Vốn đầu tư nước ngoài và những quy định cần biết
27/03/2020 15:46Khi đầu tư vào Việt Nam, nhà đầu tư có thể lựa chọn rất nhiều hình thức đầu tư như: (i) thành lập tổ chức kinh tế (100% vốn đầu tư nước ngoài hoặc liên doanh với đối tác Việt Nam) hoặc (ii) đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế (100% vốn đầu tư nước ngoài hoặc 100% vốn đầu tư Việt Nam hoặc liên doanh) hoặc (iii) đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh. Cho dù đầu tư theo hình thức nào, nhà đầu tư nước ngoài cũng phải đáp ứng các điều kiện được quy định tại Điều 22 Luật đầu tư 2014 trong đó có điều kiện về vốn đầu tư.
Theo quy định của Luật đầu tư 2014, vốn đầu tư là tiền và tài sản khác để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh (việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh thông qua việc thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế (100% vốn đầu tư nước ngoài hoặc 100% vốn đầu tư Việt Nam hoặc liên doanh); đầu tư theo hình thức hợp đồng hoặc thực hiện dự án đầu tư). Thông thường vốn đầu tư sẽ được hình thành từ ba nguồn (i) vốn góp của nhà đầu tư và/ hoặc (ii) vốn huy động hay còn gọi là vốn vay và/ hoặc (iii) vốn khác (tài trợ, tặng cho, …).
1. Đầu tiên nhà đầu tư nước ngoài phải đảm bảo tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của mình trong Công ty không được vượt quá mức Luật định.

Theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014, nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu vốn điều lệ không hạn chế trong tổ chức kinh tế. Tuy nhiên, tỉ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài sẽ bị giới hạn trong:
– Các công ty niêm yết, công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán và các quỹ đầu tư chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán;
– Các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu theo hình thức khác thực hiện theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước.
– Các doanh nghiệp có ngành nghề giới hạn tỉ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư có thể tìm kiếm thông tin về các ngành nghề này tại các cam kết quốc tế của Việt Nam. Ví dụ: Cam kết Thương mại Dịch vụ của Việt Nam trong WTO, Cam kết về dịch vụ của Việt Nam trong VJEPA,….
Ví dụ, theo Biểu cam kết WTO, đối với doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh dịch vụ liên quan đến nông nghiệp săn bắn và lâm nghiệp (CPC881), tỉ lệ sở hữu vốn tối đa của nhà đầu tư Hàn Quốc (Hàn Quốc là thành viên của WTO) là 51%.
Bên cạnh đó, cũng có một số ngành nghề mà nhà đầu tư nước ngoài chưa được phép đầu tư vào Việt Nam. Do vậy, nhà đầu tư nước ngoài không thể sở hữu vốn trong các doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh này. Ví dụ: Kinh doanh các thiết bị gây nhiễu, phá sóng thông tin di động.
2. Các thủ tục mà nhà đầu tư phải thực hiện khi muốn sở hữu vốn trong doanh nghiệp Việt Nam

Để đầu tư vốn thực hiện hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, tùy từng trường hợp mà nhà đầu tư sẽ phải thực hiện các thủ tục đầu tư nhất định. Các thủ tục mà nhà đầu tư thường phải thực hiện bao gồm:
– Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
– Thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
– Thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp.
3. Quy định về việc chuyển vốn vào Việt Nam để thực hiện hoạt động đầu tư
Vốn đầu tư vào Việt Nam sẽ được chuyển thông qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp và tài khoản vốn đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư tại Việt Nam. Việc mở và sử dụng các tài khoản này được quy định cụ thể trong Thông tư số 06/2019/TT-NHNN và Thông tư số 05/2014/TT-NHNN.
Sau khi lập tài khoản nêu trên tại một ngân hàng được phép, nhà đầu tư sẽ chuyển tiền vào tài khoản vốn. Tiền từ tài khoản vốn sau đó sẽ được chuyển qua các tài khoản thanh toán để thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam.
>> Xem thêm:
Tác giả: Hà Linh
Tin liên quan
Hiểu thế nào về vốn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài (16/03/2020)
Dịch vụ tư vấn phát hành trái phiếu (07/12/2019)
Phát hành trái phiếu (06/12/2019)
Tin tức khác
Thành lập công ty tại Singapore (02/09/2020)
Tư Vấn Đầu Tư Nước Ngoài Vào Việt Nam (25/12/2019)
Tư vấn thay đổi địa điểm thực hiện dự án đầu tư (13/12/2019)
Tuân thủ và dịch vụ tuân thủ (07/12/2019)
Hướng dẫn Thủ Tục Đăng Ký Kinh Doanh (07/12/2019)