Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật Doanh nghiệp 2005 có những điểm gì khác biệt và có thể ảnh hưởng tới doanh nghiệp?. Bài viết sau đây làm rõ những điểm thay đổi cơ bản và quan trọng với doanh nghiệp.
Luật Doanh nghiệp 2014 thay đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước.
Sự thay đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước.
Theo Luật Doanh nghiệp Nhà nước 2003, thì “Doanh nghiệp nhà nước là tổ chức kinh tế do Nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ hoặc có cổ phần, vốn góp chi phối, được tổ chức dưới hình thức công ty nhà nước, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn”.
Tuy nhiên, mặc dù không có sự công nhận chính thức, nhưng kể từ thời điểm Luật Doanh nghiệp 2014 được ban hành thì đạo luật này được coi là đã thay thế Luật Doanh nghiệp Nhà nước 2003. Trên thực tế, vẫn còn tồn tại nhiều doanh nghiệp có vốn Nhà nước nhưng chịu sự điều chỉnh của Luật doanh nghiệp 2014 và việc sử dụng Luật Doanh nghiệp Nhà nước 2003 trở nên không còn phù hợp.
Tuy vậy, loại hình doanh nghiệp Nhà nước vẫn được coi là còn tồn tại và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, cũng với vai trò của đạo của kinh tế Nhà nước. Cơ sở pháp lý cho việc thành lập, hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước được chuyển dần từ Luật Doanh nghiệp Nhà nước sang Luật Doanh nghiệp, tạo vị thế bình đẳng giữa tất cả các loại hình doanh nghiệp.
Luật doanh nghiệp 2005 định nghĩa “Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp trong đó Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ”.
Tuy nhiên, đến Luật Doanh nghiệp 2014, thì định nghĩa về doanh nghiệp Nhà nước đã thay đổi, cụ thể sửa lại là “Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ”.
Luật doanh nghiệp 2014 bổ sung quy định về doanh nghiệp xã hội
Bổ sung quy định về doanh nghiệp xã hội
Trước khi Luật Doanh nghiệp 2014 ra đời, khái niệm về doanh nghiệp xã hội chưa được công nhận và tồn tại một cách chính thức trong một đạo luật. Do đó, với sự ra đời của đạo luật mới này, thì doanh nghiệp xã hội được chính thức thừa nhận và có một nền tảng pháp lý vững chắc.
Mặc dù không có định nghĩa trực tiếp thế nào là doanh nghiệp xã hội, nhưng Luật DN 2014 đã đưa ra một số tiêu chí để được công nhận là doanh nghiệp xã hội như sau: (a) Là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của Luật này; (b) Mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng; (c) Sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký.
Do là một loại hình doanh nghiệp đặc thù nên ngoài các quyền và nghĩa vụ như một doanh nghiệp thông thường, doanh nghiệp xã hội còn có các quyền và nghĩa vụ luật định như sau:
Duy trì mục tiêu và điều kiện quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 10 Luật Doanh nghiệp 2014 trong suốt quá trình hoạt động; trường hợp doanh nghiệp đang hoạt động muốn chuyển thành doanh nghiệp xã hội hoặc doanh nghiệp xã hội muốn từ bỏ mục tiêu xã hội, môi trường, không sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư thì doanh nghiệp phải thông báo với cơ quan có thẩm quyền để tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật.
Chủ sở hữu doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp xã hội được xem xét, tạo thuận lợi và hỗ trợ trong việc cấp giấy phép, chứng chỉ và giấy chứng nhận có liên quan theo quy định của pháp luật.
Được huy động và nhận tài trợ dưới các hình thức khác nhau từ các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và các tổ chức khác của Việt Nam và nước ngoài để bù đắp chi phí quản lý và chi phí hoạt động của doanh nghiệp.
Không được sử dụng các khoản tài trợ huy động được cho mục đích khác ngoài bù đắp chi phí quản lý và chi phí hoạt động để giải quyết vấn đề xã hội, môi trường mà doanh nghiệp đã đăng ký;
Trường hợp được nhận các ưu đãi, hỗ trợ, doanh nghiệp xã hội phải định kỳ hằng năm báo cáo cơ quan có thẩm quyền về tình hình hoạt động của doanh nghiệp.
Luật doanh nghiệp 2014 cho phép có nhiều người đại diện theo pháp luật
Khoản 2, Điều 13 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: “Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật”.
Trước khi có Luật DN 2014 thì mỗi doanh nghiệp chỉ có thể có một người đại diện theo pháp luật, gây nhiều bất tiện cho hoạt động quản trị của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có nhiều cơ sở kinh doanh, quy mô lớn … Việc cho phép doanh nghiệp có thêm người đại diện theo pháp luật sẽ giúp doanh nghiệp khắc phục những bất cập trước đó.
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến quy định mới về người đại diện theo pháp luật, chúng tôi cũng xin lưu ý thêm rằng, việc có thêm số lượng sẽ gia tang khả năng tranh chấp nội bộ giữa những người đại diện theo pháp luật với nhau. Dự liệu cho trường hợp này, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định bổ sung về cơ chế xử lý như sau: Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Như vậy, khi thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp, kể cả thủ tục thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp cần chuẩn bị bản điều lệ một cách kỹ càng và chi tiết về sự phân công quyền hạn, nhiệm vụ của mỗi người đại diện theo pháp luật. Trong trường hợp không quy định trong điều lệ doanh nghiệp thì có thể xây dựng thành một quy chế riêng để đảm bảo có sự thống nhất, phối hợp và phân công quyền lực một cách hài hòa, hợp lý, tránh tranh chấp và xung đột giữa những người đại diện theo pháp luật với nhau.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam. Trường hợp doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì người đó phải cư trú ở Việt Nam và phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật khi xuất cảnh khỏi Việt Nam. Trường hợp này, người đại diện theo pháp luật vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền.
Luật doanh nghiệp 2014 tách biệt hồ sơ đăng ký doanh nghiệp với điều kiện kinh doanh.
Trước thời điểm Luật doanh nghiệp 2014 ra đời, hồ sơ thành lập doanh nghiệp phải kèm theo các tài liệu, văn bằng, chứng chỉ chứng minh doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh nếu trong hồ sơ có những ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Điều này gây ra khá nhiều phiền phức cho doanh nghiệp và tạo nên hiện tượng đáp ứng điều kiện ảo. Đây được coi là điều kiện trước và là một rào cản gia nhập thị trường khá lớn.
Tuy nhiên, với việc ban hành luật doanh nghiệp mới, thì cơ chế điều kiện trước chuyển thành điều kiện sau. Cụ thể, hồ sơ thành lập doanh nghiệp không cần có các tài liệu, văn bằng, chứng chỉ chứng minh năng lực kinh nghiệm như trước mà doanh nghiệp phải chủ động đáp ứng trong quá trình kinh doanh, hoạt động.
Luật Doanh nghiệp 2014 tách biệt giữa Giấy chứng nhận đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Luật Doanh nghiệp 2005 và Luật Đầu tư 2005 song hành và quy định cơ sở pháp lý cho loại hình doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước. Theo đó, Luật Đầu tư 2005 quy định trình tự, thủ tục đăng ký dự án đầu tư và thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Trong quá trình cung cấp dịch vụ tư vấn đầu tư nước ngoài, chúng tôi nhận thấy rằng, việc quy định như vậy là không cần thiết và chồng chéo, gây ra nhiều hệ lụy, phiền phức cho doanh nghiệp, trong khi bản chất của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hay doanh nghiệp trong nước vẫn là những pháp nhân kinh doanh.
Thay đổi điều này, kể từ thời điểm Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật Đầu tư 2014 ra đời, nhà đầu tư nước ngoài cần thực hiện tuần tự hai thủ tục bao gồm: thủ tục đăng ký dự án đầu tư và thủ tục thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Thủ tục đăng ký dự án đầu tư được thực hiện tại bộ phận đầu tư nước ngoài trực thuộc Sở kế hoạch đầu tư và sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư chỉ chứng nhận các nội dung thuộc dự án đầu tư và không đồng thời đảm nhiệm chức năng là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Thủ tục thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện tại bộ phận đăng ký kinh doanh trực thuộc Sở kế hoạch đầu tư và sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bao gồm các nội dung chính về doanh nghiệp, như tên, địa chỉ, mã số doanh nghiệp (đồng thời là mã số thuế), vốn điều lệ, người đại diện theo pháp luật …..
Tương tự như doanh nghiệp trong nước, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không còn nội dung về ngành nghề, cổ động/ thành viên góp vốn.
Hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (thành lập doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, thành lập doanh nghiệp liên doanh) bắt buộc phải có bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Luật Doanh nghiệp 2014 rút ngắn thời gian cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Điều 15 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định “Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét hồ sơ đăng ký kinh doanh và cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ”.
Tuy nhiên, trên tình thần và nỗ lực cải cách hành chính, Điều 28 Nghị định 43/2005/NĐ-CP đã rút ngắn thời gian từ 10 ngày quy định tại Luật Doanh nghiệp 2005 xuống còn 05 ngày. Quy định cụ thể như sau: “Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi doanh nghiệp, đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, thông báo lập địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp”.
Việc ban hành Luật Doanh nghiệp 2014, thời gian nêu trên tiếp tục được rút ngắn hơn nữa, chỉ còn 03 ngày làm việc. Cụ thể quy định như sau: “Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ. Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì phải thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp biết. Thông báo phải nêu rõ lý do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ”.
Việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ và thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được hướng dẫn bởi Điều 27 và Điều 28 Nghị định 78/2015/NĐ-CP.
Quy định tại Điều 25, Luật Doanh nghiệp 2005, thì nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh bao gồm các nội dung gồm:
Tên, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện.
Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của thành viên hoặc cổ đông sáng lập là cá nhân; số quyết định thành lập hoặc số đăng ký kinh doanh của chủ sở hữu công ty, của thành viên hoặc cổ đông sáng lập là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần; họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; họ, tên, địa chỉ thường trú, số Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của chủ sở hữu công ty là cá nhân hoặc chủ doanh nghiệp tư nhân.
Vốn điều lệ đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh; số cổ phần và giá trị vốn cổ phần đã góp và số cổ phần được quyền chào bán đối với công ty cổ phần; vốn đầu tư ban đầu đối với doanh nghiệp tư nhân; vốn pháp định đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề đòi hỏi phải có vốn pháp định.
Ngành, nghề kinh doanh.
Tuy nhiên, Điều 29 Luật Doanh nghiệp 2014 đã giản lược các nội dung cần có, cụ thể chỉ gồm các nội dung như sau:
Tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp.
Địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp.
Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần; của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân; họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của thành viên là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp và địa chỉ trụ sở chính của thành viên là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn.
Vốn điều lệ.
Như vậy, so với quy định cũ tại Luật Doanh nghiệp 2005, thì Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014 đã lược bở các nội dung gồm: ngành nghề kinh doanh, vốn pháp định, thông tin về cổ động/ thành viên góp vốn.
Luật doanh nghiệp 2014 cho phép DN có nhiều con dấu và tự quyết định mẫu dấu
Luật Doanh nghiệp 2005 buộc doanh nghiệp chỉ có một con dấu pháp nhân, với hình mẫu dấu và nội dung trên mẫu dấu do cơ quan Nhà nước quyết định. Tuy nhiên, Luật DN 2014 đã thay đổi nội dung này và quy định lại như sau: “Doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp”.
Khi khắc con dấu, sử dụng con dấu, doanh nghiệp chỉ phải tuân thủ một số quy định như sau:
Thứ nhất: Nội dung con dấu phải thể hiện những thông tin sau đây: (a) Tên doanh nghiệp; (b) Mã số doanh nghiệp.
Thứ hai: Trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Thứ ba: Việc quản lý, sử dụng và lưu giữ con dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty.
Thứ ba: Con dấu được sử dụng trong các trường hợp theo quy định của pháp luật hoặc các bên giao dịch có thỏa thuận về việc sử dụng dấu.
Việc thông báo mẫu dấu được gửi tới cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp mà không phải đăng ký với cơ quan Công an theo Luật doanh nghiệp 2005.
Luật doanh nghiệp 2014 thay đổi thời hạn góp vốn của Công ty TNHH
Luật doanh nghiệp 2005 quy định thời hạn góp vốn của Công ty trách nhiệm hữu hạn và Công ty cổ phần khác nhau. Cụ thể, theo luật này thì trong vòng 36 tháng kể từ ngày hoàn tất thủ tục thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn, thành viên góp vốn có nghĩa vụ thanh toán đầy đủ số vốn đã cam kết. Thời hạn này với Công ty cổ phần là 90 ngày kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo quy định tại Luật doanh nghiệp 2014, thì thời hạn mà cổ đông/ thành viên góp vốn phải thực hiện cam kết góp vốn vào công ty là 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Luật doanh nghiệp 2014 thay đổi điều kiện dự hợp ĐHĐCĐ và HĐTV
Điều 141 Luật DN 2014 quy định về điều kiện dự họp Đại hội đồng cổ đông như sau: “Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định”.
Điều 102 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định: “Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định”.
Như vậy, tỷ lệ này đã được giảm từ 65% xuống còn 51%.
Đối với Công ty trách nhiệm hữu, Luật DN 2014 quy định về điều kiện và thể thức tiến hành họp Hội đồng thành viên như sau: “Cuộc họp Hội đồng thành viên được tiến hành khi có số thành viên dự họp sở hữu ít nhất 65% vốn điều lệ; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định”.
Trước đó, Điều 51 Luật doanh nghiệp 2005 quy định về điều kiện và thể thức tiến hành họp Hội đồng thành viên như sau: “Cuộc họp Hội đồng thành viên được tiến hành khi có số thành viên dự họp đại diện ít nhất 75% vốn điều lệ; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định”.
Như vậy, tỷ lệ này giảm từ 75% theo Luật Doanh nghiệp 2005 xuống còn 65% theo Luật DN 2014.
Luật Doanh nghiệp 2014 thay đổi tỷ lệ biểu quyết thông qua NQ của ĐHĐCĐ
Điều 105 Luật DN 2005 quy định:
Quyết định của Đại hội đồng cổ đông được thông qua tại cuộc họp khi có đủ các điều kiện sau đây: (a) Được số cổ đông đại diện ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.
Đối với quyết định về loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại được quyền chào bán; sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty; tổ chức lại, giải thể công ty; đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty nếu Điều lệ công ty không có quy định khác thì phải được số cổ đông đại diện ít nhất 75% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định;
Điều 144 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định lại vấn đề nêu trên như sau:
Nghị quyết về nội dung sau đây được thông qua nếu được số cổ đông đại diện ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định: (a) Loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại; (b) Thay đổi ngành, nghề và lĩnh vực kinh doanh; (c) Thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý công ty; (d) Dự án đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, hoặc tỷ lệ, giá trị khác nhỏ hơn do Điều lệ công ty quy định; (đ) Tổ chức lại, giải thể công ty; (e) Các vấn đề khác do Điều lệ công ty quy định.
Các nghị quyết khác được thông qua khi được số cổ đông đại diện cho ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 144 Luật Doanh nghiệp 2014; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.
Như vậy, tỷ lệ biểu quyết thông qua Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông đã giảm tương ứng từ 65% xuống 51 và 75% xuống 65%.
Tìm hiểu thêm về dịch vụ soạn thảo hợp đồngcủa chúng tôi
Luật doanh nghiệp 2014 cho phép Công ty TNHH một thành viên được giảm vốn điều lệ
Điều 76 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định “Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên không được giảm vốn điều lệ”. Tuy nhiên, quy định này đã được thay đổi trong Luật Doanh nghiệp 2014 theo hướng cho phép giảm vốn.
Cụ thể, Điều 87 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thay đổi vốn điều lệ trong các trường hợp sau đây:(a) Hoàn trả một phần vốn góp trong vốn điều lệ của công ty nếu đã hoạt động kinh doanh liên tục trong hơn 02 năm, kể từ ngày đăng ký doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho chủ sở hữu; (b) Vốn điều lệ không được chủ sở hữu thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo quy định tại Điều 74 của Luật này.
Việc thay đổi này được hiểu là những trường hợp Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên giảm/ buộc phải giảm vốn điều lệ.
Luật doanh nghiệp 2014 quy định mới về cơ cấu tổ chức của Công ty cổ phần
Điều 95, Luật doanh nghiệp 2005 quy định về cơ cấu tổ chức quản lý Công ty cổ phần như sau: “Công ty cổ phần có Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc; đối với công ty cổ phần có trên mười một cổ đông là cá nhân hoặc có cổ đông là tổ chức sở hữu trên 50% tổng số cổ phần của công ty phải có Ban kiểm soát”.”
Tuy nhiên, quy định lại trong Luật Doanh nghiệp 2014, cơ cấu tổ chức quản lý của Công ty cổ phần đã được thay đổi theo hướng cởi mở hơn, tăng quyền tự do lựa chọn cho doanh nghiệp. Cụ thể, “Công ty cổ phần có quyền lựa chọn tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình sau đây, trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác:
a) Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát;
b) Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp này ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ban kiểm toán nội bộ trực thuộc Hội đồng quản trị. Các thành viên độc lập thực hiện chức năng giám sát và tổ chức thực hiện kiểm soát đối với việc quản lý điều hành công ty”.”
Như vậy, khác với quy định tại Luật DN 2005, thì trong Luật doanh nghiệp 2014 đã cho phép sự xuất hiện của vị trí thành viên Hội đồng quản trị độc lập trong cơ cấu tổ chức quản lý công ty cổ phần. Đây là cơ chế để các Công ty cổ phần phát triển theo hướng quản trị chuyên nghiệp, hiện đại, bảo vệ quyền lợi cổ đông, hạn chế tiêu cực trong bộ máy quản lý gây ra bởi những người vừa là cổ đông, vừa nắm giữ vị trí quản lý.
Trên đây là một số nội dung chính và cơ bản mà chúng tôi cho rằng, không chỉ mới mà còn hết sức quan trọng của Luật doanh nghiệp 2014 so với Luật DN 2005.
Quý khách hàng có nhu cầu tìm hiểu thêm, có thể liên hệ trực tiếp để các Luật sư chúng tôi giải đáp.