Vốn huy động và các hình thức huy động vốn!
26/06/2021 10:59Vốn huy động trong doanh nghiệp, hay còn còn gọi là vốn nợ, hay là các khoản vốn phải trả là những khái niệm thiết thực và rất quan trọng với hoạt động quản trị tài chính doanh nghiệp. Trong bài viết dưới đây, các Luật sư tư vấn của chúng tôi sẽ chỉ ra các nguồn vốn huy động để doanh nghiệp có thể sử dụng để tăng nguồn lực cho khả năng tăng trưởng và phát triển của Công ty.
Vốn huy động cùng với Vốn chủ sở hữu tạo thành toàn bộ nguồn vốn của doanh nghiệp và là nền tảng tài chính của doanh nghiệp. Do đó, nếu bạn là chủ doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp thì nhất thiết phải nắm rõ hai nội dung cơ bản này. Trong trường hợp cần có sự tư vấn và hỗ trợ từ các chuyên gia, các Luật sư tài chính – ngân hàng của chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ bạn và doanh nghiệp.
Trong quá trình hoạt động kinh doanh, DN cần huy động các nguồn vốn khác nhau để tài trợ cho các hoạt động kinh doanh của mình. Bên cạnh nguồn vốn chủ sở hữu, thì DN cần huy động nguồn vốn từ các bên khác, và việc huy động như vậy, tạo thành nghĩa vụ phải hoàn trả lại nguồn vốn đã huy động. Nợ, hay vốn huy động là biểu hiện bằng tiền của toàn bộ nghĩa vụ tài chính mà DN phải thực hiện với bên khác để đền bù về tài sản, vật chất đã chiếm hữu và sử dụng vào hoạt động của mình.
Tiếp cận dưới góc độ pháp lý, nếu một nguồn vốn mà DN có quyền sở hữu, chiếm hữu và sử dụng thì có thể coi là vốn chủ sở hữu; nhưng nếu nguồn vốn mà DN chỉ có quyền chiếm hữu, sử dụng, nhưng không có quyền sở hữu thì có thể ghi nhận là một khoản nợ.
Trong hệ thống kế toán Việt Nam, nợ được quy định cụ thể về mặt khái niệm là “Nợ phải trả”. Điều đó có thể giải thích rằng, nội hàm nợ bao gồm nợ phải trả và nợ khác. Nợ khác có thể là các khoản nợ không thỏa mãn tiêu chí và điều kiện mà tiêu chuẩn kế toán đặt ra.
Theo quy định tại mục 42, Chuẩn mực kế toán Việt Nam, thì “Nợ phải trả được ghi nhận trong Bảng cân đối kế toán khi có đủ điều kiện chắc chắn là DN sẽ phải dùng một lượng tiền chi ra để trang trải cho những nghĩa vụ hiện tại mà DN phải thanh toán, và khoản nợ phải trả đó phải xác định được một cách đáng tin cậy”.
Vai trò của các khoản vốn huy động đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN là vô cùng quan trọng. Việc huy động và sử dụng một cách hiệu quả sẽ có tác dụng tạo đòn bẩy để thúc đẩy sự tăng trưởng về quy mô và phát triển ổn định của DN. Tỷ lệ vốn huy động trong cơ cấu vốn của DN cũng là một nội dung mà bất kỳ DN nào cũng cần phải quan tâm và thực hành một cách nhuần nhuyễn, để đảm bảo sự cân đối giữa vốn nợ và vốn chủ có thể vừa thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển của DN, nhưng cũng đủ khả năng để chống lại tình trạng mất thanh khoản, mất cân đối tài chính và khủng hoảng kinh tế.
Vốn huy động có thể được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, với thời hạn và chi phí sử dụng khác nhau, phụ thuộc vào điều kiện cụ thể của mỗi DN, và gồm hai loại chính như sau:
Nợ ngắn hạn: Là khoản tiền mà DN có trách nhiệm trả trong vòng một năm hoặc trong một chu kỳ kinh doanh bình thường. Nợ ngắn hạn gồm các khoản: Vay ngắn hạn; Khoản nợ dài hạn đến hạn trả; Các khoản tiền phải trả cho người bán, người cung cấp, người nhận thầu; Thuế và các khoản phải nộp cho Nhà nước; Tiền lương, phụ cấp, tiền thưởng phải trả cho người lao động; Các khoản chi phí phải trả; Các khoản nhận ký quỹ, ký cược ngắn hạn; Các khoản phải trả ngắn hạn khác.
Nợ dài hạn: Là các khoản nợ mà thời gian trả nợ trên một năm, bao gồm: Vay dài hạn cho đầu tư phát triển; Nợ dài hạn phải trả; Trái phiếu phát hành; Các khoản nhận ký quỹ, ký cược dài hạn; Thuế thu nhập hoãn lại phải trả.
Trong phần dưới đây, tác giả xin được trình bày một số khái lược về những nguồn vốn huy động chính yếu của DN.
Nợ vay hay còn gọi là vốn vay (Vốn huy động từ nguồn vay), là khoản vốn được hình thành từ việc đi vay của bên khác với lãi vay và thời hạn vay được ấn định từ trước.
Tại giai đoạn gia nhập thị trường, cũng như trong suốt quá trình hoạt động sau đó, DN có thể tìm kiếm nhiều nguồn tài trợ vốn vay khác nhau, như huy động từ gia đình, bạn bè, từ các TCTD và các công ty liên kết trong hệ thống của mình. Những khoản vay như vậy, có thể đáp ứng các đòi hỏi về vốn ngắn hạn hoặc dài hạn của DN để kịp thời đưa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, mua sắm tài sản cố định …..
Vốn huy động từ nguồn vay gắn liền với chi phí sử dụng vốn và DN phải tính toán để lợi nhuận thu về từ việc sử dụng vốn luôn là một con số lớn hơn chi phí sử dụng vốn. Ở khía cạnh quản trị vốn, thì vốn vay là một nguồn tài trợ đạt được nhiều mục tiêu khác nhau, gồm: giới hạn được trách nhiệm của chủ đầu tư đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của DN; lãi vay được hạch toán là một khoản chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập DN; chi phí sử dụng vốn nhỏ hơn chi phí sử dụng vốn chủ; và có khả năng huy động được nguồn vốn lớn hơn so với vốn chủ. Tuy nhiên, vốn vay luôn đặt lên vai DN áp lực trả nợ và lãi theo đúng lịch biểu đã cam kết, nên DN phải luôn tạo ra được một dòng tiền để bù đắp những khoản hoàn trả khoản vay như vậy một cách định kỳ.
Nợ vay từ các tổ chức tín dụng
Khoản nợ vay từ các TCTD luôn đòi hỏi phải được đảm bảo bởi tín chấp hoặc thế chấp bằng tài sản. Điều đó có ý nghĩa rằng, hoặc là DN phải có một lịch sử tín dụng tốt và được một bên thứ ba đứng ra bảo lãnh bằng chính uy tín của bên thứ ba đó; nếu không, DN phải sử dụng một loại tài sản cố định có giá trị để thế chấp vay vốn. Theo nguyên tắc quản trị và phòng ngừa rủi ro của ngân hàng, tỷ lệ cho vay trên tài sản bảo đảm từ 60% -70% giá trị của tài sản bảo đảm đối với tài sản thông thường và có thể lên tới 75% đối với tài sản bảo đảm là bất động sản.
Bên cạnh áp lực về trả gốc và lãi định kỳ (không phụ thuộc vào tình hình kinh doanh của DN) thì nguồn vốn nợ vay từ các TCTD cũng có những lợi thế nhất định, đó là sự chủ động trong lịch biểu trả nợ và có thể vay được với số tiền lớn (nếu có đủ tài sản bảo đảm), cơ chế xử lý linh hoạt, nhiều lựa chọn cho vay (Như: Vay từng lần; Vay hợp vốn; Vay lưu vụ; Vay theo hạn mức; Vay theo hạn mức cho vay dự phòng; Vay theo hạn mức thấu chi trên tài khoản thanh toán; Vay quay vòng; Vay tuần hoàn; Vay kết hợp ….).
Vốn huy động từ tổ chức phi tín dụng (Vay tín dụng)
Bên cạnh nguồn vay từ các TCTD, DN có thể vay vốn từ các nguồn khác, như vay từ DN liên kết, đối tác, vay của công ty mẹ, vay từ công ty con …… Tuy nhiên, nguồn vốn này chịu hạn chế về độ số lượng, về thời gian vay và không có nhiều lựa chọn linh hoạt.
Bên cạnh đó, hình thức vay vốn từ các tổ chức phi tín dụng đang có một số trở ngại từ cơ chế pháp lý áp ảnh hưởng tới bên cho vay, mà cụ thể là: pháp luật dân sự và các tiêu chuẩn kế toán hiện hành quy định và cho phép DN được quyền cho vay và vay lẫn nhau, nhưng Luật các TCTD quy định hoạt động cho vay là hoạt động tín dụng, và chỉ cấp quyền cho TCTD được thực hiện. Mặc dù không phải là hoạt động chính, thường xuyên, liên tục và nhằm mục đích lợi nhuận, nhưng hoạt động cho vay giữa các DN phi tín dụng lẫn nhau đều có các quy định về lãi suất, về phạt hợp đồng và cơ chế đảm bảo khoản vay. Trong thời điểm hiện tại, các chuyên gia vẫn đang không ngừng tranh luận với nhau về hoạt động cho vay của DN, và chưa thực sự có một kết luận cuối cùng về tính hợp pháp của hoạt động cho vay này.
Nợ vay từ phát hành trái phiếu
Một hình thức huy động vốn nợ vay mà nhiều DN lớn tại Việt Nam đang áp dụng là phát hành trái phiếu trong và ngoài nước để huy động vốn. Một số ví dụ có thể thấy đăng tải công khai trên báo chí như: Trong giai đoạn từ năm 2012 trở về trước, Vingroup cũng có một thương vụ lớn là phát hành 300 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế vào tháng 4 và tháng 7 năm 2012; tính từ năm 2013 đến đến tháng 10/2019, Tập đoàn đã thực hiện 17 giao dịch huy động vốn từ các tổ chức nước ngoài với tổng số tiền huy động được lên đến 7,6 tỷ USD[1].
Trái phiếu là một loại chứng khoán xác nhận người sở hữu trái phiếu đang cho DN phát hành vay một khoản vay, hay nói cách khác, đó là một chứng chỉ ghi nợ của DN phát hành đối với người sở hữu trái phiếu.
Chủ nợ của DN phát hành trái phiếu không giới hạn ở một cá nhân hay tổ chức, mà có thể rất nhiều cá nhân, tổ chức khác nhau, nên sự chi phối từ phía trái chủ lên bên vay nợ có nhiều điểm khác biệt so với hình thức vay từ TCTD.
Không phải mọi DN đều có thể sử dụng hình thức này, bởi liên quan đến mức độ tín nhiệm, uy tín của DN trên thị trường, có phương án sử dụng vốn huy động và hoàn trả khoản vay được phê duyệt. Nói cách khác, để có thể phát hành trái phiếu huy động vốn, thì DN phải là một tổ chức đã khẳng định được vị thế và tiếng nói trên thị trường, được kiểm chứng.
Nếu DN tận dụng được hình thức huy động vốn huy động thông qua phát hành trái phiếu, sẽ có rất nhiều cơ hội để có được một nguồn vốn lớn, ổn định từ thị trường, cũng như tận dụng được nhiều lựa chọn từ các loại trái phiếu.
Tùy vào các tiêu chí phân loại, mà có nhiều loại trái phiếu mà DN phát hành có thể lựa chọn một cách phù hợp, như:
+ Căn cứ vào tính chất của trái phiếu, có Trái phiếu có thể chuyển đổi (Là loại trái phiếu của Công ty CP mà trái chủ được quyền chuyển thành cổ phiếu của Công ty phát hành khi đến một thời hạn nhất định hoặc khi thõa mãn điều kiện nhất định được quy định cụ thể khi mua trái phiếu); Trái phiếu có quyền mua cổ phiếu (Là loại trái phiếu có kèm theo phiếu cho phép trái chủ được quyền mua một số lượng nhất định cổ phiếu của công ty); Trái phiếu có thể mua lại (Là loại trái phiếu cho phép nhà phát hành được quyền mua lại một phần hay toàn bộ trước khi trái phiếu đến hạn thanh toán).
+ Căn cứ vào hình thức trái phiếu, có loại trái phiếu vô danh hoặc trái phiếu ghi danh.
+ Căn cứ vào mức độ đảm bảo bằng tài sản, có trái phiếu bảo đảm (có bảo đảm bằng tài sản của nhà phát hành về việc mua lại và trả lãi suất), hoặc trái phiếu không có bảo đảm (chỉ phụ thuộc vào uy tín của bên phát hành).
+ Căn cứ vào lãi suất trái phiếu, có trái phiếu lãi suất cố định (Là loại trái phiếu mà lợi tức được xác định theo một tỷ lệ phần trăm (%) cố định tính theo mệnh giá); và Trái phiếu có lãi suất biến đổi (lãi suất thả nổi) (Là loại trái phiếu mà lợi tức được trả trong các kỳ có sự khác nhau và được tính theo một lãi suất có sự biến đổi theo một lãi suất tham chiếu); Trái phiếu có lãi suất bằng không (Là loại trái phiếu mà người mua không nhận được lãi, nhưng được mua với giá thấp hơn mệnh giá (mua chiết khấu) và được hoàn trả bằng mệnh giá khi trái phiếu đó đáo hạn.
Vốn huy động từ nguồn nợ phải trả cho nhà cung cấp
Bản chất của khoản nợ phải trả cho nhà cung cấp là một nghĩa vụ theo hợp đồng, là sự đánh đổi giá trị này bằng nhận lấy giá trị khác, nhưng vẫn được coi là vốn huy động. Nợ nhà cung cấp có thể hình thành từ các hợp đồng mua sắm tài sản, hợp đồng với nhà thầu thi công và xây lắp, mua hàng hóa ……. Trong các hợp đồng như vậy, phải có thỏa thuận đầy đủ và rõ ràng về thời gian thanh toán khoản nợ.
Tùy thuộc vào quy định của hợp đồng, đối tác ứng trước cho DN một giá trị nào đó dưới dạng tài sản, máy móc hay vật tư, nhân công … để đưa vào chu kì kinh doanh của DN, tạo lập tài sản cố định. DN phải hoàn trả lại cho nhà cung cấp một giá trị vật chất, phổ biến là bằng tiền hoặc bằng tài sản theo thỏa thuận.
Để có thể huy động được nguồn vốn từ nợ phải trả, DN phải nhận được sự đồng ý của đối tác trên cơ sở hợp đồng hoặc bằng hình thức văn bản khác. Trong trường hợp quá hạn do vi phạm, DN phải trả khoản tiền phạt trả chậm, lãi trả chậm …. , và những khoản như vậy sẽ phải được coi là chi phí vốn
Nợ chiếm dụng
Nợ chiếm dụng là khoản phải trả trong báo cáo tài chính của DN, nhưng chưa được thực hiện, bao gồm các khoản phải trả cho nhà cung cấp, khách hàng ứng trước, phải trả hoặc phải nộp cho nhà nước, thậm chí của nhân công. Vốn huy động từ nguồn nợ chiếm dụng bao gồm các khoản nợ đã đến hạn phải thanh toán khoản nợ chưa đến hạn thanh toán.
Thực tiễn tại DN có nhiều cách thức để tận dụng nguồn vốn nợ này, như: Một số trường hợp DN chấp nhận thanh toán tiền lãi phạt, lãi chậm trả để có thể chiếm dụng vốn từ đối tác thay vì vay vốn từ các TCTD; DN có các chính sách như chiết khấu, tặng quà cho khách hàng, đối tác để ứng tiền trước, giãn thời hạn thanh toán nợ ….
Đây là nguồn vốn mà DN có thể chiếm dụng tạm thời và không phải trả chi phí sử dụng vốn. Vốn chiếm dụng được hiểu là các khoản phải trả trong báo cáo tài chính của DN. Khoản này bao gồm các khoản phải trả cho nhà cung cấp, khách hàng ứng trước, phải trả – phải nộp nhà nước. Hoặc một số khoản phải trả khác mà DN vẫn chưa hoàn thành.
Khác với các khoản nợ có tính chất “phải trả”, thì nguồn vốn nợ hình thành từ việc chiếm dụng vốn có thể chia thành hai bộ phận gồm: bộ phận vốn nợ chiếm dụng hình thành từ việc chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán (phải trả); và bộ phận vốn nợ hình thành từ việc ứng trước của người mua, đối tác ……(phải thu trong tương lai).
Khi xem xét dưới góc độ về quan hệ sở hữu, thì nguồn vốn nợ từ chiếm dụng này có tính chất sở hữu đan xen, bao gồm các khoản vốn mà DN có quyền sở hữu (hoặc sẽ có quyền sở hữu trong tương lai gần); hoặc các khoản vốn mà DN không có quyền sở hữu nhưng có quyền chiếm hữu, sử dụng; thậm chí một số khoản vốn nợ chiếm dụng là chiếm hữu không có căn cứ pháp luật (nợ chây ỳ).
#tàichínhdoanhnghiệp #luậtsưtưvấn
[1] https://ndh.vn/doanh-nghiep/vingroup-da-huy-dong-von-tu-cac-to-chuc-quoc-te-nhu-nao-1256467.html
Tin liên quan
Nơi cư trú của cá nhân xác định như thế nào? (05/05/2021)
Thuế thu nhập doanh nghiệp (05/05/2021)
Hợp đồng thương mại và kinh nghiệm soạn thảo (05/05/2021)
Kinh doanh bất động sản và những điều cần biết! (04/05/2021)
Tin tức khác
Thành lập công ty tại Singapore (02/09/2020)
Tư Vấn Đầu Tư Nước Ngoài Vào Việt Nam (25/12/2019)
Tư vấn thay đổi địa điểm thực hiện dự án đầu tư (13/12/2019)
Tuân thủ và dịch vụ tuân thủ (07/12/2019)