Tầm nhìn lãnh đạo là có khả năng thoát ly ra khỏi những luồng tư tưởng và chính kiến nội bộ, biết lựa chọn cái gì là trúng nhất cho quyền lợi của cả tập thể, của tổ chức. Lãnh đạo có tầm, sẽ biết khi nào phải bất biến và khi nào phải vạn biến.
Có dịp nói chuyện với nhiều lão thành cách mạng, mình nhận thấy nhiều cụ vẫn bày tỏ quan điểm phản đối sự hợp tác quá gần gũi giữa Việt Nam và Mỹ hiện nay. Các cụ vẫn không quên những ngày bom đạn chiến tranh mà Mỹ trút xuống Việt Nam, không quên những người đồng đội, những người anh em đã ngã xuống trên chiến trường vì bom đạn Mỹ. Mình đã cố gắng phân tích hiện tượng này để soi sáng một vấn đề khác về
tầm nhìn lãnh đạo.
Hồi trước đọc sách vở, mình vẫn thường cười mỉa một số nhà lãnh đạo sau năm 1975, sao không tận dụng cơ hội để bình thường hoá quan hệ với Mỹ sớm để phát triển kinh tế, để đối kháng với Trung Quốc. Mình dã cho rằng, tầm nhìn lãnh đạo của các ông ấy khi ấy quá thấp và không xứng đáng.
Dường như không phải chỉ mỗi cá nhân mình có quan điểm và tư tưởng làm bạn với Mỹ, nên mình đã cho rằng, đáng lẽ các cụ ấy phải xây dựng một tầm nhìn tốt hơn, và rời xa cuộc chiến càng sớm càng tốt, bắt tay làm bạn với Mỹ càng sớm càng tốt.
Không dám bình luận quan điểm của những lão thành cách mạng nói trên là đúng hay sai. Cũng không dám bình luận là quan điểm của những người như mình là đúng hay sai.
Bối cảnh lịch sử có những mối ràng buộc và sự khó khăn riêng của nó mà nếu không phải là người trong cuộc thì khó có thể hiểu hết được.
Thử giả định rằng, những năm 1976-1978, khi Mỹ bày tỏ thái độ muốn bình thường hoá quan hệ với Việt Nam, và Lãnh đạo lúc đó đồng ý, thực hiện ngay, chuyển Mỹ từ kẻ thù thành bạn thì hàng triệu cựu chiến binh, sỹ quan quân đội và hàng chục triệu gia đình có con em hy sinh dưới bom đạn Mỹ có đứng lên làm một cuộc đảo chính không?
Quan điểm bắt tay làm bạn ngay với Mỹ thực ra là đã hình thành ngay từ khi đó, và từ chính những cán bộ ngoại giao (như Ông
Nguyễn Cơ Thạch). Đó là tầm nhìn lãnh đạo của những người chinh chiến trên mặt trận quốc tế, mặt trận ngoại giao chứ không phải trên mặt trận tư tưởng trong nước.
Lãnh đạo đất nước lúc đó đúng là phải đứng giữa những tình huống quá khó khăn, ngay từ trong nội bộ đất nước. Chẳng ai sai, chẳng ai đúng 100%, chỉ có những người đứng mũi chịu sào mới có thể hiểu thế là trúng và thế nào là đúng trong hoàn cảnh cụ thể đó.
Nhận thức này sẽ đúng với ngày nay và ở những câu chuyện thường tình trong một doanh nghiệp, trong một cơ quan. Ở đâu có tập thể thì ở đó có sự khác biệt về tư tưởng và quan điểm. Lợi ích và nhận thức khác nhau dẫn đến sự biểu lộ quan điểm khác nhau, đứa đến những hành vi đấu tranh khác nhau. Lãnh đạo không đủ năng lực và tầm nhìn, thì tập thể mất đoàn kết, mâu thuẩn và đấu đá lẫn nhau.
Tầm nhìn lãnh đạo là có khả năng thoát lý ra khỏi những luồng tư tưởng và chính kiến nội bộ, biết lựa chọn cái gì là trúng nhất cho quyền lợi của cả tập thể, của tổ chức. Lãnh đạo có tầm, sẽ biết khi nào phải bất biến và khi nào phải vạn biến.
Nếu bạn chứng kiến cấp trên của mình có những hành động và lựa chọn khác với nhận thức và mong muốn của cá nhân bạn thì đừng vội coi thường và chê trách, bởi cấp trên của bạn có thể có những lý do riêng, và tầm nhìn của họ khác của bạn, hoàn cảnh của họ khác của bạn. Nếu qua một thời gian dài, nếu liên tục xuất hiện sự xung khắc trong tầm nhìn của bạn với cấp trên, thì có lẽ bạn nên lựa chọn con đường rời khỏi nơi làm việc hoặc kiến nghị bầu chọn một người quản lý khác để thay thế. Đơn giản, khi giữa lãnh đạo và tập thể không có chung tầm nhìn, thì tổ chức sẽ rất khó để phát triển, cá nhân bạn cũng sẽ bị kìm hãm.