Những ai thường có nhu cầu tìm người hợp tác kinh doanh?
Chúng ta thường nghe đâu đó câu nói, “nếu muốn đi nhanh thì đi một mình, còn muốn đi xa thì hãy đi cùng nhau”. Qua câu nói này, chúng ta đã có thể hình dung ra được là những ai có nhu cầu tìm người hợp tác kinh doanh. Đó hẳn là những người mới khởi sự kinh doanh, mới khởi nghiệp và có ý chí muốn đi xa, muốn vươn cao. Cần người hợp tác bởi cần có thêm nguồn vốn, nhưng cũng có thể là muốn có người đồng hành cùng để chia sẻ, phân công công việc và hỗ trợ lẫn nhau.
Điều tôi muốn nói, thực sự thì bạn cần tìm cái gì?. Bạn cần tìm người hợp tác kinh doanh, để cùng làm ăn cùng hay cần vốn của họ, cần kinh nghiệm của họ, cần công nghệ hay cần một thứ khác?
Và bạn nữa, bạn thực sự có cái gì để góp gạo thổi cơm chung cùng đối tác?
Với kinh nghiệm 15 năm chuyên tư vấn kinh doanh, tôi đã trải nghiệm có hàng nghìn ý tưởng hợp tác và cũng chứng kiến hàng nghìn ý tưởng thất bại. Sai lầm là do đâu, có phải do đối tác không tốt? Không hẳn vậy. Giống như, khi bạn đói ăn thì việc đầu tiên là bạn tìm thứ gì đó để bỏ bụng, chống đói. Nhưng khi bạn thấy tâm hồn mình trống trải, muốn giải bày, muốn tâm sự, muốn chia sẻ, thì bạn sẽ tìm đến một người bạn thân nào đó.
Tìm người hợp tác kinh doanh cũng vậy, bạn cần xác định chính xác bạn cần cái gì và bạn cần tìm đến đâu.
Với tôi, tôi cho rằng, tìm người hợp tác kinh doanh là tìm người cùng ý chí, cùng lý tưởng và cùng mục tiêu. 03 thứ cùng đấy bạn nhé. Không phải vốn, không phải công nghệ gì cả. Vốn hay công nghệ chẳng qua là thứ đồ ăn giúp bạn khi đói thôi. Những thứ đó không giúp bạn đi đường dài được. Dĩ nhiên, nếu có 03 thứ trên, cộng với vốn nữa thì quá tuyệt với.
Nhưng nếu bạn tìm được người hội tụ đủ thứ bạn cần rồi, nhưng quay lại bạn chẳng có gì trong tay, thì bạn cũng sẽ sớm ra đi thôi. Cuộc hôn phối không môn đăng hộ đối thật sự rất khó tồn tại, trừ khi là cả cuộc đời cố mà nén chịu đựng lẫn nhau cho vui thiên hạ.
Điều gì cần làm để hợp tác kinh doanh thành công?
Bạn thành công trong việc tìm người hợp tác kinh doanh là một điều rất tuyệt với. Và giờ là lúc bạn nghĩ đến việc giữ người đó ở lại lâu dài, càng lâu càng tốt với mình. Nói cách khác, tìm cách để hai người cùng giữ nhau lâu dài.
Càng đi được xa, hoạt động kinh doanh càng lớn lên và càng phát triển. Đừng ngại khi bị chia sẻ một chút lợi nhuận với người bạn đồng hành. Bạn muốn 50% của một tỷ hay bạn muốn 100% của một trăm triệu?
Nếu muốn giữ nhau, hai bên nên rõ ràng, minh bạch và công bằng. Ở đời không có ai giống nhau cả, nên bạn đừng trông chờ vào đối tác kinh doanh cũng giống như mình. Sự tác hợp thành công bao giờ cũng là sản phẩm của tư duy tích cực, tư duy hợp tác, tức là cả hai bên cùng nhìn về một hướng và phấn đấu vì một mục tiêu chung, là nhẫn nhịn nhau và tôn trọng nhau.
Các bên hợp tác kinh doanh nên cùng ngồi lại với nhau để vạch rõ các vấn đề cụ thể về hợp tác như:
- Ai cùng tham gia hợp tác kinh doanh (Chủ thể).
- Mỗi bên góp bao nhiêu, góp cái gì, và chiếm tỷ lệ bao nhiêu phần trăm trong tổng số vốn góp?
- Cơ chế phân chia lợi nhuận như thế nào? Cách tính doanh thu và lợi nhuận như thế nào?
- Nếu lỗ thì cách thức xử lý lỗ như thế nào?
- Vai trò của mỗi người trong dự án như thế nào? Ai làm quản lý chung, ai phụ trách lĩnh vực gì …?
- Thời hạn hợp tác kinh doanh như thế nào?
- Cơ chế rút vốn ra sao, chuyển nhượng vốn như thế nào?
- Ai đứng tư cách đại diện ra giao dịch với bên thứ ba?
- Có thành lập nên một pháp nhân chung hay không?
Tất cả những vấn đề như vậy, đừng ngại ngần trao đổi thẳng thắn với nhau. Căng thẳng và đấu tranh với nhau một chút ban đầu cũng được. Hãy gây sức ép lẫn nhau để nếu ai không hứng thú thì nên bỏ cuộc từ ban đầu. Các cụ bảo rồi, mất lòng trước được lòng sau. Các bên cứ mạnh dạn thương lượng, mặc cả với nhau cho đến khi chốt được hết các vấn đề.
Khi đã thống nhất, viết lại nó thành bản hợp đồng hợp tác kinh doanh và cùng nhau đặt bút ký vào đó. Bút sa gà chết, không ai dám cãi lại chữ ký của mình đâu. Kể từ thời điểm ký kết, các bên thực hiện theo thỏa thuận đã ký chứ không tuân theo sự chỉ đạo của cá nhân ai cả. Tâm lý đó tránh được những xung đột về mặt thái độ, tình cảm cảm tính vốn có của con người.
Một vài chia sẻ về kinh nghiệm trong hành trình tìm người hợp tác kinh doanh để các bạn khởi nghiệp cùng tham khảo. Pháp lý không phải là tất cả, nhưng là hành lang, là đường ray để con tàu đi xa.
Bạn muốn đi xa hay không, đó là quyền của bạn. Nếu bạn cần tư vấn và hỗ trợ thêm, đừng ngại liên hệ với chúng tôi.
Thân ái.