Văn bản pháp luật chồng chéo, bình luận từ Luật sư
23/10/2019 03:34Thưa ông, hiện nay có thực tế là nhiều quy định pháp luật được quy định tại các bộ luật khác nhau đang có những sự mâu thuẫn, chồng chéo với nhau.Dưới góc độ của một luật sư làm việc tại Công ty Luật chuyên nghiệp, chuyên nghiên cứu về quy định pháp luật, theo quan điểm của ông, sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định pháp luật và văn bản pháp luật được quy định tại các bộ luật khác nhau như đề cập ở trên có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân như thế nào?
Trả lời:
Hệ thống văn bản pháp luật của Việt nam tương đối cồng kềnh và phức tạp, với nhiều văn bản và quy định ở cấp độ văn bản luật và dưới luật, trong đó, mang nét điển hình nhất cho sự rối rắm và khó nắm bắt nhất là hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành từ Nghị định đến những quyết định cá biệt nhưng lại chứa đựng các quy pháp pháp luật.
Và ngay bản thân các văn bản quy phạm pháp luật ở cấp độ đạo luật và cấp độ nghị định cũng đã thể hiện sự phức tạp bởi sự chồng chéo, mâu thuẩn, xung đột lẫn nhau.
Nguyên nhân của hiện tượng này xuất phát từ thực trạng khách quan và chủ quan. Về mặt khách quan, nền kinh tế Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển nhanh nên tồn tại xã hội thay đổi liên tục, biến động không ngừng trong quãng thời gian ngắn.
Điều đó dẫn đến việc hệ thống pháp luật phải chạy đuổi theo nhưng vẫn không kịp. Trong hệ thống pháp luật đó, có văn bản được sửa trước, văn bản sửa sau, dẫn đến cả hệ thống không thống nhất và ăn khớp với nhau, phát sinh ra những mâu thuẩn, chồng chéo.
Công tác lý luận chưa chỉ ra được và có giải pháp giải quyết được sự xung đột và khoảng cách giữa kiến trúc thượng tầng và cơ sở hạ tầng của xã hội dẫn đến bộ máy Nhà nước, hệ thống pháp luật chưa thực sự phù hợp với tồn tại xã hội dẫn đến phải liên tục thay đổi, cập nhật một cách chắp vá, nhất thời.
Về mặt chủ quan, cơ chế xây dựng luật của chúng ta chưa thực sự phù hợp, chưa có một đầu mối thực sự thống nhất có đầy đủ năng lực và chuyên môn đảm trách. Vai trò của cơ quan thẩm định là Bộ tư pháp còn rất mờ nhạt và chưa được đặt đúng vị trí của mình.
Quốc Hội là cơ quan lập pháp, nhưng mỗi năm chỉ họp một lần, các đại biểu Quốc hội có chất lượng không đồng đều và chưa thực sự tinh thông về công tác pháp luật. Nói cách khác, hệ thống văn bản pháp luật được bấm nút thông qua bởi những đại biểu chưa thực sự tinh thông về pháp luật.
Mặc dù Quốc hội là cơ quan lập pháp nhưng các dự thảo luật đều do các Bộ, ngành chủ trì soạn thảo và lấy ý kiến góp ý. Do đó, các đạo luật được trình lên Quốc Hội không thể không chịu sự chi phối và ý chí của Bộ, ngành chủ trì soạn thảo nên vẫn còn có tính phiến diện, thậm chí vì lợi ích cục bộ.
Các bộ như các ốc đảo, thiếu tính liên kết vì lợi ích chung nên Bộ nào cũng bị lợi ích cục bộ của mình dẫn tới các đạo luật do các Bộ dự thảo bị chồng chéo, thậm chí dẫm đạp lên nhau, mâu thuẩn với nhau.
Một số đạo luật, và đặc biệt là văn bản hướng dẫn thi hành có bóng dáng của lợi ích nhóm dẫn tới phá vỡ sự thống nhất chung của cả hệ thống pháp luật.
Hệ quả từ thực trạng hệ thống văn bản pháp luật mâu thuẩn, chồng chéo.
Thực trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định pháp luật được quy định tại các bộ luật khác nhau sẽ đem đến những hệ quả như thế nào đối với doanh nghiệp, thưa ông?
Mọi hoạt động của doanh nghiệp đều chịu sự điều chỉnh của hệ thống pháp luật, và mỗi doanh nghiệp, không phụ thuộc vào quy mô, đều chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản pháp luật khác nhau.
Do vậy, khi hệ thống pháp luật không thống nhất thì doanh nghiệp sẽ bị giằng xé giữa nghĩa vụ tuân thủ pháp luật và được bên này thì mất bên kia, kết cục cuối cùng là nỗ lực kiểu gì cũng bị coi là vi phạm pháp luật và phải chịu một loạt hậu quả xảy ra sau đó.
Sự viếng thăm của các cơ quan thanh tra, cơ quan quản lý và hoạt động thanh sát của các đối tác quốc tế. Để tồn tại, doanh nghiệp phải nhờ cậy đến quyền lực của những phong bì thư và những buổi tiệc tùng triền miên, những khoản chi phí không chính thức.
Hành lang pháp lý không rõ ràng, không đầy đủ thì không thể tạo môi trường minh bạch và hiệu quả cho các hoạt động kinh tế, dẫn đến không thể giải phóng các nguồn lực trong xã hội nói chung và nguồn lực của doanh nghiệp nói riêng.
Các kế hoạch kinh doanh đưa ra chỉ mang tính ngắn hạn, đánh tỉa và luồn lách. Các dự án đầu tư gặp rủi ro về thủ tục pháp lý, về thời gian xử lý thủ tục hành chính dẫn tới đội vốn, hiệu quả thấp.
Tất cả những vấn đề như vậy đang tồn tại hiện hữu trong nền kinh tế chúng ta, tạo ra một bầu không khí vẩn đục, ô nhiễm, và gây hại tới sức khỏe của nền kinh tế, cũng như niềm tin của nhân dân và Nhà nước và hệ thống pháp luật, hệ thống văn bản pháp luật. Doanh nghiệp của Việt nam khó có thể lớn mạnh và không thể lớn mạnh, một phần cũng vì những lý do như vậy.
Ảnh hưởng của hệ thống văn bản pháp luật chồng chéo tới cơ quan Nhà nước
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, theo ông, sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định pháp luật ảnh hưởng như thế nào trong quá trình thực thi chính sách cũng như trong công tác quản lý nhà nước?
Sự cục bộ diễn ra trong quá trình xây dựng pháp luật thì cũng xảy ra trong chính quá trình áp dụng pháp luật. Mỗi cơ quan Nhà nước phải thực hiện các giải pháp để bảo vệ lợi ích cục bộ của ngành mình dẫn đến mất tính xuyên suốt và hệ thống của pháp luật. Công tác quản lý nhà nước trở nên thiếu hiệu quả bởi những cản trở đi mắc núi, trở về mắc sống nên phải bất động, câu giờ và đá bóng sang doanh nghiệp.
Cái khó của những cơ quan thừa hành cấp dưới là phải chịu áp lực áp dụng pháp luật và đối mặt với cộng đồng doanh nghiệp và xã hội. Đi giữa các quy định pháp luật chồng chéo, mâu thuẩn lẫn nhau như đi giữa những làn đạn nên công tác điều hảnh sẽ khó quyết liệt và nhanh chóng.
Sự cẩn trọng của cơ quan áp dụng pháp luật không phải để pháp luật thực sự đi sâu vào cuộc sống và phát huy hiệu quả mà là để đảm bảo an toàn cho chính cơ quan đó, cũng như người có chức trách.
Cá nhân tôi đánh giá, hầu hết các chính sách của Đảng và Nhà nước đều rất tốt, nhưng không thực sự đi sâu vào đời sống vì lý do triển khai. Với hệ thống pháp luật mâu thuẩn, chồng chéo thì bản thân các quy định pháp luật đó không được tôn trọng đúng mực, không được triển khai một cách đồng bộ dẫn đến tính hiệu quả không đảm bảo.
Chính sách đi vào cuộc sống thông qua hệ thống quy định pháp luật, nên nếu pháp luật không được thực hiện một cách đồng bộ và hiệu quả thì chính sách đó cũng khó thực sự phát huy hiệu quả.
Giải pháp cho tình trạng văn bản pháp luật chồng chéo.
Từ góc nhìn của luật sư, ông có đề xuất giải pháp như thế nào để khắc phục tình trạng trên?
Đó là một câu chuyện quá lớn để có thể trả lời trong một vài ý kiến. Cần phải đi từ công tác lý luận đến việc chấn chỉnh thực trạng ban hành pháp luật và áp dụng pháp luật. Trước mắt, đề cao vai trò và vị trí của Bộ Tư pháp trong công tác thẩm tra công tác ban hành văn bản. Đảm bảo mọi văn bản do Quốc Hội, Chính phủ, các Bộ ban hành phải được thẩm duyệt bởi cơ quan có năng lực chuyên môn của Bộ Tư pháp.
Thực trạng hiện nay là tiếng nói của Bộ Tư pháp chưa đủ sức nặng và chưa được các Bộ, Ngành khác coi trọng nên cần có cơ chế để xử lý việc này. Nếu lấy Bộ Tư pháp làm đầu mối thẩm duyệt thì sẽ giảm thiểu nguy cơ chồng chéo, mâu thuẩn trong công tác ban hành văn bản.
Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm trường hợp các địa phương tự ban hành văn bản pháp luật có chứa quy phạm pháp luật, các Bộ tự ý ban hành những văn bản quy phạm mới thay vì chỉ được ban hành văn bản pháp luật có tính hướng dẫn.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Diệu Thiện (Thời báo tài chính).
Tác giả: Khôi Anh
Tin liên quan
Luật doanh nghiệp 2014 và những nội dung chính (12/03/2020)
Luật doanh nghiệp 2014 (05/03/2020)
Luật đầu tư 2014 (17/10/2019)
Bộ luật lao động 2012 (03/10/2019)
Tin tức khác
Thành lập công ty tại Singapore (02/09/2020)
Tư Vấn Đầu Tư Nước Ngoài Vào Việt Nam (25/12/2019)
Tư vấn thay đổi địa điểm thực hiện dự án đầu tư (13/12/2019)
Tuân thủ và dịch vụ tuân thủ (07/12/2019)
Hướng dẫn Thủ Tục Đăng Ký Kinh Doanh (07/12/2019)