Tìm hiểu về Pháp chế doanh nghiệp
18/04/2020 07:56Pháp chế doanh nghiệp có thể chỉ tới một hoạt động nội bộ của doanh nghiệp hoặc chỉ tới một bộ phận trong doanh nghiệp liên quan đến việc ban hành, thực hiện và giám sát thực hiện các quy định pháp luật trong nội bộ doanh nghiệp.
Pháp chế doanh nghiệp với ý nghĩa là một hoạt động nội bộ của doanh nghiệp
“Pháp” hiểu theo nghĩa hẹp là pháp luật, nhưng hiểu theo nghĩa rộng là các quy định, quy tắc cần phải thực hiện. “Chế” có thể hiểu là tạo ra và “điều tiết”, “kiểm soát”.
Pháp chế doanh nghiệp hiểu một cách khái quát là việc ban hành, áp dụng các quy tắc, quy định để đảm bảo sự vận hành và hoạt động ổn định của doanh nghiệp.
Xét theo nghĩa này, pháp chế doanh nghiệp có ý nghĩa tương đương với hoạt động tuân thủ (Compliance), tức là việc ban hành các quy định và đảm bảo các quy định trong nội bộ doanh nghiệp được thực thi một cách nghiêm túc, đầy đủ và hiệu quả.
Doanh nghiệp được thành lập để triển khai các hoạt động kinh doanh, và hoạt động đó có liên quan tới nhiều thủ tục, liên quan đến nhiều con người, và quyền lợi của nhiều bên. Do đó, để đảm bảo tính thống nhất, hiệu quả và bền vững, thì việc ban hành và thực hiện các quy tắc xử sự chung là hết sức cần thiết, ảnh hưởng đến khả năng tồn vong của doanh nghiệp.
Mỗi doanh nghiệp lập ra một ban pháp chế, cũng như Nhà nước phải có bộ Tư pháp để bảo vệ pháp luật. Ban pháp chế thậm chí còn có phạm vi hoạt động rộng hơn, bao gồm cả việc đề xuất các dự thảo quy định nội bộ để đệ trình cấp trên ban hành.
Mặc dù có ý nghĩa quan trọng như vậy, nhưng trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp Việt nam ít quan tâm và chú ý đến việc xây dựng và đảm bảo tính hiệu quả trong hoạt động của bộ phận pháp chế. Trong nhiều trường hợp, bộ phận pháp chế được coi như bộ phận hành chính, chuyển xử lý các thủ tục hành chính và giấy tờ như bộ phận văn thư lưu trữ, mà quên đi nhiệm vụ và chức năng chính của nó là công tác ban hành quy định, kiểm soát việc tuân thủ quy định và xử lý vi phạm.
Kỷ luật là sức mạnh của doanh nghiệp và bộ phận pháp chế doanh nghiệp phải là nơi đảm bảo duy trì sức mạnh đó cho doanh nghiệp của mình.
Pháp chế doanh nghiệp hiểu theo nghĩa là một bộ phận của doanh nghiệp
Bộ phận pháp chế là bộ phận thực hiện các hoạt động pháp chế doanh nghiệp, bao gồm Luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý, có trình độ và kĩ năng thực hành pháp luật và các kỹ năng khác, như kỹ năng soạn thảo hợp đồng, kỹ năng phân tích hợp đồng ……..
Thông thường, các doanh nghiệp sẽ tuyển dụng các Luật sư tư vấn đã có kinh nghiệm nhiều năm làm việc tại các hãng luật. Tuy nhiên, có một số doanh nghiệp tuyển dụng cử nhân luật mới ra trường để phụ trách pháp chế doanh nghiệp.
Lợi thế của việc tuyển dụng Luật sư đã có kinh nghiệm là đảm bảo bộ phận pháp chế được vận hành bởi những người có trình độ hiểu biết cao, có kinh nghiệm nên đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Tuy nhiên, điểm bất lợi là tiền lương phải trả khá cao.
Đối với những doanh nghiệp tuyển dụng sinh viên mới ra trường để phụ trách pháp chế, thì tận dụng được mức lương thấp, nhưng lại khó đảm bảo hiệu quả chất lượng và hiệu quả của công tác pháp chế, bởi sự non nớt và thiếu kinh nghiệm của cán bộ, dẫn tới nhiều rủi ro cho hoạt động của doanh nghiệp.
Lựa chọn pháp chế doanh nghiệp hay làm việc tại Công ty luật
Nhiều sinh viên mới ra trường băn khoăn giữa việc nộp hồ sơ xin làm pháp chế doanh nghiệp hay vào làm việc tại một Công ty luật. Mỗi công việc đều có những ưu và nhược điểm khác nhau.
Nếu làm việc tại một công ty luật thì đặc điểm chung là mức lương khởi điểm sẽ thấp hơn so với làm pháp chế doanh nghiệp. Làm việc tại Công ty luật khá vất vả và áp lực nên không phải bạn trẻ nào cũng có thể chịu đựng, đặc biệt là những bạn có yêu cầu cao về kinh tế.
Bù lại, nếu làm việc tại công ty luật, các bạn có thể được đào tạo nâng cao trình độ, kinh nghiệm thông qua việc cọ xát hàng ngày, hàng giờ với các vụ việc thực tế của khách hàng. Công ty luật là đơn vị chuyên nghiệp trong việc cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật nên số lượng vụ việc luôn đa dạng và phong phú, từ đơn giản đến phức tạp và từ nội bộ đến thủ tục hành chính, cũng như nhiều mảng khác nhau, như tư vấn đầu tư nước ngoài, tư vấn pháp luật thường xuyên, soạn thảo hợp đồng, đất đai, bất động sản, thuế và tài chính …….
Nếu thực sự là người có đam mê nghề nghiệp, mong muốn trưởng thành trong nghề luật như một luật sư tư vấn hoặc luật sư tranh tụng thì lựa chọn làm việc cho một Công ty luật là giải pháp tốt nhất cho sinh viên mới ra trường. Mặc dù mức lương chưa cao ngay bằng làm việc tại pháp chế doanh nghiệp, nhưng có thể coi đó là một sự đầu tư cho tương lai khá hời.
Với những bạn ưu thích làm việc ngay cho pháp chế doanh nghiệp thì ngoài ưu điểm hưởng mức lương tốt hơn, thì gặp khá nhiều nhược điểm, như không có cơ hội cọ xát với công việc thực tế, công việc đơn giản nên không nâng cao trình độ. Thậm chí, một số cán bộ pháp chế trở thành nhân viên hành chính, cán bộ văn thư lưu trữ sau vài năm làm pháp chế.
Nếu làm việc tại một hãng luật rồi chuyển sang làm pháp chế, bạn sẽ được đặt ở vị thế khá cao bởi trình độ, kinh nghiệm chuyên môn và hành nghề. Tuy nhiên, nếu bạn chuyển từ PC sang làm luật sư tại tổ chức hành nghề luật thì coi như phải làm lại từ đầu, nên rất thiệt thòi.
Có pháp chế, có nên thuê Luật sư bên ngoài
Ở các tập đoàn, doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp có vốn nước ngoài, các vấn đề về pháp lý thường được đảm trách và xử lý bởi cả bộ phận PC và Luật sư thuê ngoài.
Với những công việc đã quen thuộc và không quá phức tạp, không có những cách hiểu khác nhau thì bộ phận pháp chế sẽ tự xử lý. Nhưng đối với những công việc phức tạp và có thể có những cách hiểu khác nhau thì việc thuê ngoài dịch vụ Luật sư sẽ là giải pháp an toàn và đảm bảo nhất, loại trừ rủi ro cho doanh nghiệp.
Tin liên quan
Vốn huy động và các hình thức huy động vốn! (26/06/2021)
Nơi cư trú của cá nhân xác định như thế nào? (05/05/2021)
Thuế thu nhập doanh nghiệp (05/05/2021)
Hợp đồng thương mại và kinh nghiệm soạn thảo (05/05/2021)
Kinh doanh bất động sản và những điều cần biết! (04/05/2021)
Tin tức khác
Thành lập công ty tại Singapore (02/09/2020)
Tư Vấn Đầu Tư Nước Ngoài Vào Việt Nam (25/12/2019)
Tư vấn thay đổi địa điểm thực hiện dự án đầu tư (13/12/2019)
Tuân thủ và dịch vụ tuân thủ (07/12/2019)