Thành lập doanh nghiệp năm 2020
08/03/2021 10:49Thành lập doanh nghiệp năm 2020 sẽ có sự thay đổi một số điểm khá cơ bản về thủ tục theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020.
Trước hết, đó là sự thay đổi về vấn đề con dấu.
Nếu như theo Luật Doanh nghiệp 2014, thủ tục thành lập doanh nghiệp bao gồm các bước (i) nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; (ii) khắc con dấu và nộp thông báo mẫu dấu; (iii) Ký hợp đồng với đơn vị dịch vụ hóa đơn điện tử và thông báo phát hành hóa đơn điện tử hoặc mẫu hóa đơn giấy … thì hiện nay, khi thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh nói chung và thủ tục thành lập doanh nghiệp năm 2020 chỉ cần bước (i), bước (iii) trên đây.
Cơ sở pháp lý của việc tinh giản thủ tục này được quy định tại Điều 43 Luật Doanh nghiệp 2020 về con dấu của doanh nghiệp như sau:
– Dấu bao gồm dấu được làm tại cơ sở khắc dấu hoặc dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
– Doanh nghiệp quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp.
– Việc quản lý và lưu giữ dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty hoặc quy chế do doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc đơn vị khác của doanh nghiệp có dấu ban hành. Doanh nghiệp sử dụng dấu trong các giao dịch theo quy định của pháp luật.
Như vậy, so với quy định về con dấu tại Luật Doanh nghiệp 2014 thì Luật Doanh nghiệp 2020 đã bỏ quy định “Trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp”.
Cần lưu ý rằng, quy định mới nêu trên chỉ lược bỏ thủ tục về công bố mẫu dấu trong quá trình thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp năm 2020, nhưng không có nghĩa là chấm dứt hoàn toàn sự tồn tại của con dấu pháp nhân. Doanh nghiệp vẫn có thể khắc dấu và sử dụng con dấu như cũ, nhưng đó hoàn toàn là quyền lựa chọn của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể lựa chọn sử dụng con dấu hoặc không cần sử dụng con dấu; và doanh nghiệp có thể lựa chọn mẫu dấu theo ý thích của mình mà không phải thông báo hay xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Thứ hai, khi thành lập doanh nghiệp năm 2020, hồ sơ thành lập Công ty TNHH, Công ty Cổ phần có sự thay đổi so với luật cũ.
So với Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Doanh nghiệp 2020 yêu cầu hồ sơ thành lập công ty TNHH (Điều 21), công ty cổ phần (Điều 22) phải có bản sao giấy tờ pháp lý của người đại diện theo pháp luật, tương tự như thành viên công ty TNHH và cổ đông sáng lập công ty CP.
Chúng tôi đánh giá rằng, thay vì loại bỏ quy định về bản sao giấy tờ pháp lý của thành viên Công ty TNHH và cổ đông sáng lập Công ty khi thành lập doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp 2014, thì việc đưa ra yêu cầu nêu trên khi thành lập doanh nghiệp năm 2020 là một phát sinh về thủ tục hành chính gây phiền nhiễu cho doanh nghiệp không đáng có và nên bãi bỏ.
Ngoài các nội dung nêu trên về thủ tục thành lập doanh nghiệp năm 2020, bạn có thể tham khảo thêm một số lưu ý chung dưới đây của chúng tôi khi thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp:
Theo thời gian, hồ sơ thành lập doanh nghiệp đã được lược bỏ nhiều, và quan trọng nhất là pháp luật đã chuyển cơ chế tiền kiểm sang hậu kiểm, tức là doanh nghiệp tự chuẩn bị hồ sơ và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác khi chuẩn bị hồ sơ thành lập doanh nghiệp. Do đó, bạn nên yêu cầu sự hỗ trợ của Công ty luật uy tín và có trách nhiệm, không nên vì thành lập doanh nghiệp giá rẻ mà mang hậu quả về sau cho doanh nghiệp.
Trước khi tiếp cận thủ tục thành lập doanh nghiệp và hồ sơ thành lập doanh nghiệp, thì điều quan trọng hơn mà bạn cần quan tâm là ngành nghề, là vấn đề thuế của doanh nghiệp, về quản trị doanh nghiệp, về cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp, về các giải pháp phòng ngừa tranh chấp nội bộ của doanh nghiệp. Thủ tục thành lập doanh nghiệp năm 2020 cũng chỉ là một thủ tục hành chính theo hồ sơ biểu mẫu có sẵn, nhưng những vấn đề chiến lược và quyết định sự tồn vong của doanh nghiệp về sau thì phải là chất xám và kinh nghiệm của những Luật sư tư vấn có kinh nghiệm, đặc biệt là các Luật sư kinh tế.
Về nội bộ doanh nghiệp, mặc dù Luật sư không thể và không nên can thiệp vào việc bạn kết hợp cùng ai để tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp, nhưng câu chuyện phân quyền, phân công sắp xếp các vị trí quản lý trong doanh nghiệp lại là điều hết sức quan trọng và đảm bảo cho sự tồn tại và lâu dài tại doanh nghiệp. Bạn nên tham vấn Luật sư về vấn đề này.
Tin liên quan
Thành lập Chi nhánh và Văn phòng đại diện (06/04/2021)
Đăng ký thay đổi địa chỉ trụ sở chính của Công ty (03/04/2021)
Dịch vụ thành lập công ty tại Tphcm (28/03/2021)
Tin tức khác
Thành lập công ty tại Singapore (02/09/2020)
Tư Vấn Đầu Tư Nước Ngoài Vào Việt Nam (25/12/2019)
Tư vấn thay đổi địa điểm thực hiện dự án đầu tư (13/12/2019)
Tuân thủ và dịch vụ tuân thủ (07/12/2019)
Hướng dẫn Thủ Tục Đăng Ký Kinh Doanh (07/12/2019)