)