Soạn Thảo Hợp Đồng Thương Mại
14/12/2019 10:57Hợp đồng thương mại là văn bản pháp lý giữa các bên tham gia có mục đích kinh doanh thương mại thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Hợp đồng thương mại chịu sự điều chỉnh của Luật Thương mại, và thường bao gồm các loại hợp đồng gồm: Hợp đồng kinh tế; Hợp đồng mua bán hàng hoá; Hợp đồng đại lý; Hợp đồng đại diện; Hợp đồng dịch vụ quảng cáo thương mại; Hợp đồng cung ứng dịch vụ; Hợp đồng nhượng quyền ….
Nội dung bài viết
- 1 kỹ năng đàm phán soạn thảo hợp đồng thương mại
- 2 Quy định về hợp đồng thương mại
- 3 Nguyên tắc soạn thảo hợp đồng thương mại
- 4 Các điều khoản trong hợp đồng thương mại
- 4.1 Điều khoản về chủ thể của hợp đồng
- 4.2 Điều khoản về đối tượng của hợp đồng
- 4.3 Điều khoản về giá cả và điều khoản thanh toán
- 4.4 Điều khoản quyền và nghĩa vụ của các bên
- 4.5 Điều khoản phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại
- 4.6 Điều khoản chấm dứt, đơn phương chấm dứt hợp đồng
- 4.7 Điều khoản Giải quyết tranh chấp
- 4.8 Các điều khoản khác
- 5 kỹ năng soạn thảo hợp đồng thương mại
- 6 Mẫu soạn thảo hợp đồng thương mại mới nhất tại Inteco
kỹ năng đàm phán soạn thảo hợp đồng thương mại
Trong quá trình tư vấn soạn thảo hợp đồng thương mại, Luật sư tư vấn cần có kiến thức, kinh nghiệm và thông tin về lĩnh vực thương mại mà hợp đồng được xác lập. Ví dụ: Luật sư không thể soạn thảo một hợp đồng nhượng quyền thương mại nếu không hiểu bản chất và các vấn đề liên quan đến nhượng quyền, thực tiễn nhượng quyền.
Trên thực tiễn phục vụ khách hàng trong quá trình cung cấp dịch vụ tư vấn soạn thảo hợp đồng thương mại, chúng tôi cố gắng làm việc sâu sát với khách hàng và tư vấn, phân tích để giúp khách hàng nhận biết đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mỗi bên. Trên cơ sở sự phân tích đó, chúng tôi tư vấn cho khách hàng đặt ra thứ tự ưu tiên về quyền và nghĩa vụ để lập kịch bản tham gia đàm phán. Không phải mọi quyền lợi của khách hàng đều có thể đưa được vào hợp đồng bởi nó có thể gây bất lợi chi phía bên kia và bị bên kia phản đối.
Có thể nói, việc tư vấn soạn thảo hợp đồng thương mại gắn liền với hoạt động thường xuyên, liên tục của doanh nghiệp và có liên quan trực tiếp đến các hoạt động kinh doanh, tìm kiếm doanh thu và lợi nhuận nên chúng tôi có cơ hội làm việc sâu sát với doanh nghiệp.
Việc tư vấn soạn thảo hợp đồng thương mại được cụ thể bằng những hạng mục gồm:
- Tư vấn chiến lược xây dựng hợp đồng, chiến lược làm việc với đối tác để chuẩn bị cho việc soạn thảo và ký kết hợp đồng;
- Xây dựng các kịch bản soạn thảo và đàm phán hợp đồng;
- Tư vấn các quy định pháp luật và thực tiễn liên quan đến quá trình dự thảo, đàm phán và thực hiện hợp đồng;
- Trực tiếp soạn thảo dự thảo hợp đồng;
- Giải thích và thương thảo với khách hàng, những người liên quan của khách hàng về bản dự thảo hợp đồng, các nội dung có trong hợp đồng và lý do trong bản hợp đồng;
- Tham gia đàm phán hợp đồng;
- Rà soát và chỉnh sửa hợp đồng do đối tác soạn thảo;
- Tư vấn các vấn đề cần lưu ý sau khi ký kết hợp đồng.
Quy định về hợp đồng thương mại
Hợp đồng thương mại chịu sự điều chỉnh của Bộ luật dân sự, Luật Thương mại và luật chuyên ngành. Thứ tự luật áp dụng, bạn có thể tìm thấy thứ tự như sau: Luật chuyên ngành, Luật Thương Mại và Bộ Luật Dân sự.
So với Bộ luật Dân sự thì Luật Thương mại là luật chuyên ngành, nên ưu tiên áp dụng quy định của Luật Thương mại. Trường hợp Luật Thương mại không quy định hoặc quy định không rõ ràng thì áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự.
Quy định về hợp đồng thương mại liên quan đến hình thức hợp đồng, thì hợp đồng thương mại có thể lập bằng lời nói, hành vi, văn bản. Tuy nhiên, cũng có những hợp đồng pháp luật quy định bắt buộc bằng văn bản. Các hình thức như fax, telex và thư điện tử được xem là văn bản. Ví dụ: Mua bán hàng hoá quốc tế phải được thực hiện trên cơ sở hợp đồng bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương (LTM2005).
Quy định về hợp đồng thương mại đối với phạt hợp đồng: Bên vi phạm hợp đồng chỉ phải chịu phạt vi phạm nếu các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm hợp đồng. Tổng mức phạt vi phạm cho hợp đồng thương mại không được vượt quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp vi phạm hợp đồng dịch vụ giám định.
Tùy thuộc vào loại hợp đồng mà quy định về hợp đồng kinh doanh thương mại có những điều khoản khác nhau. Ví dụ, khi quy định về địa điểm giao hàng trong hợp đồng mua bán hàng hóa, Luật thương mại quy định như sau:
Bên bán có nghĩa vụ giao hàng đúng địa điểm đã thoả thuận. Trường hợp không có thoả thuận về địa điểm giao hàng thì địa điểm giao hàng được xác định như sau:
- Trường hợp hàng hoá là vật gắn liền với đất đai thì bên bán phải giao hàng tại nơi có hàng hoá đó;
- Trường hợp trong hợp đồng có quy định về vận chuyển hàng hoá thì bên bán có nghĩa vụ giao hàng cho người vận chuyển đầu tiên;
- Trường hợp trong hợp đồng không có quy định về vận chuyển hàng hoá, nếu vào thời điểm giao kết hợp đồng, các bên biết được địa điểm kho chứa hàng, địa điểm xếp hàng hoặc nơi sản xuất, chế tạo hàng hoá thì bên bán phải giao hàng tại địa điểm đó;
- Trong các trường hợp khác, bên bán phải giao hàng tại địa điểm kinh doanh của bên bán, nếu không có địa điểm kinh doanh thì phải giao hàng tại nơi cư trú của bên bán được xác định tại thời điểm giao kết hợp đồng mua bán.
Nguyên tắc soạn thảo hợp đồng thương mại
Nguyên tắc soạn thảo hợp đồng thương mại thứ nhất
Mỗi văn bản hợp đồng chỉ điều chỉnh một quan hệ hợp đồng: Giải thích điều này tương đối trừu tượng nên có thể hình dung dễ hơn bằng ví dụ như sau: A và B mua bán tài sản trên đất với nhau, thì đó là quan hệ mua bán tài sản gắn liê với đất. A cho B thuê đất thì đó là quan hệ thuê quyền sử dụng đất. A sử dung dịch vụ tư vấn thuế của B thì đó là quan hệ hợp đồng tư vấn thuế. Không nên lập thành một hợp đồng mà trong đó, A vừa cho B thuê tài sản trên đất, lại vừa bán tài sản khác trên đất cho B. Hoặc, không nên ký một hợp đồng mà A vừa sử dụng dịch vụ tư vấn thuế của B lại vừa mua tài liệu, sách báo về thuế từ B.
Giữa A và B có thể tồn tại nhiều quan hệ với nhau, những mối quan như vậy nên lập thành một văn bản hợp đồng riêng.
Trong trường hợp các bên muốn gộp thành một hợp đồng chung thì nên tách thành những chương riêng và phải có điều khoản quy định về tính độc lập giữa các quan hệ như vậy. Tuy nhiên, chúng tôi khuyến cáo là không nên gộp các quan hệ hợp đồng với nhau để tránh nhầm lẫn và cố tình giải thích sai hợp đồng. Đây là một nguyên tắc soạn thảo hợp đồng mà bạn nên lưu ý đầu tiên.
Nguyên tắc soạn thảo hợp đồng thương mại thứ hai
Hợp đồng song vụ hay đơn vụ: Hợp đồng song vụ là hợp đồng mà mỗi bên đều có nghĩa vụ với phía bên kia, tức là hai bên đều có nghĩa vụ với nhau. Xác định nguyên tắc soạn thảo hợp đồng này rất quan trọng để khi xây dựng đề cương hợp đồng, chúng ta có thể xây dựng theo hình xương cá, với nội dung chính giao dịch chính là xương sống, còn xương hai bên chính là quyền và nghĩa vụ của mỗi bên. Quyền của bên này sẽ là nghĩa vụ của bên kia. Nếu thấy chỗ nào mà một bên có quyền nhưng bên kia chưa có nghĩa vụ thì phải kiểm tra lại.
Bạn có thể vẽ sơ đồ xương cá để biểu thị các quyền và nghĩa vụ của mỗi bên, trong đó mỗi nội dung sẽ xây dựng thành một xương cá. Ví dụ: Liên quan đến giao hàng, thì nghĩa vụ của bên bán là giao hàng, nghĩa vụ của bên mua là nhận hàng; nghĩa vụ của bên bán là giao hàng đúng địa điểm thì nghĩa vụ của bên mua là nhận hàng tại đúng địa điểm đã thỏa thuận. Hoặc, quyền của bên bán là nhận tiền thì nghĩa vụ của bên mua là thanh toán tiền; quyền của bên bán là xử phạt bên mua thanh toán chậm thì nghĩa vụ của bên mua là phải trả tiền phạt thanh toán chậm ….
Trong hợp đồng song vụ, khi các bên đã thỏa thuận thời hạn thực hiện nghĩa vụ thì mỗi bên phải thực hiện nghĩa vụ của mình khi đến hạn; không được hoãn thực hiện với lý do bên kia chưa thực hiện nghĩa vụ đối với mình. Trên thực tế thường gặp thì một bên thường nại ra lý do bên kia không thực hiện nghĩa vụ của mình.
Đây có vẻ là một điểm khá lý thuyết, nhưng nếu bạn không vận dụng tốt kỹ năng soạn thảo hợp đồng thì sẽ để lại một số rắc rối trong quá trình thực hiện hợp đồng, bởi bên nào cũng cho là mình đúng. Cần thiết phải quy định rõ về việc là một bên vi phạm thì bên kia có được nại lý do đó để từ chối thực hiện nghĩa vụ hay không.
Hợp đồng đơn vụ là hợp đồng mà chỉ một bên có nghĩa vụ. Tuy nhiên, trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, rất ít khi gặp loại hợp đồng này.
Nguyên tắc soạn thảo hợp đồng thương mại thứ ba
Sử dụng đúng ngôn ngữ hợp đồng: Ngôn ngữ hợp đồng là ngôn ngữ có tính pháp lý nhưng lại được đọc, hiểu và thực hiện bởi những người không thuộc lĩnh vực pháp luật. Do đó, ngôn ngữ soạn thảo nên có tính dễ hiểu, đơn nghĩa, ngắn gọn và chính xác. Tuyệt đối không sử dụng các từ, ngữ và câu có tính biểu cảm, ẩn dụ hoặc sử dụng lối văn nói, sử dụng tiếng lóng hoặc pha lẫn tiếng nước ngoài vào Tiếng Việt.
Nếu là một người thường xuyên va chạm và soạn thảo hợp đồng thì bạn sẽ quen với cách sử dụng những từ, cụm từ, câu và văn phong của ngôn ngữ hợp đồng. Nhưng nếu bạn ít tiếp xúc thì đây thực sự là một thách thức lớn. Bạn nên tìm những văn bản hợp đồng chuẩn để đọc tham khảo và làm quen với ngôn ngữ hợp đồng.
Nguyên tắc soạn thảo hợp đồng thương mại thứ tư
Không có gì là tuyệt đối: Kể cả khi hợp đồng là một văn bản có giá trị pháp lý ràng buộc hai bên thì vẫn không có gì đảm bảo là mọi chuyện sẽ diễn biến theo đúng kịch bản mà hai bên đã vạch ra. Thực tế luôn thay đổi và điều này sẽ thường xuyên hơn nếu hợp đồng có thời gian thực hiện trong thời gian dài.
Do đó, một mặt, bạn nên soạn thảo những quyền và nghĩa vụ có tính cố định cho mỗi bên, nhưng cũng cần bổ sung thêm những điều khoản có tính dự liệu, dự phòng trường hợp thay đổi. Nói cách khác, là bạn nên soạn thảo sẵn những nguyên tắc xử sự cho hai bên khi có sự thay đổi hoàn cảnh thực hiện hợp đồng.
Nếu bạn cố tình quy định một cách cứng nhắc, hợp đồng sẽ trở nên khó thực hiện trên thực tế khi có sự thay đổi về hoàn cảnh.
Nguyên tắc soạn thảo hợp đồng thương mại thứ năm
Kịch bản của những vai diễn: Tôi muốn dùng chữ kịch bản của những vai diễn để nói về vai trò của các bên trong hợp đồng, và bạn là người soạn thảo kịch bản đó. Có nhiều phân đoạn và trong mỗi phân đoạn đó, hai bên sẽ phải diễn những tình huống khác nhau. Ví dụ: ở giai đoạn đặt hàng thì bên mua phải làm gì (gửi order?) và bên bán phải làm gì (kiểm tra order và chấp nhận order?); ở giai đoạn giao hàng thì bên bán phải làm gì và bên mua phải làm gì.
Nghĩa là, bạn cần có khả năng hình dùng và vẽ ra một cách mạch lạc toàn bộ diễn biến của hai bên, từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc. Bạn cần tính tới phương án tốt nhất, nhưng cũng tính tới cả phương án xấu nhất trong quan hệ hợp đồng giữa hai bên (một trong hai bên chết, phá sản … hoặc một trong hai bên tự ý chấm dứt hợp đồng ….).
Các điều khoản trong hợp đồng thương mại
Các điều khoản trong hợp đồng thương mại phụ thuộc vào cách soạn thảo và phụ thuộc và tính chất của giao dịch thương mại, lĩnh vực thương mại, và thường bao gồm các điều khoản chính như sau:
Điều khoản về chủ thể của hợp đồng
Chủ thể hợp đồng là thông tin về mỗi bên bắt buộc phải ghi nhận vào văn bản hợp đồng. Nếu không có thông tin về chủ thể thì hợp đồng không có giá trị. Trong một số trường hợp, thông tin không đầy đủ hoặc thiếu sót có thể dẫn tới hợp đồng vô hiệu.
Chủ thể của hợp đồng có thể là cá nhân, cơ quan hoặc tổ chức (pháp nhân). Nếu là cá nhân thì phải do chính người đó ký, còn nếu là pháp nhân thì phải là người đạiu diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền (phải kèm theo văn bản ủy quyền).
Điều khoản về đối tượng của hợp đồng
Đối tượng hợp đồng là thứ mà mỗi bên hướng tới khi giao kết hợp đồng. Nếu đối tượng hợp đồng không có hoặc không đủ chi tiết và đầy đủ thông tin thì hợp đồng có thể rơi vào trình trạng không thể thực hiện được.
Đối tượng hợp đồng có sự khác nhau giữa các loại hợp đồng. Ví dụ: đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa là hàng hóa, và đối tượng của hợp đồng nhượng quyền là việc nhượng quyền kinh doanh một mô hình cụ thể.
Hợp đồng cần và nên quy định một cách chi tiết, đầy đủ và dễ hiểu về đối tượng hợp đồng để tránh hiểu nhầm, giải thích sai hoặc các bên giải thích theo những hướng khác nhau.
Điều khoản về giá cả và điều khoản thanh toán
Bản chất, giá cũng là đối tượng của hợp đồng, vì một bên giao kết hợp đồng nhằm hướng tới việc thu được tiền. Tuy nhiên, trong hợp đồng thương mại, giá cả được tách thành một điều khoản riêng bởi nhiều yếu tố khác.
Trong điều khoản về giá thường bao gồm yếu tố đơn giá, tổng giá, giảm giá, chiết khấu …. Nên các bên cần đưa vào quy định cụ thể hoặc phương pháp xác định giá. Trong một số trường hợp, không có quy định cụ thể về giá trong hợp đồng mà giá sẽ được ghi trong từng đơn hàng cụ thể, nên hợp đồng chỉ ghi đơn giá hoặc thậm chí là bỏ trống.
Trong điều khoản về giá thường đi kèm với thỏa thuận phương thức thanh toán. Các bên trong hợp đồng có thể tùy chọn phương thức thanh toán phù hợp, và có thể lựa chọn một trong số các cách như: thanh toán bằng chuyển khoản, thanh toán bằng bao thanh toán, chi trả hộ, bằng L/c …….
Điều khoản quyền và nghĩa vụ của các bên
Quyền, nghĩa vụ của mỗi bên là những thứ mà mỗi bên phải làm và được hưởng. Nếu quy định là nghĩa vụ thì phải thực hiện, và nếu không thực hiện sẽ bị coi là vi phạm và sẽ bị xử lý theo quy định tại hợp đồng. Nếu là quyền lợi thì có thể thực hiện hoặc không thực hiện.
Trong hợp đồng thương mại, có nhiều quy định là quyền nhưng cũng là nghĩa vụ. Ví dụ: quyền nhận hàng, nhưng cũng là nghĩa vụ phải nhận hàng.
Quy định về thời hạn hợp đồng: Hợp đồng cần có quy định về thời hạn cụ thể và những trường hợp chấm dứt hợp đồng, gia hạn hợp đồng ….
Điều khoản phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại
Luật Thương mại 2005 quy định mức phạt vi phạm không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm và chỉ được phạt vi phạm nếu điều này được quy định trong hợp đồng. Cũng theo Luật này, nếu có thỏa thuận phạt vi phạm thì các bên có thể áp dụng cả phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại.
Trường hợp các bên có thoả thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm. Do đó, người soạn thảo hợp đồng nên làm rõ cả hai vấn đề trên bằng các điều khoản và câu chữ.
Phạt hợp đồng không phải là lý do để chấm dứt hợp đồng, do đó, các bên cần có tư duy và hành động rạch ròi hai việc này để tránh trường hợp vì bên kia sai nên bên còn lại không tiếp tục thực hiện hợp đồng.
Điều khoản chấm dứt, đơn phương chấm dứt hợp đồng
Đây là một điều khoản khá quan trọng khi liên quan đến các vấn đền phải thực hiện theo từng giai đoạn hoặc dựa trên kết quả thực hiện như Hợp đồng góp vốn, Hợp đồng hợp tác kinh doanh,…
Việc chấm dứt hợp đồng được áp dụng khi một trong các bên có những vi phạm cơ bản theo hợp đồng khiến cho bên còn lại không thể đạt được mục đích ban đầu. Ngoài ra, có thể bên vi phạm vi phạm những cam kết tuy không cơ bản nhưng bất hợp lý và có ảnh hưởng đến tiến độ hoặc các quá trình làm việc của bên thứ ba.
Bên cạnh việc hai bên chấm dứt hợp đồng, các bên có quyền thỏa thuận các trường hợp được đơn phương chấm dứt hợp đồng đối với từng bên.
Nên thỏa thuận thuận việc đơn phương chấm dứt hợp đồng dù có phù hợp với những điều kiện mà hợp đồng đã quy định vẫn phải thông báo cho bên còn lại bằng văn bản, nếu không thông báo mà gây ra thiệt hại thì phải bồi thường.
Điều khoản Giải quyết tranh chấp
- Các bên thỏa thuận chọn cơ quan giải quyết tranh chấp là Tòa án hoặc Trọng tài nếu tranh chấp xảy ra.
- Đối với hợp đồng thương mại quốc tế, cần có quy định rõ ràng về luật điều chỉnh và luật tố tụng.
Các điều khoản khác
Ngoài các điều khoản cơ bản ở trên, các bên tự do thỏa thuận các điều khoản khác phù hợp với giao dịch và quy định cảu pháp luật để chi tiết hơn.
kỹ năng soạn thảo hợp đồng thương mại
Kỹ năng soạn thảo hợp đồng thương mại cho người phụ trách
Có thể nói rằng, kỹ năng soạn thảo hợp đồng không chỉ dành riêng cho Luật sư mà còn có thể áp dụng đối với cán bộ pháp chế, kế toán, nhân viên hành chính nhân sự …….. Tuỳ quy mô và loại hình doanh nghiệp mà có nhiều vị trí, chức vụ có thể tham gia vào quá trình soạn thảo hợp đồng, nên việc Kỹ năng soạn thảo hợp đồng cho những người như vậy là hết sức quan trọng.
Việc trang bị kỹ năng soạn thảo hợp đồng để đảm bảo rằng, doanh nghiệp sử dụng người có trình độ hiểu biết và kinh nghiệm cả trong lĩnh vực luật và trong lĩnh vực chuyên môn (chuyên môn xây dựng, y tế, mua bán hàng hoá, gia công ….) để soạn thảo hợp đồng. Lý giải điều này, bởi hợp đồng là sự ghi nhận các nội dung thoả thuận về chuyên môn bằng ngôn ngữ pháp lý, nên không thể không hiểu biết chuyên ngành cụ thể khi soạn thảo hợp đồng.
Kỹ năng soạn thảo hợp đồng thương mại về mặt luật học
Các yếu tố luật học không chỉ nằm ở việc thuộc lòng các quy định, điều khoản pháp luật, mà còn cần phải có tư duy pháp lý một cách vững chắc, cũng như nắm chắc các vấn đề về lý luận.
Ví dụ: Kỹ năng soạn thảo hợp đồng ở khía cạnh tư duy pháp lý thể hiện ở chỗ, trước khi soạn thảo hợp đồng, cần xác định rõ quan hệ hợp đồng là gì để tránh nhầm lẫn về mặt quan hệ. Ví dụ: nhầm lẫn giữa quan hệ về đặt gia công với quan hệ về đặt hàng sản xuất; hoặc nhầm lần giữa quan hệ mua tài sản và quan hệ thuê mua tài sản ….
Hoặc, kỹ năng soạn thảo hợp đồng trong việc áp dụng nguyên tắc thứ tự hiệu lực văn bản điều chỉnh hợp đồng và nội dung của hợp đồng. Chẳng hạn: Giữa luật kinh doanh bất động sản và luật kinh doanh nhà ở thì áp dụng văn bản nào nếu có mâu thuẩn.
Kỹ năng soạn thảo hợp đồng về mặt luật học còn thể hiện ở việc nắm chắc các quy định pháp luật chung, quy định của pháp luật chuyên ngành và biết cách vận dụng một cách nhuần nhuyễn vào từng quan hệ hợp đồng cụ thể. Ví dụ: quan hệ đặt cọc trong kinh doanh bất động sản có thể bị giải thích theo hình thức huy động vốn trong kinh doanh bất động sản, nhưng cũng có thể giải thích theo hình thức giao dịch bảo đảm trong Bộ Luật dân sự, nên việc vận dụng như thế nào cho có lợi là do người soạn thảo hợp đồng.
Kỹ năng soạn thảo hợp đồng thương mại về mặt ngôn ngữ
Trong số các kỹ năng soạn thảo hợp đồng thì kỹ năng về sử ngôn ngữ là cực kì quan trọng. Ngôn ngữ hợp đồng nên ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu và phổ thông, gần gủi với hai bên. Tránh trường hợp sử dụng nhiều thuật ngữ, từ ngữ chuyên ngành gây khó hiểu cho cả hai bên, cho những người trực tiếp thực hiện Hợp đồng về sau. Kỹ thuật soạn thảo hợp đồng là điều rất quan trọng và cần được vận dụng một cách cụ thể, khéo léo trong quá trình soạn thảo hợp đồng.
Kỹ năng soạn thảo hợp đồng thương mại về mặt quản trị chiến lược
Chiến lược ở đây thực ra là không quá phức tạp. Nó đơn giản là chỉ cách thức mà người soạn thảo hợp đồng phải triển khai công việc của mình có tính toán, có hệ thống và có hiệu quả. Người có kỹ năng soạn thảo hợp đồng tốt là người biết vạch ra trình tự và chiến lược, chiến thuật và kịch bản cụ thể cho việc xây dựng hợp đồng.
Ví dụ: chiến lược soạn thảo hợp đồng theo hình thức áp đặt, tức là một bên soạn thảo và không cho bên kia cơ hội về mặt thời gian để rà soát kĩ; hoặc chiến lược tung tin hoả mù trước khi tham gia thảo luận về kế hoạch soạn thảo và ký kết hợp đồng. Hợp đồng sử dụng cho nhiều giao dịch với cùng nội dung sẽ khác với hợp đồng chỉ cho một giao dịch cụ thể và một lần ….
Một vấn đề khác trong kỹ năng soạn thảo hợp , đó là thông tin về hai bên. Bên chủ động đưa ra bản dự thảo hợp đồng nên có sự tìm hiểu và hiểu biết đầy đủ, cụ thể về bên còn lại, cũng như hiểu rõ và khả năng nội tại của chính bản thân mình. Kinh nghiệm của chúng tôi cho thấy, có nhiều trường hợp cán bộ đàm phán hợp đồng của doanh nghiệp hoặc thuê Luật sư soạn thảo hợp đồng kinh doanh thương mại nhưng không hiểu rõ chính bản thân mình, dẫn tới đàm phán và kí “lấy được”, nhưng sau đó không thể thực hiện bởi tiềm lực yếu hoặc không đủ kinh nghiệm triển khai.
Mẫu soạn thảo hợp đồng thương mại mới nhất tại Inteco
Nếu bạn có mong muốn nhận được mẫu soạn thảo hợp đồng thương mại mới nhất từ Luật sư chuyên nghiệp về hợp đồng thì đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi. Liên hệ ngay để được tư vấn miễn phí.Chúng tôi có thể tham gia hỗ trợ bạn từ giai đoạn hình thành ý tưởng kinh doanh, ý tưởng hợp tác cho đến giai đoạn ký kết và thực hiện hợp đồng.
Chúng tôi tin rằng, với một bản hợp đồng kinh doanh thương mại được soạn thảo bởi luật sư chuyên nghiệp, doanh nghiệp của bạn có thể đạt rất nhiều lợi ích, không chỉ về sự an toàn pháp lý mà còn cả về sự chuyên nghiệp và hình ảnh thương hiệu trong con mắt đối tác, khách hàng.
Để được tư vấn rõ hơn vui lòng liên hệ: Hotline: 0904777169 Email: hanoi@intecovietnam.vn
Tin liên quan
Mẫu hợp đồng nguyên tắc và những điều nên lưu ý (05/04/2021)
Hợp đồng nguyên tắc và mẫu hợp đồng nguyên tắc (04/04/2021)
Soạn thảo hợp đồng kinh doanh thương mại (03/11/2020)
Kỹ năng soạn thảo hợp đồng thương mại (29/05/2020)
Soạn Thảo Hợp Đồng Mua Bán Hàng Hóa (11/12/2019)
Lưu ý khi soạn thảo hợp đồng hợp tác kinh doanh (05/12/2019)
Dịch vụ soạn thảo Hợp đồng (05/12/2019)
Tin tức khác
Thành lập công ty tại Singapore (02/09/2020)
Tư Vấn Đầu Tư Nước Ngoài Vào Việt Nam (25/12/2019)
Tư vấn thay đổi địa điểm thực hiện dự án đầu tư (13/12/2019)
Tuân thủ và dịch vụ tuân thủ (07/12/2019)